Vì sao cần tiến tới chính sách hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần?
(Dân trí) - Rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần ảnh hưởng đến "an ninh" thu nhập của người lao động. Khi về già, họ sẽ không có "điểm tựa" cho những biến cố ngắn hạn, dài hạn.
Hạn chế tình trạng rút BHXH một lần
Ủy ban Xã hội của Quốc hội vừa có văn bản đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bổ sung, giải trình một số nội dung dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.
Theo đó, cơ quan soạn thảo cần đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ nguyên nhân rút hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Đáng lưu ý, Ủy ban Xã hội đề nghị nghiên cứu sửa luật BHXH theo hướng hạn chế và sớm chấm dứt tình trạng rút BHXH một lần trong độ tuổi lao động, trừ vài trường hợp.
Trước đó, Điều 60 Luật BHXH 2014 quy định theo hướng lao động không được hưởng BHXH một lần sau nghỉ việc mà phải đợi đến tuổi nghỉ hưu. Sau đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xây dựng Nghị quyết 93 sửa đổi quy định theo hướng để người lao động tự chọn hưởng BHXH một lần hoặc bảo lưu để đóng tiếp nếu có điều kiện.
Theo báo cáo đánh giá thực trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người lao động ở Nghị quyết số 93, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, giai đoạn 2016-2021, có 4,06 triệu người lao động rút một lần trong khi đó có 4,2 triệu người tham gia mới bảo hiểm xã hội. Như vậy, tỉ lệ 1,048 người tham gia mới thì có 1 người rời khỏi hệ thống.
Bình quân mỗi năm gần 700.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần với số lượng năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng trung bình khoảng 11,6%. Tổng kinh phí chi trả giai đoạn này là 131.940 tỷ đồng.
Vì vậy, trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, ban soạn thảo đưa ra và lấy ý kiến rộng rãi với hai phương án rút BHXH một lần. Phương án 1, giữ nguyên quy định như hiện hành. Phương án 2 chỉ giải quyết 50% tổng thời gian đóng và phần còn lại bảo lưu trong hệ thống để sau này lao động hưởng chế độ.
Nhanh chóng điều chỉnh lại chính sách
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, đa số người lao động khi muốn nhận BHXH một lần đều gặp khó khăn về kinh tế do thiếu hoặc chưa có việc làm ổn định.
Ảnh hưởng đến vấn đề an sinh, nhiều nước đã có quy định hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần. Có thể do nhu cầu trước mắt nên người lao động cần rút, nhưng đến khi hết tuổi lao động sẽ khó có nguồn để sinh sống.
Ông Huân đề xuất tiếp tục giữ quy định về BHXH một lần như Điều 60 Luật BHXH năm 2014, không được rút BHXH một lần khi còn tuổi lao động, trừ trường hợp đi nước ngoài định cư, mắc bệnh hiểm nghèo.
Bên cạnh đó, chuyên gia này đưa ra đề xuất hỗ trợ về tín dụng lúc người lao động gặp khó khăn, giải quyết vấn đề trước mắt. Từ đó, họ không tính đến việc rút bảo hiểm hoặc bảo lưu được thời gian đóng sau này có lương hưu.
"Tới đây các cơ quan chức năng cần tính toán để có chính sách tín dụng hỗ trợ người lao động rơi vào hoàn cảnh khó khăn vay mượn với lãi suất thấp. Từ đó giúp họ trang trải được cuộc sống tạm thời và không nghĩ đến việc rút bảo hiểm xã hội một lần", ông Huân nêu ý kiến.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, khi rút bảo hiểm xã hội một lần, người lao động được nhận một khoản tiền nhất định. Song, họ đã bỏ số năm tham gia bảo hiểm xã hội trước đó, điều này rất nguy hiểm.
Theo chuyên gia này, về lâu dài, việc rút BHXH sẽ làm cho quá trình an ninh về thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng, đặc biệt là an ninh khi tuổi già. Bởi lương hưu là nguồn thu nhập cho những biến cố ngắn hạn và những biến cố dài hạn khi nghỉ hưu.
Về phía bản thân người lao động, bên cạnh không có lương hưu, họ còn mất đi BHYT khi về già…
Vì vậy, bà Hương kiến nghị cần nhanh chóng điều chỉnh lại luật để không cho người lao động rút BHXH một lần. Bên cạnh đó, cần tìm ra những giải pháp thay thế.
Vị này lấy ví dụ, bên cạnh khoản hỗ trợ từ bảo hiểm thất nghiệp, cần sử dụng giải pháp cho người lao động vay tín chấp lúc gặp khó khăn. Như vậy, họ không bị mất đi thời gian đóng BHXH và họ vẫn có tiền trang trải.
Một giải pháp nữa bà Hương đưa ra, nếu cho người lao động được phép rút BHXH một lần, thì chỉ được rút phần thuộc về họ là 8%. Phần đóng còn lại của doanh nghiệp vì trách nhiệm xã hội thì không được rút.
Bên cạnh đó, cũng phải tăng cường độ hấp dẫn của chính sách. Đặc biệt, cần minh bạch, công khai chính sách, tuyên truyền về chính sách, kéo người sử dụng lao động vào cuộc.