Tưởng niệm nạn nhân Covid-19: Vạn nỗi đau được xoa dịu từ tình người

Hoàng Mạnh

(Dân trí) - Cả nước thắp nến, thả hoa đăng tưởng niệm 23.000 nạn nhân Covid-19, chuyện chăm sóc con nuôi của cố ca sĩ Phi Nhung, nam giới lo tiền lương thấp hơn bạn gái… là những thông tin an sinh nổi bật.

Tưởng niệm nạn nhân Covid-19: Vạn nỗi đau được xoa dịu từ tình người - 1

Lá thư của Chủ tịch nước là động lực với cô bé tật nguyền mơ làm bác sĩ

Câu chuyện của cô bé mồ côi Nguyễn Thị Hoàng Oanh tại TPHCM được chia sẻ trong cuộc gặp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chiều tối 19/11/2021 tại Phủ Chủ tịch. Oanh là một trong 16 em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bệnh tật nhưng vượt khó vươn lên. Các em vừa đạt giải trong cuộc thi sáng tác văn học, vẽ tranh "Vì một Việt Nam tất thắng".

Khoảng 3 năm trước, cô bé xuất thân từ khu lao động nghèo ở vùng ven TPHCM đã bất ngờ khi được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Thủ tướng Chính phủ) gửi thư động viên…

Tưởng niệm nạn nhân Covid-19: Vạn nỗi đau được xoa dịu từ tình người - 2

Tưởng niệm 23.000 nạn nhân Covid-19: Vết sẹo khó lành, tình người xoa dịu!

Cuộc sống đang từng bước bắt nhịp trở lại sau nhiều tháng tất cả gồng mình chống chọi với đợt dịch lần thứ 4 tàn khốc. Nhưng khó ai có thể nguôi ngoai trước mất mát, nỗi đau dịch bệnh để lại. Theo thống kê, đến thời điểm này, cả nước có 23.000 người qua đời vì Covid-19, riêng ở TPHCM đã hơn 17.200 người.

Mất mát đó, nỗi đau đó không còn của riêng ai, của riêng người nào mà là của cả dân tộc. Chung một nỗi đau, Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 đã được tổ chức trực tuyến vào tối ngày 19/11 tại nhiều điểm cầu…

Tưởng niệm nạn nhân Covid-19: Vạn nỗi đau được xoa dịu từ tình người - 3

"Cứ dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch mà làm"

Giải đáp những ý kiến của các cử tri tại Hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri của ĐBQH tại Thanh Hóa hôm 19/11, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Bắt đầu từ 1/1/2022, cả nước sẽ thực hiện tiêu chí giảm nghèo mới. Đồng thời, Hội đồng sẽ thẩm định Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Theo đó, tiêu chí sẽ nâng lên là 1,5 triệu đồng đối với nông thôn và 2 triệu đồng với thành thị. Như vậy, tỷ lệ hộ nghèo hiện nay 2,75% sẽ đẩy lên khoảng 15,6% theo tiêu chí mới.

Về chính sách đối với người già, người cô đơn, theo Bộ trưởng, người cô đơn, không nơi nương tựa ở đây là người không còn thân nhân gần như vợ chồng, bố mẹ, con cái để chăm sóc mới được hưởng chính sách theo Nghị định 20…

Tưởng niệm nạn nhân Covid-19: Vạn nỗi đau được xoa dịu từ tình người - 4

Thứ trưởng Bộ Lao động "bật mí" 7 nhóm giải pháp mới hỗ trợ người lao động

Tại Tọa đàm trực tuyến "Triển khai giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch", sáng 17/11, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đã chia sẻ 7 giải pháp chính trong dự thảo chương trình phục hồi và phát triển đang được Bộ xây dựng và xin ý kiến các bộ, ngành liên quan.

Trước hết là việc hỗ trợ trực tiếp cho người lao động các chi phí mua nhu yếu phẩm, đi lại, chi trả tiền điện tiền nước, xét nghiệm Covid-19. Tiếp đến là 3 nhóm giải pháp hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cung lao động; hỗ trợ kết nối cung cầu lao động trên thị trường lao động".

