Chính phủ yêu cầu kéo giảm số người rút bảo hiểm xã hội một lần
(Dân trí) - Chính phủ yêu cầu BHXH Việt Nam phối hợp với các cơ quan, địa phương triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm, hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần…
Đây là một trong những nội dung được đề cập tại Nghị quyết 88/NQ-CP, phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5 năm 2023.
Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu BHXH Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội; hạn chế số người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần.
Quản lý quỹ chặt chẽ, an toàn, hiệu quả, tăng trưởng bền vững; giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, kịp thời xử lý nghiêm theo pháp luật các vi phạm, nhất là việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ người lao động mất việc, giảm giờ làm, Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương nắm chắc tình hình thực tế người lao động mất việc làm, giảm giờ làm; chủ động kịp thời nghiên cứu, đề xuất chính sách để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.
Trước đó, đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu nhiều con số liên quan đến tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trước năm 2019, bình quân có khoảng 500.000 người rút bảo hiểm/năm. Tuy nhiên, đến năm 2023, con số này tăng lên 900.000 người. Người rời đi gần tương đương số người tham gia mới, Bộ trưởng nhận định, đây là nguy cơ đối với hệ thống an sinh khi tương lai, nhiều người già sẽ không có lương hưu.
Phân tích nguyên nhân của sự gia tăng này, tư lệnh ngành lao động chỉ ra nhiều nguyên nhân, đầu tiên là vì thu nhập thấp và đời sống của người dân khó khăn. Đại bộ phận rút bảo hiểm một lần rơi vào công nhân lao động, ngược lại, công chức, viên chức rất ít. Khu vực phía Nam chiếm tới 72%, phía Bắc và miền Trung ít hơn.
Sau nữa, Bộ trưởng chỉ rõ, không có một quốc gia nào có cơ chế rút bảo hiểm một lần dễ dàng như Việt Nam. Trong khi đó, quyền lợi khi người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần rất cao.
Người lao động đóng 8%, nhưng khi rút vẫn được hưởng toàn bộ phần đóng của Nhà nước, của doanh nghiệp, tổng cộng là 22% lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng. Chính vì thế, nhiều người thấy lợi trước mắt khi rời khỏi hệ thống.
Cũng theo người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH, việc tổ chức tuyên truyền, vận động với người lao động chưa tốt. Ông dẫn chứng, ở Hà Nội, cứ 10 người đi rút bảo hiểm thì chính quyền vận động, thuyết phục được 6 người trở lại và nếu làm được ở TPHCM, Đồng Nai... thì sẽ giữ được một tỷ lệ không nhỏ công nhân không rút bảo hiểm.