1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Đắk Nông:

“Tôi vẫn đi tìm khi đồng đội còn chưa về !”

Dương Phong

(Dân trí) - Không biết bao người hỏi ông Nguyễn Thành Chung rằng: “Cuộc tìm kiếm bao giờ kết thúc ?”. Đáp lại, người cựu chiến binh 70 tuổi này nhỏ nhẹ: "Chừng nào còn sức, tôi vẫn luôn đi tìm khi đồng đội...".

Cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung (phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa) suốt 15 năm qua đã phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông tìm kiếm, quy tập hàng chục hài cốt liệt sĩ.

Dù đã 70 tuổi, hoàn cảnh gia đình khó khăn, sức khỏe cũng không còn dẻo dai như trước, thế nhưng ông Chung bảo, khi nào ngoài kia vẫn còn những anh em, đồng chí cùng đơn vị chưa được tìm thấy, chưa được trở về với quê cha, đất mẹ, ông vẫn đi tìm.

“Tôi vẫn đi tìm khi đồng đội còn chưa về !” - 1

Ôn Chung  (ảnh phải) trong lần quy tập hài cốt liệt sĩ

Người cựu binh quê Thái Bình cho biết, hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, khi người con trai cũng bị ảnh hưởng chất độc màu da cam từ bố, thế nhưng chẳng ngại vì cảnh nhà khốn khó mà hành trình đi tìm kiếm hài cốt đồng đội bị gián đoạn.

Ông chỉ mong sao sẽ tìm được nhiều nhất có thể để các đồng chí có cơ hội được về với gia đình, hay ít nhất là về dưới mái nhà chung là các Nghĩa trang liệt sĩ, nơi mà Tổ quốc ghi công, nhân dân tưởng nhớ.

“Tuổi trẻ đã cống hiến cho đất nước, được trở về sống trong hòa bình, ấm no đã là hạnh phúc lớn. Giờ đây, khi còn sức khỏe, trí nhớ còn minh mẫn, đôi chân còn trèo đèo, leo rẫy được, tôi muốn tận dụng từng giây phút của cuộc đời để làm điều thiêng liêng nhất- đó là đưa đồng đội mình trở về”, ông lão nói.

“Tôi vẫn đi tìm khi đồng đội còn chưa về !” - 2

Đối với ông, điều thiêng liêng nhất là đưa đồng đội mình trở về

Cựu chiến binh Trung đoàn 271 giọng trầm ngâm, suy tư hơn khi cho biết, sau hơn 40 năm “vật đổi sao dời”, công tác tìm kiếm chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Nhưng việc tìm kiếm không chỉ là nghĩa tình với những đồng đội từng kề vai sát cánh, cùng chung chiến hào đánh đuổi quân thù, giải phóng đất nước mà còn là trách nhiệm của những người còn sống nên anh em trong đoàn ai cũng cố gắng.

Ông Chung và các đồng đội còn sống luôn tự nhủ, các anh nằm xuống tuy không là dòng họ, không cùng quê hương nhưng trên chiến trường. Các anh em cũng từng một miếng muối cắn làm đôi, mẩu thuốc chia đôi nên gắn bó như máu thịt.

“So với ngày xưa chiến đấu, sống dưới mưa bom bão đạn thì vất vả này làm sao bằng. Vì anh em, mình phải cố gắng chứ !”, ông Chung hài hước nói.

“Tôi vẫn đi tìm khi đồng đội còn chưa về !” - 3

Ông Chung hứa sẽ vẫn tiếp tục tìm kiếm hài cốt nếu còn sức khỏe, còn đồng đội chưa về

Nói đến đây, ông Chung ngâm vài câu trong ca khúc “Đồng đội ơi”, như lời hứa của mình với những đồng đội đã khuất.

“Đồng đội ơi !

Dù năm tháng không nguôi

Xin hãy để cho tôi được khóc

Với những ngôi mộ có tên, chưa tên hàng ngang hàng dọc

Vì chúng tôi là đồng đội của nhau”

Ông lão 70 tuổi tự nhủ: “Nếu so với những đồng đội khác đang làm những công việc tương tự thì việc làm của tôi cũng chưa đang vào đâu. Và với những anh em, đồng chí đã ngã xuống thì việc làm cũng không phải quá lớn lao so với những mất mát, hy sinh ấy”.

“Tôi vẫn đi tìm khi đồng đội còn chưa về !” - 4

Người cựu binh 70 tuổi bên mộ đồng đội cũ của mình

Cuối tháng 7/2020, sau khi phối hợp tìm kiếm, quy tập được 10 hài cốt liệt sĩ tại hai huyện Tuy Đức, Đắk R’lấp, ông Chung nói với đồng đội mình rằng, tìm được đồng đội là niềm vui. Mỗi hài cốt được tìm thấy, đưa các anh em về thì tâm tư càng thoải mái, lòng mình cũng nhẹ hơn.

“Tôi sẽ cùng đồng đội tiếp tục cố gắng khảo sát, tìm kiếm đến khi nào chân không đi được nữa mới thôi !”, ông Chung hứa trước hương hồn của những người đã khuất.