Đồng thời, Thứ trưởng lưu ý các giải pháp tiếp theo là phát triển bền vững thị trường lao động kết hợp tăng cường cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động; Đảm bảo điều kiện về nơi sinh sống cho người lao động; Xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định tiến bộ…

Tưởng niệm nạn nhân Covid-19: Vạn nỗi đau được xoa dịu từ tình người - 5

Khi nam giới lo "đi làm lương thấp hơn bạn gái thì sao"?

Theo TS.Khuất Thu Hồng, người dân Việt Nam phải đối diện với tư tưởng "nam tôn nữ ti", "chồng chúa vợ tôi" trong hàng nghìn năm. Bên cạnh đó, khuôn mẫu giới cho rằng nam giới là phái mạnh, là trụ cột gia đình khiến họ ngày càng áp lực, lo lắng chuyện cơm áo, việc làm, thu nhập trong một cuộc sống hiện đại diễn ra quá nhanh, giá cả sinh hoạt ngày càng đắt đỏ.

"Nếu là phụ nữ, khi buồn, đau khổ có thể khóc, than vãn, chia sẻ thì nam giới không được như thế vì được gán cái danh là phái mạnh. Họ không thể chia sẻ, không được khóc, phải luôn tỏ ra mạnh mẽ nhưng trong sâu thẳm tâm hồn có thể cảm thấy rất bối rối, hoang mang, lo sợ, thậm chí cô đơn, đau khổ trong chính căn nhà của mình", bà Hồng phân tích và cho biết…

Tưởng niệm nạn nhân Covid-19: Vạn nỗi đau được xoa dịu từ tình người - 6

Đóng bảo hiểm xã hội ra sao để lao động tự do về già vẫn có "lương hưu"?

Rất nhiều người là lao động tự do cần đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện , tuy nhiên đa số họ chưa hiểu được cách thức, quy trình và việc thừa hưởng chính sách này như thế nào.

Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cùng đơn vị tại địa phương của TPHCM đã giải thích vấn đề này. Theo đó, hiện chính sách Bảo hiểm xã hội rất mở, thông thoáng nhằm tạo điều kiện cho toàn dân được tham gia, đóng bảo hiểm để nhận được thu nhập khi về hưu. Đây là chính sách an sinh theo nguyên tắc có đóng, có hưởng và xóa nhòa khoảng cách, cơ hội giữa các giai tầng trong xã hội…

Tưởng niệm nạn nhân Covid-19: Vạn nỗi đau được xoa dịu từ tình người - 7

Hé lộ việc chi tiêu các tài khoản tiết kiệm cho 15 con nuôi ca sĩ Phi Nhung

Trả lời PV Dân trí, sư cô Thích Nữ Minh Viên, trụ trì chùa Pháp Lạc (huyện Phú Riềng, Bình Phước), nơi nuôi dưỡng 15 con nuôi của cố ca sĩ Phi Nhung hé lộ việc sử dụng tài khoản của 15 trẻ mồ côi.

Theo sư cô Minh Viên, số tiền trong 15 tài khoản mà cố ca sĩ Phi Nhung cho các con đã được lập ra trước đây. Tâm nguyện của cố ca sĩ, khi các con đến tuổi trưởng thành, có việc cần sẽ được toàn quyền sử dụng số tiền ấy vào mục đích của mình. Còn hiện tại, các con vẫn sống trong chùa, nên không sử dụng số tiền đó cho việc ăn ở, học hành. "Khi các con đủ 18 tuổi, có việc cần, các con sẽ được sử dụng số tiền của cố ca sĩ Phi Nhung để lại", sư cô Minh Viên nói...

