"Trước ủng hộ tiền thiện nguyện tôi im lặng, giờ tôi khoe khắp cõi mạng"

Hoài Nam

(Dân trí) - Từng chọn đóng góp cho hoạt động thiện nguyện trong im lặng nhưng giờ đây, chị Diễm chọn cách làm việc tốt sẽ "khoe" khắp cõi mạng với mọi người.

Sau một ngày làm việc giữa tuần rồi, chị Nguyễn Ngọc Diễm, trưởng phòng một công ty nội thất ở Gò Vấp, TPHCM đăng lên mạng "khoe" bản chụp biên lai chuyển tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt 3,7 triệu đồng.

3 triệu đồng là khoản chi tiêu cá nhân trong tháng của riêng chị, thêm 700.000 đồng từ việc thanh lý một ít quần áo đã qua sử dụng. 

Trước ủng hộ tiền thiện nguyện tôi im lặng, giờ tôi khoe khắp cõi mạng - 1

Nhiều người chia sẻ việc đóng góp hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn lên mạng xã hội (Ảnh: Hoài Nam).

Trước đó, nhiều biên lai chuyển tiền cho các hoạt động xã hội khác của chị Diễm cũng được đăng lên trang cá nhân. 

"Tôi một mình nuôi hai con nhỏ, công việc bận rộn nên không thể để sắp xếp được thời gian tham gia trực tiếp vào các hoạt động xã hội. Không có sức, thời gian thì mình ủng hộ bằng tiền. Trước giờ đóng góp tôi đều im lặng hoặc ẩn danh nhưng giờ tôi "khoe" khắp trên mạng", chị Diễm nói.

Nguyên nhân là đầu năm 2023, khi chị chia sẻ về việc ủng hộ cho một học sinh khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo, chị bất ngờ khi nhiều người quen biết đã cùng tham gia hỗ trợ cháu. Có người gửi tiền, có người gửi quà, có bác sĩ về tận nơi để thăm khám giúp cháu hồi phục sức khỏe và có điều kiện đi học trở lại.

Cũng như việc xấu có khả năng lây lan, chị nhận thấy, việc tốt có sức lan tỏa rất lớn đến cộng đồng trong mạng lưới của mình để cùng chung tay hỗ trợ. Cứ thêm một việc tốt, một người làm việc tốt cũng là cách để hạn chế cái xấu.

Người phụ nữ 42 tuổi bày tỏ: "Tôi cũng từng nghe "có từng đó cũng khoe" nhưng ai nói gì cũng không sao. Miễn là mình khoe một cách trung thực chứ không phải để tô vẽ, làm màu hay vì những mục đích vụ lợi, không trong sáng".

Những ngày qua, chị Lê Nguyệt, giáo viên dạy tiếng Anh cũng chia sẻ trên trang cá nhân hai biên lai chị cùng gia đình chuyển tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt các tỉnh phía Bắc với tổng số tiền 6 triệu đồng.

Việc "khoe" khi đóng góp vào hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn là điều chị Nguyệt chưa từng làm trước đây.  

Chị Nguyệt cho biết, trước giờ thỉnh thoảng chị có gửi một chút giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng chị yêu cầu để ẩn danh để không ai biết điều này.

Tuy nhiên gần đây, qua quan sát một số hoạt động thiện nguyện, chị nhận thấy việc chia sẻ về những việc tốt mình đã làm sẽ có tác dụng tích cực, kích thích người khác cũng muốn sẻ chia, trao đi.

Với chị khi mọi người tìm được những địa chỉ thiện nguyện uy tín để nhờ họ đưa chút lòng thành của bản thân tới người cần được giúp đỡ thì hãy chia sẻ cho mọi người cùng biết.

Có thể điều này sẽ giúp mọi người cùng chung tay nhiều hơn, hơi ấm của triệu bàn tay có thể sẽ giúp xoa đi một chút lạnh lẽo của ngày giông bão.

Trước ủng hộ tiền thiện nguyện tôi im lặng, giờ tôi khoe khắp cõi mạng - 2

Một TikToker lên tiếng xin lỗi vì "khoe" thông tin chuyển tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt không chính xác (Ảnh chụp lại màn hình).

Nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương, nhà sáng lập Faros Education kể, hồi bà làm chương trình "Help a teacher" hỗ trợ các giáo viên bị mất thu nhập do dịch bệnh Covid-19, có người ủng hộ cả tỷ đồng, cũng cả người chỉ góp vài chục ngàn.

Với bà, vài chục ngàn đó cũng quý giá như con số tiền tỷ. Bà rất biết ơn những mạnh thường quân hỗ trợ tiền tỷ vì nhờ họ mà đội vận động tài trợ đỡ vất vả hơn. Nhưng để dựa vào đó mà phán xét ai rộng lượng hơn ai, ai tử tế hơn ai thì e là rất dễ hồ đồ.

Đặc biệt, nhà giáo dục này cho hay bà cũng rất mừng khi có ai góp tiền cho quỹ xong thì chụp hình khoe lên mạng. Bởi nhờ vậy mà nhiều người biết tới dự án để cùng chung tay. 

Bà cũng để ý thấy, cứ mỗi khi có một nhân vật uy tín chia sẻ đóng góp của họ thì luồng đóng góp sau đó tăng mạnh.

"Khoe việc tốt cũng là một cách để "lây lan" việc tốt, con người cũng cần nhìn thấy những hành động tốt đang diễn ra quanh mình để mà bắt chước theo. Tất nhiên, ai muốn làm việc tốt trong âm thầm cũng hoàn toàn ổn. Vì mỗi người có cách riêng để sống với lý tưởng của mình", bà Uyên Phương nêu quan điểm.

"Lòng nhân có cần được đo đếm không?", trước câu hỏi này, theo nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương là rất cần nhưng không phải là đo đếm với nhau, xem ai cho nhiều hơn ai, ai kín đáo thầm lặng hơn ai…

Sự đo đếm cần thiết nhất là đo đếm với chính mình, đo đếm xem có bao nhiêu lòng nhân được đi ra từ mình trong đời sống hàng ngày.

Giống như tiếng Anh có câu là: "Calculate kindness into everyday" - không khó để "tử tế đột xuất", nhưng tử tế mỗi ngày, trong từng việc bình thường, lại là thứ cực kỳ khó.