1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

TPHCM: Cán bộ nén đau thương lo cho người dân nghèo trong đại dịch

Xuân Hinh

(Dân trí) - Trong số hàng trăm cán bộ ngành LĐ-TB&XH đang ngày đêm hỗ trợ cho người dân nghèo tại TPHCM, không ít trường hợp mẹ phải xa con hay con nhận nỗi đau vì cha mẹ tử vong vì Covid-19.

TPHCM: Cán bộ nén đau thương lo cho người dân nghèo trong đại dịch - 1

Hàng trăm cán bộ phải ăn, ở tại chỗ để đảm bảo việc duyệt hồ sơ, chi trả tiền hỗ trợ cho người dân kịp thời.

Ba người thân mất vì Covid-19

Để đảm bảo việc hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do Covid-19, hơn 3 tháng qua, hàng ngàn cán bộ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tại TPHCM đang dốc sức lực để duyệt hồ sơ chi trả.

Trong số hàng trăm cán bộ phải thực hiện nhiệm vụ, nhiều nữ cán bộ phải xa con, nhiều người nén đau thương vì có người thân nhiễm, tử vong vì Covid-19.

Một trong số đó là anh Nguyễn Chí Thanh (40 tuổi), cán bộ phụ trách chi tiền bảo hiểm xã hội ở Quận 4.

TPHCM: Cán bộ nén đau thương lo cho người dân nghèo trong đại dịch - 2

Anh Nguyễn Chí Thanh nén đau thương khi 3 người thân qua đời vì Covid-19 để hoàn thành nhiệm vụ chi bảo hiểm cho người dân (Ảnh: Phạm Nguyễn). 

"Nhà tôi có 8 người nhiễm Covid-19. Hôm 27/7 và 6/8, ba và mẹ lần lượt qua đời do bệnh trở nặng. Rồi 4 ngày sau, bệnh viện mới báo tin anh trai cũng mất từ ngày 6/8. Cùng lúc mất đi những người thân yêu nhất, tôi muốn gục ngã. Đau thương không thể nói thành lời", anh Nguyễn Chí Thanh nghẹn ngào kể lại.

Khi nhận tro cốt của 3 người thân, anh như chết lặng. Tuy vậy, anh nhớ lời ba dạy rằng luôn phải kiên cường. Anh đã gượng để chu toàn mọi việc. Lo xong việc gia đình, anh quay lại làm nhiệm vụ ở cơ quan. Hàng ngày anh giải quyết nhiều hồ sơ để người dân không bị chậm trễ nhận tiền hỗ trợ, tiền bảo hiểm.

"Tôi chỉ biết cố gắng, tiếp tục hoàn thành công việc. Nhiều người còn khó khăn hơn mình, nên phải nén đau thương để làm việc. Nếu chậm trễ công việc, người dân sẽ chậm nhận được tiền", anh Nguyễn Chí Thanh tâm sự.

TPHCM: Cán bộ nén đau thương lo cho người dân nghèo trong đại dịch - 3

Công tác chăm lo đời sống cho người có công, gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội vẫn luôn được duy trì (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Không chỉ anh Nguyễn Chí Thanh, hàng trăm cán bộ tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội, Cơ sở cai nghiệm cũng đang làm việc bằng 200% sức lực.

Nhiều cán bộ, người lao động tại các Trung tâm cũng mắc Covid-19 nhưng họ tình nguyện ở lại cơ sở để cùng nhau vượt qua đại dịch. Nhờ vậy, công tác đảm bảo an sinh của TP vẫn được duy trì, người có công, gia đình chính sách, các đối tượng bảo trợ xã hội vẫn được quan tâm, chăm sóc.

TPHCM: Cán bộ nén đau thương lo cho người dân nghèo trong đại dịch - 4

Những người lang thang, cơ nhỡ cũng được Sở đưa vào các khu bảo trợ xã hội để chăm sóc (Ảnh: Hải Long).

Đảm bảo an sinh, không để dân đói

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cán bộ công tác trong ngành LĐ-TB&XH tại TPHCM thời gian qua đã có nỗ lực thực hiện  công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Đặc biệt, trong 2 năm qua, TP luôn là địa phương đi đầu trong công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì Covid-19.

