TPHCM: Không thiếu kinh phí hỗ trợ dân, không để ai khó khăn bị sót tên
(Dân trí) - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM đề nghị các địa phương rà soát và bổ sung danh sách người dân khó khăn nhưng chưa nhận được hỗ trợ để chi gấp. Những ai chưa được nhận tiền đợt một sẽ nhận chung đợt 2.
Ngày 18/8, trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM thông tin, thành phố đang nỗ lực từng ngày để chi tiền hỗ trợ đợt 2 cho người dân.
Theo rà soát ban đầu, đợt 2 có 334.000 lao động tự do, 90.500 hộ nghèo cận nghèo sẽ nhận được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người; 170.000 lao động nghèo sống trong các khu trọ bị phong tỏa nhận 1 triệu đồng/người, với tổng kinh phí khoảng 900 tỷ đồng.
"Trong đợt 2, TPHCM đã chi hỗ trợ cho khoảng 80% người dân theo danh sách. Thành phố đang dồn mọi lực lượng để hỗ trợ người dân nên bà con cứ yên tâm ở nhà chống dịch", ông Lê Minh Tấn cho biết.
Trước thông tin một số người dân chưa được nhận hỗ trợ đợt một, theo ông Lê Minh Tấn, có thể bị lỗi ở khâu rà soát hồ sơ. Người dân ai thuộc diện hỗ trợ nhưng chưa nhận tiền cần liên hệ với phường, ấp, tổ dân phố để được giải quyết.
Ở thời điểm hiện tại, thành phố khẳng định không thiếu kinh phí để hỗ trợ người dân, dứt khoát không để ai khó khăn bị bỏ sót tên. Khi phát hiện có người bỏ sót phải bổ sung ngay.
"Các địa phương không sợ việc thiếu kinh phí, hãy bổ sung và chi đúng đối tượng để người dân không khiếu nại, thắc mắc. Trách nhiệm rà soát hồ sơ thuộc về phường, xã, ấp, tổ dân phố", ông Lê Minh Tấn khẳng định.
Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, việc thành phố chi hỗ trợ đợt 2 để giúp người dân đảm bảo đời sống an sinh trong thời gian giãn cách. Thắc mắc của người dân về việc không nhận được hỗ trợ, chính quyền cần sớm thông tin, giải đáp. Người dân thuộc diện hỗ trợ nhưng bị bỏ sót đợt một sẽ được hỗ trợ gộp chung một lần với đợt 2.
"Ví dụ nhóm lao động tự do là người bốc vác, thu gom giấy vụn, xe ôm truyền thống, lao động ở các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ... có mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/đợt. Nếu đợt một chưa nhận hỗ trợ, trong đợt 2 sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng", ông Lê Minh Tấn thông tin.
Riêng đối với nhóm lao động nghèo sống trong các khu trọ bị phong tỏa được hỗ trợ 1,5 triệu đồng trong đợt 2. Trong đó 1,2 triệu đồng là tiền mặt và phần quà trị giá 300.000 đồng. Nếu ai chưa có tên trong danh sách hỗ trợ hãy báo với chủ nhà trọ, với chính quyền địa phương để bổ sung gấp.
"Một triệu túi an sinh" - phao cứu sinh của người nghèo
Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM - Lê Minh Tấn, song song với việc triển khai Nghị quyết 68, Quyết định 23 của Chính phủ và Nghị quyết 09 của HĐND TP, TPHCM đang kêu gọi chương trình "Một triệu túi an sinh" để hỗ trợ người dân.
Mô hình này được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đánh giá cao, Bộ đang thực hiện mang túi an sinh đến với người dân nghèo tại TPHCM.
"Túi an sinh là chiếc phao cứu sinh giúp người dân đảm bảo lương thực trong 15 ngày giãn cách. Từng túi an sinh sẽ được lực lượng xung kích đi đến tận hang cùng ngõ hẻm, vùng xa xôi hẻo lánh, những khu nhà trọ nghèo... để trao tận tay cho người dân", ông Lê Minh Tấn thông tin.
Túi an sinh TP chuẩn bị cho người dân sẽ gộp đủ 3 yếu tố: Lương thực như gạo, mì; thực phẩm như rau, củ, quả, bột ngọt, bột nêm và các loại thuốc thông dụng. Lương thực sẽ đủ để người dân sống trong 15 ngày và thuốc sẽ giúp người dân có thể chăm lo cho sức khỏe khi cần thiết.
"Một triệu túi an sinh" mang ý nghĩa đặc biệt để kêu gọi sự đồng lòng của toàn dân, toàn quân. Chương trình kêu gọi sự đóng góp của các thành phần trong xã hội chung sức hỗ trợ để giúp đỡ những người yếu thế, cùng nhau vượt qua dịch Covid-19. Những người nhận túi an sinh cũng cảm thấy được ấm lòng vì được quan tâm, chia sẻ.
"TP xây dựng túi an sinh theo thời gian 7 ngày, 10 ngày, 15 ngày, 30 ngày để qua mốc 15/9. Sau đó tùy điều kiện giãn cách, hoàn cảnh người dân mình TP sẽ tiếp tục thực hiện. Không giới hạn thời gian và không giới hạn số lượng 1 triệu, 2 triệu hay bao nhiêu túi. Còn người dân khó khăn thì TP sẽ hỗ trợ", Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM khẳng định.