Thứ trưởng Bộ Lao động "bật mí" 7 nhóm giải pháp mới hỗ trợ người lao động
(Dân trí) - "Đại dịch Covid-19 đã khiến 4,7 triệu người lao động bị mất việc làm, 14,7 triệu lao động tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất. Đồng thời, trên 10 triệu lao động giảm giờ làm..."
Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, phát biểu tại Tọa đàm trực tuyến "Triển khai giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch". Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH và Báo Nhân dân tổ chức sáng 17/11.
Khoảng 4,7 triệu lao động mất việc làm
Đánh giá về khó khăn do Covid-19, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhận định, từ đầu năm 2021, Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến hàng chục triệu lao động. Chỉ riêng trong quý 3/2021, Covid-19 khiến 4,7 triệu người lao động bị mất việc làm, 14,7 triệu lao động tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, dịch còn khiến trên 10 triệu lao động giảm giờ làm việc.
Phân tích về cơ cấu việc làm và tác động dịch chuyển, Thứ trưởng đánh giá nhiều ngành bị tác động nhưng trong đó ngành dịch vụ là lớn nhất. "Lao động có việc làm ngành công nghiệp và xây dựng là 15,7 triệu người, giảm 960.000 người so với cùng kỳ năm trước, lao động ngành việc làm trong ngành dịch vụ là 17,1 triệu người, giảm 2-3 triệu người so với cùng kỳ năm trước…", Thứ trưởng Lê Văn Thanh nói.
Khoảng 1,3 triệu lao động đã từ TPHCM và các tỉnh trọng điểm phía nam về các địa phương, trong đó có số tỉnh thành có số lao động lớn trở về là Thanh Hóa (khoảng 160 nghìn người), Sóc Trăng (99,7 nghìn người), Nghệ An (75,8 nghìn người); Đắc Lắc (75 nghìn người), Cà Mau (58,7 nghìn người)…
Về thu nhập và tiền lương, đời sống công nhân lao động gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao.
"Về Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116, tổng kinh phí đã thực hiện là hơn 27.000 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho hơn 27 triệu lượt đối tượng. Về Nghị quyết 116 và Quyết định 28, gần 11,4 triệu lao động được hỗ trợ hơn 27.000 tỷ đồng, giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 363.600 đơn vị sử dụng lao động...", Thứ trưởng Lê Văn Thanh nói.
Cũng tại Hội thảo, Thứ trưởng cho biết về kết quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhằm hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Đồng thời, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đã chia sẻ 7 giải pháp chính trong dự thảo chương trình phục hồi và phát triển đang được Bộ xây dựng và xin ý kiến các bộ, ngành liên quan.
Trước hết là việc hỗ trợ trực tiếp cho người lao động các chi phí mua nhu yếu phẩm, đi lại, chi trả tiền điện tiền nước, xét nghiệm Covid-19. Tiếp đến là 3 nhóm giải pháp hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cung lao động; hỗ trợ kết nối cung cầu lao động trên thị trường lao động".
Đồng thời, Thứ trưởng lưu ý các giải pháp tiếp theo là phát triển bền vững thị trường lao động kết hợp tăng cường cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động; Đảm bảo điều kiện về nơi sinh sống cho người lao động; Xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định tiến bộ…
Chỉ có hơn 1.200/65.000 lao động không quay lại
Đánh giá tại Hội thảo, ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ VN), cho biết các chính sách hỗ trợ của Chính phủ ngày càng kịp thời và thuận tiện hơn. Đặc biệt là gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116.
"Đầu tiên, tôi cũng rất hoang mang với mục tiêu 45 ngày thực hiện gói 38.000 tỷ đồng. Nhưng đến nay, việc giải ngân về cơ bản đã hoàn thành với mục tiêu "tốc tiến, tốc thắng". Như tôi được biết, tới nay, hầu hết người lao động đã và đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và các doanh nghiệp đã tiếp cận được gói hỗ trợ này", ông Vũ Minh Tiến nói.
Về phía Tổng LĐLĐ Việt Nam, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn sơ bộ thống kê, gần 2 năm qua, tổng nguồn lực hỗ trợ cho lao động vì dịch Covid-19 lên tới gần 6.000 tỷ đồng, nhằm hướng tới gần 1 triệu cán bộ công đoàn các cấp huy động để triển khai đến từng ngõ xóm đến từng nơi phát quà…
Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn dệt may VN - đánh giá, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, khoảng 65.000/155.000 lao động của Tập đoàn thuộc 19 tỉnh, thành chịu tác động lớn của dịch. Thời điểm nhạy cảm nhất, Tập đoàn có tới 56.000 người lao động không thể di chuyển tới nơi làm việc do tác động của dịch Covid-19.