Tưởng niệm nạn nhân Covid-19: Vạn nỗi đau được xoa dịu từ tình người - 8

Chuyện về những mảnh đời sống dưới gầm cầu 4 tháng để trốn... Covid-19

"Không có điện nên chồng tôi đi bẻ củi về nấu cơm, hứng nước mưa chảy để tắm. Khắp người dị ứng và ngứa ngáy nhưng được cái không khí trong lành và không bị nhiễm Covid-19", bà Thu kể.

Hơn 4 tháng dịch Covid-19 bùng phát, vợ chồng bà Phạm Thị Thu (52 tuổi, ngụ TPHCM) sống tạm bợ tại gầm cầu Kênh 1 (TP Thủ Đức). Con đường dẫn xuống nơi vợ chồng bà Thu sống tạm um tùm cỏ dại, khi đi lại cũng phải nhẹ nhàng vì nếu lỡ đụng trúng cây ven đường thì cả đàn ong bay ra "cắn sưng mặt".

"Không có điện nên chồng tôi đi bẻ củi về nấu cơm, không có nước nên lấy nước mưa chảy từ ống cống dưới gầm cầu để tắm. Dị ứng, ngứa ngáy, kém vệ sinh nhưng được cái không khí trong lành và may mắn không bị nhiễm Covid-19", bà Thu kể…

Tưởng niệm nạn nhân Covid-19: Vạn nỗi đau được xoa dịu từ tình người - 9

Tìm thấy hài cốt liệt sĩ cùng nhiều di vật kèm theo

Đội 589 Quảng Bình vừa cất bốc một hài cốt liệt sĩ với nhiều di vật kèm theo như: Cúc áo bộ đội, vải dù, lược, túi ni lon nhỏ được cho là đựng tên tuổi liệt sĩ nhưng đã bị rách và phân hủy một phần.

Ngày 17/11, thông tin từ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình, Đội Quy tập hài cốt liệt sĩ 589 vừa tìm kiếm, cất bốc một bộ hài cốt liệt sĩ được phát hiện tại địa bàn thôn Yên Vân, xã Hóa Tiến, huyện Minh Hóa.

Khu vực tìm kiếm được hài cốt liệt sĩ trước đây là nghĩa trang dã chiến, an táng các liệt sĩ là bộ đội và thanh niên xung phong hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Sau hòa bình, phần lớn các liệt sĩ đã được quy tập nhưng không thể tránh khỏi tồn sót.

Tưởng niệm nạn nhân Covid-19: Vạn nỗi đau được xoa dịu từ tình người - 10

Hơn 24.000 người lao động từ chối nhận hỗ trợ từ gói 38.000 tỷ đồng

Tới ngày 14/11, 24.181 người lao động đã tự nguyện không nhận hỗ trợ từ gói 38.000 tỷ đồng của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Đây là những lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Cũng tới thời điểm này, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho hơn 11,4 triệu lao động (gồm hơn 10,6 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 750.622 người đã dừng tham gia, tương đương 91.28% số người lao động đề nghị hỗ trợ) với số tiền hỗ trợ 27.230 tỷ đồng…

Tưởng niệm nạn nhân Covid-19: Vạn nỗi đau được xoa dịu từ tình người - 11

Hơn 17.000 phần tro, cốt người mất vì Covid-19 được về với gia đình

Trao đổi với PV Dân trí, Thượng tá Nguyễn Thanh Phong, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh TPHCM, cho biết, 17.202 phần tro, cốt người không may qua đời bởi dịch Covid-19 đã được lực lượng quân đội trao trả lại cho các thân nhân, gia đình. Việc bàn giao được thực hiện cẩn thận, chu toàn nhất để thể hiện sự thành kính, cảm thông và sẻ chia đối người mất vì Covid-19 và thân nhân của họ.

"Hơn 17.000 phần tro, cốt đã được bàn giao về cho các gia đình ở TPHCM, miền Tây và Đông Nam Bộ. Các lực lượng của Quân khu 9, Quân khu 7 đã tới TPHCM tiếp nhận tro cốt, đưa về địa phương và trao cho các gia đình", Thượng tá Nguyễn Thanh Phong thông tin.