TPHCM: Cán bộ nén đau thương lo cho người dân nghèo trong đại dịch - 5

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM Lê Minh Tấn.

Năm 2020, cùng với việc triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu cho HĐND TP ban hành Nghị quyết 02 để hỗ trợ hơn 500.000 người dân bị ảnh hưởng với số tiền hơn 500 tỷ đồng. Cùng với đó, hơn 266.000 người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo cũng được hỗ trợ 316 tỷ đồng.

Năm 2021, khi dịch xuất hiện trở lại và ảnh hưởng đến đời sống người dân, Sở đã cấp tốc rà soát và tham mưu cho HĐND TP ban hành Nghị quyết 09 trong việc chi 886 tỷ đồng hỗ trợ lao động gặp khó vì Covid-19. Cùng với việc triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Chính phủ, việc TP chi 886 tỷ đồng đã góp phần giúp người dân ổn định trong thời gian cách ly ban đầu.

TPHCM: Cán bộ nén đau thương lo cho người dân nghèo trong đại dịch - 6

Năm 2020, hơn 500.000 người lao động khó khăn đã được hỗ trợ (Ảnh: Phạm Nguyễn). 

"Nhóm lao động tự do được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người. So với danh sách ban đầu, nhiều ngành nghề đã được bổ sung để được hỗ trợ. Mặt khác, người dân không cần phải làm đơn xin trợ cấp như mọi năm, tổ dân phố sẽ đi rà soát và lên danh sách. Khi hoàn thiện hồ sơ, người dân sẽ được mời lên nhận tiền. Chủ trương của TP là tất cả những người khó khăn đều được hỗ trợ", ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM thông tin.

Vừa qua, TP liên tục kéo dài thời gian giãn cách khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Quá trình rà soát, Sở LĐ-TB&XH lại tiếp tục đề xuất TP chi thêm 2.500 tỷ đồng hỗ trợ 1,7 triệu lao động tự do (đợt 2), hộ nghèo, người đang sinh sống ở các nhà trọ.

TPHCM: Cán bộ nén đau thương lo cho người dân nghèo trong đại dịch - 7

Năm 2021, lao động tự do không cần làm đơn nhận hỗ trợ như các đợt hỗ trợ trước. Các tổ dân phố, ấp... sẽ rà soát danh sách và gọi người dân lên nhận hỗ trợ. Đây được coi là điểm đổi mới và được người dân ủng hộ vì giảm bớt các thủ tục (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Với đợt hỗ trợ bổ sung này, hầu hết những người dân khó khăn đều được nằm trong diện hỗ trợ. Đây là việc bức thiết để lo cho dân nên dù giãn cách xã hội vẫn được triển khai bình thường. Tuy vậy, việc hỗ trợ vẫn phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

"Người dân nào còn khó khăn hãy liên hệ với tổ công tác đặc biệt tại phường, xã, ấp, tổ dân phố bổ sung danh sách. Các địa phương phải rà soát, bổ sung thường xuyên để mọi người dân đều được hỗ trợ kịp thời. TP lúc này không thiếu kinh phí hỗ trợ người dân, dứt khoát không để ai khó khăn bị bỏ sót tên. Bà con cứ yên tâm ở trong nhà chống dịch", ông Lê Minh Tấn khẳng định.

TPHCM: Cán bộ nén đau thương lo cho người dân nghèo trong đại dịch - 8

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, khi người dân khó khăn hãy phản ánh với tổ dân phố để được giải quyết. Chủ trương của TP là không để ai bị bỏ sót (Ảnh: Thu Quỳnh).

Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, việc thành phố chi hỗ trợ đợt 2 nhằm giúp người dân đảm bảo đời sống an sinh trong thời gian giãn cách. Mục tiêu lúc này của toàn ngành là tập trung đảm bảo an sinh cho người dân, không để dân thiếu ăn. Việc hỗ trợ phải nhanh, kịp thời, bớt thủ tục.

Ngoài những gói hỗ trợ, Sở cũng cùng với TP triển khai mô hình "Một triệu túi an sinh" đến từng nhà dân. Với túi an sinh này, người dân sẽ đủ lương thực duy trì cuộc sống trong khoảng một tuần.