"Người ta vui cười, dùng trẻ câu like, sống ảo làm tôi khóc tràn nước mắt!"

Hoài Nam

(Dân trí) - "Tôi khóc tràn nước mắt. Cứ nghĩ đến cảnh phải ôm con ngồi chới với trong chiếc chậu lênh đênh giữa nước lũ có thể lật nhào mà hoảng loạn, sợ hãi. Nhưng tôi bị lừa", chị Ân bức xúc.

Chị Nguyễn Ngọc Ân, ngụ tại phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TPHCM cho biết, chị là một trong rất nhiều người chia sẻ hình ảnh người chồng đẩy vợ con ngồi trong chiếc chậu nhựa tháo chạy khỏi vùng ngập nước.

"Tôi khóc tràn nước mắt. Cứ nghĩ đến cảnh nếu mình ôm con ngồi chới với giữa chiếc chậu lênh đênh giữa nước lũ có thể lật nhào mà hoảng loạn, sợ hãi. Nhưng hóa ra, tôi bị lừa. Người ta đang dùng con trẻ để câu like, sống ảo", chị Ân thốt lên.

Người ta vui cười, dùng trẻ câu like, sống ảo làm tôi khóc tràn nước mắt! - 1

Hình ảnh chạy lũ lấy nước mắt nhiều người được xác định là từ một clip dàn dựng (Ảnh chụp màn hình).

Chị Ân cho hay, chị chưa bị lừa về tiền, về bạc trong việc này nhưng kiểu lừa đảo đánh vào lòng trắc ẩn để câu like này làm mọi người hoang mang, gia tăng sự bất an và đặc biệt là làm mất niềm tin - thứ đã mất thì rất khó để lấy lại.

Giữa những tang thương từ hậu quả của cơn bão số 3, những ngày qua, cư dân mạng thêm lần nữa xúc động, nghẹn khóc trước hai hình ảnh liên tục được chia sẻ. Hai hình ảnh được lan truyền đều thể hiện nghịch cảnh đau thương của những đứa trẻ…

Đó là cảnh người chồng với gương mặt kinh hoảng đang cố đẩy vợ con ngồi trong chậu để chạy lũ. Ngồi trong chiếc chậu, nét mặt người vợ mếu máo, sợ hãi địu đứa con nhỏ non nớt chỉ ít tháng tuổi. Hình ảnh dễ dàng gây xúc động, thương cảm cho bất cứ ai.

Bức ảnh này kéo theo hàng loạt phân tích, bình luận thương cảm xen lẫn sự ngưỡng mộ, cảm phục… Nào là khi hoạn nạn mới biết tình cảm của người chồng, người cha; nào là tấm lòng người mẹ như chú chuột túi, luôn giữa chặt con nhỏ trong lòng…

Hình ảnh trên nằm trong bối cảnh của một clip được chèn tiêu đề: "Nghẹn lòng hình ảnh sơ tán của một gia đình ở xã Ngọc Linh, Vị Xuyên, Hà Giang... Bão số 3, mưa lũ và những đau thương mất mát không bao giờ nguôi ngoai".

Hình ảnh khác được viral (lan truyền mạnh mẽ) là một bé trai ở Mèo Vạc, Hà Giang một mình đứng giữa đường khóc nức nở.

Thông tin đi kèm cho biết cháu bé khóc vì mất mẹ, mẹ cháu bị lũ cuốn trôi trong cơn mưa tầm tã… Câu chuyện lập tức hút nước mắt, kéo về sự thu hút, xót xa, thương cảm và liên tục được chia sẻ trên mạng.

Vậy nhưng thông tin, sản phẩm của những hình ảnh đánh vào lòng thương cảm giữa mùa lũ lụt nói trên đều là thông tin giả. 

Hình ảnh người chồng khổ sở di tản vợ con trong chậu nước, theo chính quyền địa phương xã Ngọc Linh, tỉnh Hà Giang, là clip dàn dựng của một Youtuber tại địa phương. 

Người ta vui cười, dùng trẻ câu like, sống ảo làm tôi khóc tràn nước mắt! - 2

Thông tin "mẹ bị lũ cuốn trôi" gắn trong hình cháu bé ở Hà Giang vừa đi vừa khóc nức nở là bịa đặt (Ảnh chụp từ clip).

