Thanh Hoá:

Túi xách thủ công vươn ra thế giới của chàng trai xứ Thanh

Bình Minh

(Dân trí) - Lần đầu tiên nhìn thấy chiếc túi xách bằng cây cỏ được đan vẽ rất ấn tượng, Hùng chợt nghĩ đến nghề đan cói ở quê. Từ đó, anh nảy sinh ý định lập nghiệp bằng những chiếc túi xách được làm ra từ cói.

Ý tưởng đến từ chiếc túi của khách nước ngoài

Anh Trần Văn Hùng sinh ra và lớn lên tại xã Nga Trường, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa), nơi nổi tiếng với nghề trồng cói. Dù vậy, Hùng lại không chọn cách ở lại quê để theo nghề.

Tốt nghiệp cấp 3, anh Trần Văn Hùng ra Hà Nội theo học tại Trường Cao đẳng Cộng đồng chuyên ngành về điện. Sau đó, anh vào làm việc tại một cơ sở kinh doanh ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

"Nhưng chỉ trong một lần ngồi cùng cáp treo với hai khách du lịch nước ngoài, thấy họ đeo chiếc túi làm bằng cói có họa tiết đẹp, tôi chợt nhớ đến làng nghề đan cói ở quê" - anh Trần Văn Hùng kể.

Túi xách thủ công vươn ra thế giới của chàng trai xứ Thanh - 1

Những chiếc túi xách làm từ cói với nhiều mẫu mã khác nhau.

Cũng theo anh Trần Văn Hùng, Nga Sơn là vùng trồng cói nhưng chưa bao giờ thấy có túi cói đẹp như vậy.

"Sau một đêm suy nghĩ, tôi quyết định trở về quê hương lập nghiệp với mong muốn phát triển nghề cói theo một hướng hiện đại, mới mẻ hơn” - chàng trai 27 tuổi này nhớ lại.

Trở về quê vào năm 2017, anh bắt tay vào tìm hiểu về nghề đan túi xách thủ công tại nhiều nơi như Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp. Anh đến các nơi này xin học hỏi phương thức sản xuất nhưng bị từ chối. 

Cơ duyên đã đưa anh gặp một gia đình ở Huế, anh được học nghề, được họ truyền nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ. Sau khi học hỏi, tích lũy đủ kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, Hùng quyết định thực hiện mô hình sản xuất túi xách thủ công Cỏ May truyền thống ngay tại quê hương.

Túi xách thủ công vươn ra thế giới của chàng trai xứ Thanh - 2

Ông chủ mặt hàng túi xách thủ công này vẫn còn nhớ rõ những khó khăn, gian nan những ngày đầu lập nghiệp. Đặc biệt, có lần cơ sở nhận được một đơn hàng gấp với hơn 200 túi.

Hàng làm xong, gửi cho khách nhưng lại không đúng yêu cầu nên phải trả về để sửa. Hàng về đến xưởng đã là 7 giờ tối, trong khi hạn cuối để sửa xong là 8 giờ sáng ngày hôm sau. 

“Nhìn 200 cái túi la liệt đầy nhà, tôi cuống cuồng, không biết phải làm thế nào sửa cho kịp. Thế rồi nhân viên của xưởng không ai bảo ai, người thì ngồi vào sửa luôn, người thì mang chục cái túi về nhà sửa tới tờ mờ sáng vội vàng giao qua xưởng” - anh Hùng tâm sự.

Đến hơn 5 giờ sáng thì mọi việc hoàn tất. Thực sự nhìn những người thợ thủ công đang ngày đêm gồng mình để giữ nghề với tất cả tình yêu, đam mê và trách nhiệm khiến anh càng quyết tâm gắn bó với nghề hơn.

Túi xách thủ công vươn ra thế giới của chàng trai xứ Thanh - 3

Túi cói vươn ra thị trường thế giới

Bằng sự kiên trì và sáng tạo, sau 2 năm thành lập, cơ sở sản xuất túi xách Cỏ May của anh Hùng ngày càng được nhiều người biết đến.

Mặt hàng túi xách của chàng trai 9X này đã được bán trên các trang thương mại điện tử trong nước, thế giới và bước đầu được khách hàng ghi nhận, yêu thích, lựa chọn. 

Túi xách thủ công vươn ra thế giới của chàng trai xứ Thanh - 4

Những chiếc túi thủ công làm từ cói đã được rao bán trên các trang thương mại điện tử trong nước và thế giới.

Nhằm tạo sự khác biệt với các sản phẩm túi khác, anh Hùng đã sử dụng các vật liệu truyền thống như cói, mây, tre, gỗ, kết hợp chất liệu da thật nhập khẩu và sử dụng các vật liệu từ thiên nhiên như vỏ hến, sỏi, cát, hoa, cỏ trang trí, tạo điểm nhấn cho từng chiếc túi. 

Anh cũng nghiên cứu thị trường và cho ra đời những mẫu thiết kế có tính ứng dụng cao, phù hợp với các bối cảnh sử dụng khác nhau. Cụ thể như những chiếc túi kích thước to, có thể đựng vừa khổ giấy A4 là sự lựa chọn ưng ý dành cho các bạn sinh viên, nhân viên văn phòng…

Túi xách thủ công vươn ra thế giới của chàng trai xứ Thanh - 5

Chủ nhân và những chiếc túi handmade đầy sáng tạo (Ảnh: nhân vật cung cấp).

Các sản phẩm túi xách Cỏ May đã được bán ở thị trường trong nước và xuất khẩu theo dạng bán lẻ ở Mỹ và Singapore trên các trang thương mại điện tử lớn như Amazon, Ebay với giá quy ra tiền VNĐ là từ 800.000-3.000.000 đồng/sản phẩm.

Nhờ chịu khó thay đổi mẫu mã, đảm bảo chất lượng hàng hóa, việc kinh doanh của gia đình anh Hùng ngày càng phát triển. Mức thu nhập bình quân của gia đình anh đạt khoảng 170 triệu/năm, mang lại công việc thường xuyên cho 4-5 lao động địa phương với mức lương tháng khoảng 4 triệu đồng/tháng.
“Để nâng cao tính cạnh tranh, lúc sản xuất túi cần chú trọng vào sự thanh lịch, tinh tế. Khách hàng có thể khắc tên lên túi để “cá nhân hóa” sản phẩm. Để hoàn thành một chiếc túi xách, nhiều khi tôi mất khoảng 2-3 ngày để chọn vật liệu đến lên dáng, phối da, lót vải, chăm chút từng công đoạn làm túi.

Mỗi khi nhận được phản hồi của khách hàng là những tấm hình ghi lại khoảnh khắc những chiếc túi xách của Cỏ May theo chân chủ nhân đi đến những vùng đất, những quốc gia khác nhau, mình vừa xúc động vừa thấy tự hào” - anh Hùng chia sẻ.

Theo anh Hùng, thời gian tới, anh sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất cũng như thay đổi nhiều mẫu mã và mở rộng thị trường ra toàn quốc, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động các địa phương. Đồng thời, thực hiện chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các đoàn viên, thanh niên khác trong huyện để cùng phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.

Chị Dương Thị Thoa, Bí thư Huyện đoàn Nga Sơn cho biết: "Hùng là gương thanh niên tiêu biểu trong phong trào khởi nghiệp trên địa bàn huyện, không chỉ làm kinh tế giỏi, Hùng còn tham gia tích cực vào công tác Đoàn, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, đóng góp cho an sinh xã hội tại quê nhà”.