Chia sẻ về lời giải cho bài toán phục hồi, Chủ tịch Tập đoàn dệt may VN cho rằng hệ thống an sinh của Nhà nước và chính sách ổn định của doanh nghiệp là lời giải chính giúp phục hồi lao động của doanh nghiệp thời kỳ khó khăn này.
Ông Lê Tiến Trường dẫn chứng: "Sau giãn cách, từ ngày 1/10-15/10, 92% lao động của Tập đoàn đã trở lại làm việc ở TPHCM. Chỉ còn hơn 1.200/65.000 lao động thuộc 19 tỉnh, thành chịu nhiều tác động của Covid-19 không liên lạc được sau đợt dịch", ông Lê Tiến Trường cho biết.
Đánh giá về câu chuyện thiếu hụt lao động sau giãn cách, ông Lê Tiến Trường cho rằng, tình trạng chủ yếu xuất hiện ở những doanh nghiệp may mặc "trẻ" hoặc vừa được thành lập và vẫn sử dụng nhiều lao động dịch chuyển ở các tỉnh ngoài. "Còn với các doanh nghiệp lâu năm, có chế độ tốt và đã có khu trọ thì ít có lao động bỏ về quê", ông Lê Tiến Trường đánh giá.
Chia sẻ giải pháp của Tập đoàn, vị chủ tịch cho biết đã triển khai cơ chế liên hệ giữa người quản lý lao động và lực lượng lao động, đồng thời xây dựng các tổ nhóm Covid trước đợt dịch lần thứ 4.
"Theo đó, mỗi tổ nhóm được phân công theo địa bàn khu vực ở trọ của người lao động. Người lao động ở trọ cùng một chỗ thì làm cùng một tổ, một dây chuyền nhằm hạn chế số lượng người tiếp xúc. Việc này giúp bảo đảm nếu 1 người là F0 thì chỉ có 20 người là F1 chứ không phải là 300 hay 400 người…", ông Lê Tiến Trường nói.
Cần chú trọng khái niệm "Bình đẳng hoàn hảo"
TS Ngô Quỳnh An, Phó Trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực (Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội).
Qua thời điểm đại dịch, chúng ta đã nhận thức được vai trò quan trọng của sự "bình đẳng Covid" hay còn gọi là "bình đẳng hoàn hảo".
Điều này có thể thấy rõ qua việc theo dõi nhóm lao động nhập cư. Nhóm đối tượng này có thu nhập thấp và bấp bênh, không có bảo hiểm xã hội. Để đảm bảo hòa nhập an toàn, chúng ta phải bảo vệ và hỗ trợ được nhóm này trước rủi ro. Qua đó mang lại an toàn cho chính cộng đồng, địa phương đó, chứ không phải là từ thiện hay giúp đỡ nữa.
Nếu trong cộng đồng còn một người bị Covid-19 thì có thể ảnh hưởng tới cả cộng đồng. Do đó, nhiệm vụ đặt ra là cần hỗ trợ nhóm lao động nhập cư.
Vai trò "tấm nệm" của chính sách bảo hiểm xã hội
PGS, TS Giang Thanh Long (Khoa Kinh tế học, ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội).
Lao động trong khu vực không chính thức là nhóm đối tượng tổn thương nặng nhất do đại dịch trong suốt 2 năm qua. Đặc biệt trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, họ bị mất sinh kế và không có nguồn bù đắp như những người được hưởng bảo hiểm xã hội.
Dù đã có hỗ trợ của Chính phủ nhưng vẫn còn một số lượng khá lớn lao động phi chính thức chưa tiếp cận hoặc tiếp cận chậm với chính sách hỗ trợ. Chính vì vậy, chúng ta cần quan tâm tới việc số hóa tất cả các hoạt động trong đó có hoạt động đăng ký người lao động, đặc biệt là lao động tự do.
Đây cũng là lúc chúng ta nhận thấy rõ vai trò của chính sách bảo hiểm xã hội như là "tấm nệm" hỗ trợ cho người lao động tham gia khi có khó khăn. "Đây là cơ hội tuyệt vời giúp mọi người thấy rằng: Ai chưa tham gia bảo hiểm xã hội thì nên tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội…" PGS, TS Giang Thanh Long đánh giá.