Trước hình ảnh em bé Mèo Vạc gắn với thông tin "mẹ bị lũ cuốn trôi", cô giáo Mai Thị Xoan, giáo viên chủ nhiệm của em tại trường Mã Pì Lèng, thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Pải Lủng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) đã bức xúc lên tiếng.

Cô Xoan cho biết đây là học trò của mình - em Giàng Mí Lúa. Hình ảnh lan truyền của em được chụp một năm trước, khi em còn học mẫu giáo. Còn hiện tại, Lúa là học sinh lớp 1 do cô Xoan chủ nhiệm. Gia đình em vẫn đủ bố mẹ chứ không có chuyện "mẹ bị lũ cuốn trôi" như thông tin lan truyền.

Còn nhớ, cách đây không lâu, trong vụ án Nguyễn Võ Quỳnh Trang đánh chết bé V.A. ở TPHCM gây chấn động lương tri, nhiều người ớn lạnh khi trước đó, mẹ kế này thường xuyên chia sẻ hình ảnh "cả nhà thương nhau".

Đó là cảnh bố bé V.A và bé gái ôm hôn người mẹ kế trong phòng khách sang trọng của gia đình, cùng với bánh gato, với hoa chúc mừng. Đó là hình ảnh cả nhà chuẩn bị trang trí giáng sinh…

Từ những hình ảnh này, cô tình nhân nhận về không ít lời khen ngợi, ngưỡng mộ trong việc xây dựng mối quan hệ "mẹ kế con chồng".

Chỉ đến khi bé V.A. bị đánh đập đến chết, cộng đồng mới vỡ òa, phía sau nụ cười của đứa trẻ là những trận đòn roi, tra tấn lạnh người, phía sau nụ cười của đứa trẻ là sự giả tạo, sống ảo của chính những người có trách nhiệm chăm sóc trẻ…

Những hình ảnh, thông tin "nhân tạo" trên đều sử dụng hình ảnh nước mắt hoặc nụ cười của những đứa trẻ - những cá thể yếu thế, chưa thể tự bảo vệ mình. Những hình ảnh đó thường bị lợi dụng khi dễ thu hút sự thương cảm, đánh vào lòng trắc ẩn hoặc sự ngưỡng mộ.

Hay ở không ít vụ bạo hành trẻ nhỏ ở các mái ấm từng được phát hiện thì trước đó, người ta toàn thấy hình ảnh những đứa trẻ được nuôi dưỡng cẩn thận với tình cảm chân thành, cao thượng từ người chăm sóc. 

Bảo vệ hình ảnh trẻ em trên mạng xã hội là vấn đề đã được quan tâm nhiều năm gần đây. Việc đăng ảnh hay thông tin riêng tư của trẻ em lên mạng xã hội cũng được luật định.

Điều 36 Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định, khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng, đối với trẻ em dưới 7 tuổi phải xin phép cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em; đối với trẻ đủ từ 7 tuổi trở lên phải xin phép người giám hộ và chính trẻ.

Người ta vui cười, dùng trẻ câu like, sống ảo làm tôi khóc tràn nước mắt! - 3

Không ít vụ bạo hành trẻ được che đậy bởi hình ảnh long lanh bên ngoài (Ảnh: C.A).

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp chính bố mẹ, người chăm sóc trẻ vi phạm trong việc bảo vệ quyền riêng tư, an toàn của trẻ hoặc sử dụng trẻ như một công cụ nhằm trục lợi.

Với luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn luật sư TPHCM, việc câu like bất chấp, đặc biệt là lợi dụng trẻ em để trục lợi từ thiện, lòng trắc ẩn của cộng đồng là hành vi bất nhân.

Nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương, Giám đốc quốc gia tại Việt Nam của phong trào trẻ em thế giới Design for Change (tạm dịch "kiến tạo để thay đổi") bày tỏ, ở thời đại tin giả ngày càng tinh xảo, có thể thao túng mỗi người bằng nhiều cách trực tiếp và gián tiếp đòi hỏi con người phải có tư duy phản biện, kiểm chứng khi tiếp cận thông tin.

Điều này đòi hỏi mỗi người phải dạy trẻ tư duy phản biện, dạy trẻ biết hoài nghi, chất vấn, đặt câu hỏi về mọi vấn đề mình biết.