Đóng bảo hiểm xã hội ra sao để lao động tự do về già vẫn có "lương hưu"?
(Dân trí) - Rất nhiều người là lao động tự do cần đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, tuy nhiên đa số họ chưa hiểu được cách thức, quy trình và việc thừa hưởng chính sách này như thế nào.
Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cùng đơn vị tại địa phương của TPHCM đã giải thích vấn đề này. Theo đó, hiện chính sách Bảo hiểm xã hội rất mở, thông thoáng nhằm tạo điều kiện cho toàn dân được tham gia, đóng bảo hiểm để nhận được thu nhập khi về hưu. Đây là chính sách an sinh theo nguyên tắc có đóng, có hưởng và xóa nhòa khoảng cách, cơ hội giữa các giai tầng trong xã hội.
Theo bà Đoàn Thị Thúy Vân, phó trưởng Phòng truyền thông và phát triển đối tượng, Bảo hiểm xã hội TP.HCM, theo quy định của Luật BHXH hiện hành, những trường hợp đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH thì được quyền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định của pháp luật.
Được đóng 1 lần cho 10 năm thiếu khi tham gia bảo hiểm
"Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu", bà Vân cho biết.
Về trình tự đóng bảo hiểm xã hội, người đăng ký có thể đến cơ quan BHXH hoặc đại lý thu BHXH, BHYT (UBND xã/phương, bưu điện, …) gần nhất tại nơi cư trú để được hướng dẫn lập Tờ khai TK1-TS và tư vấn lựa chọn về mức đóng, phương thức đóng sao cho phù hợp.
Người tham gia BHXH tự nguyện kê khai Tờ khai được cơ quan BHXH hoặc Đại lý thu cung cấp. trường hợp người tham gia đã có mã số BHXH thì cần cung cấp mã số BHXH, không phải lập tờ khai. Đóng tiền cho đại lý thu hoặc cơ quan BHXH theo phương thức đã đăng ký và nhận biên lai thu tiền đóng BHXH tự nguyện.
Theo bà Vân, người dân được lựa chọn một trong các phương thức đóng BHXH tự nguyện sau: Hằng tháng; 03 tháng một lần; 06 tháng một lần; 12 tháng một lần; một lần cho nhiều năm về sau nhưng tối đa không quá 5 năm.
"Luật BHXH và các văn bản hiện hành không có quy định về việc người tham gia BHXH tự nguyện được đóng 1 lần cho 20 năm", bà Vân cho hay.
Theo đại diện Bảo hiểm Xã hội TPHCM, trường hợp có nguyện vọng đóng bù cho số tháng chậm đóng trước đó thì số tiền đóng bù được tính bằng tổng mức đóng của các tháng chậm đóng, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do BHXH Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.
"Như vậy bạn chỉ được đóng bù cho thời gian trước khi bạn đã tham gia BHXH tự nguyện và được đóng bù cho thời gian trong phương thức đóng mà bạn đã lựa chọn", bà Vân chia sẻ.
Theo bà Thúy Vân, mức đóng BHXH tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn; mức đóng hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.
Chỉ được hưởng lương hưu, tử tất, không có tiền thai sản!
Trong đó, có các mức như 30% đối ᴠới người tham gia BHXH tự nguуện thuộᴄ hộ nghèo; 25% đối ᴠới người tham gia BHXH tự nguуện thuộᴄ hộ ᴄận nghèo và bằng 10% đối ᴠới ᴄáᴄ đối tượng kháᴄ.
Đại diện BHXH Việt Nam TPHCM cho biết, mức đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng/tháng) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (hiện nay là 1.490.000 đồng/tháng).
Về các thắc mắc liên quan đến quyền lợi người đóng bảo hiểm, bà Đinh Mai Hạnh - Phó trưởng Ban quản lý thu, sổ - thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện bên cạnh được hưởng các chế độ lương hưu, tử tuất còn có thẻ bảo hiểm y tế.
Về băn khoăn về việc đóng bảo hiểm tự nguyện có được hưởng chế độ thai sản, bà Đinh Mai Hạnh - phó trưởng Ban quản lý thu, sổ - thẻ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật BHXH năm 2014 thì BHXH tự nguyện có các chế độ: Hưu trí và tử tuất, không có chế độ thai sản.