Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng:
"Tôi mong các em được ngồi trong lớp học khang trang..."
(Dân trí) - Đó là ước muốn của thầy giáo Trần Tuấn Kiệt - 1 trong 400 cá nhân tham dự Lễ tuyên dương "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng" chiều 28/11 tại Hà Nội.
Sau gần 10 năm giảng dạy, người thầy giáo với đôi nạng bên người không còn nhớ đã từng truyền đạt kiến thức cho bao nhiêu người học trò khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn.
Nghị lực phi thường
Chiều 27/11, từ miền quê Đức Phổ (Quảng Ngãi), thầy giáo Trần Tuấn Kiệt tới thủ đô Hà Nội cùng đôi nạng. Dù đường xa có phần mệt mỏi nhưng đôi mắt sáng của anh vẫn luôn toát lên sự thông minh và tràn đầy nghị lực.
"Tôi rất hạnh phúc và tự hào", anh vui vẻ chia sẻ với PV Dân trí. Để được mọi người biết đến và tuyên dương như ngày hôm nay, thầy giáo sinh năm 1983 này đã phải trải qua nhiều gian truân, cố gắng không ngừng nghỉ.
"Năm 3 tuổi, tôi bỗng dưng bị sốt cao. Sau rồi, dần dần, đôi chân cong queo lại. Tôi trở thành người khuyết tật từ đó đến bây giờ", anh tâm sự.
Mang trên mình đôi chân không được như người bình thường, gia đình lại thuộc diện hộ nghèo, anh cố gắng phấn đấu học hành. Với sự kiên trì, bền bỉ, anh là học sinh giỏi nhiều năm liền thời còn học phổ thông và đạt được nhiều thành tích trong công tác Đoàn, Hội.
Anh Kiệt tới nay đã sở hữu tới 3 tấm bằng cử nhân của 3 trường Đại học khá nổi danh trên cả nước là: Đại học sư phạm Đà Nẵng, Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Khoa học Huế.
Hiện tại, anh Kiệt là chủ tịch Hội Khuyết tật tỉnh Quảng Ngãi. Công việc chính của anh là một thầy giáo.
Cảm thông là sức mạnh
Là một người khuyết tật, anh hiểu hơn ai hết sự khó khăn của gia đình cũng như các em có hoàn cảnh giống mình. Những năm qua, anh tổ chức dạy học miễn phí cho nhiều trẻ em là con em thương binh, tật nguyền và có hoàn cảnh khó khăn như mình.
Sau gần 10 năm giảng dạy, anh không còn nhớ đã dạy bao nhiêu học trò. Chúng trường thành tạo cho anh niềm vui và hạnh phúc.
"Tôi rất cảm thông với những gia đình có con em hoàn cảnh giống mình hồi nhỏ. Tôi mở lớp dạy học miễn phí mong rằng sau này chúng sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn, làm người có ích và cống hiến cho đất nước", anh nói.
Anh quan niệm, là một người thầy giáo, không chỉ đơn giản là truyền thụ kiến thức cho học trò. Nhất là các em lại có hoàn cảnh đặc biệt. Việc quan trọng hơn nữa, là phải thông tư tưởng cho các em. Để chúng hiểu rõ tầm quan trọng của tri thức trong xã hội hiện đại ngày nay.
Đến bây giờ, đã có biết bao nhiêu học trò đã trưởng thành bởi lòng thương yêu rộng mở của thầy giáo Trần Tuấn Kiệt. Anh kể lại cho chúng tôi một kỷ niệm đáng nhớ:
"Tôi có một học trò là con của một gia đình khuyết tật. Khi nó nhận giấy báo đỗ Đại học, việc học trò đó làm đầu tiên là chạy về ôm lấy tôi. Thực sự rất xúc động. Giờ mỗi lần đi học về thăm quê, học trò này đều qua nhà tôi thăm - tình cảm thầy trò vẫn thắm thiết như thuở nào."
Dự kiến sắp tới, anh Trần Tuấn Kiệt sẽ cố gắng tiếp tục làm sao cho Hội khuyết tật tỉnh nhà phát triển hơn; nghiên cứu các dự án, xin thêm các nguồn tài trợ để giúp đỡ được nhiều hơn những hoàn cảnh khó khăn.
Các lớp học miễn phí hiện nay của anh phải đi thuê. Anh mong ước làm sao sắp tới có cơ sở ổn định, đầy đủ tiện nghi, các trang thiết bị để công việc giảng dạy thêm hiệu quả hơn.
Tôn vinh những cá nhân tiêu biểu vì cộng đồng
Với những cố gắng và nỗ lực không ngừng nghỉ, anh Trần Tuấn Kiệt vinh dự là 1 trong 400 cá nhân tiêu biểu được Bộ LĐ-TB&XH xét tặng Bằng khen về điển hình tiên tiến, có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực an sinh xã hội và tích cực tham gia hoạt động vì cộng đồng tại Lễ tuyên dương "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng".
Lễ tuyên dương sẽ được diễn ra vào 15h chiều 28/11 tại Hà Nội. Trước đó, các cá nhân tiêu biểu được tôn vinh đã có buổi gặp gỡ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và vào Lăng viếng Bác.