Thủ tướng: "Xúc động với những câu chuyện cổ tích có thật trong đời thường"
(Dân trí) - Chiều ngày 27/11, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt 50 đại biểu đại diện cho 400 tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cùng dự buổi gặp mặt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với 50 đại biểu đại diện 400 tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng.
Chuyện cổ tích giữa đời thường
Chương trình gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chiều nay là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi sự kiện tuyên dương "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng" tại Hà Nội từ ngày 27 và 28/11/2020. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp và thành tích của các đại biểu dự chương trình.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng nhưng đầy cao quý, được Đảng, Nhà nước và nhân dân dân trân trọng, quý mến và biết ơn. "Đảng, Nhà nước và nhân dân chúng ta rất cần những tấm gương sáng vì cộng đồng, 50 đại biểu ngày hôm nay là đai diện cho hàng ngàn tấm gương trong đời sống", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Đồng thời, Thủ tướng khẳng định: "Các đại biểu dự chương trình hôm nay đều là những câu chuyện cổ tích, tấm gương sáng của đất nước. Họ chính là vốn quý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta...".
Đánh giá về sự kiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Bộ LĐ-TB&XH lần đầu tiên tổ chức chương trình: "Bộ LĐ-TB&XH cần thường xuyên tổ chức sự kiện này, để những tấm gương tỏa sáng hơn nữa ngoài xã hội".
Theo Thủ tướng, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc, huy động được sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, các tổ chức tôn giáo, nhân đạo, từ thiện ở trong nước và nước ngoài.
"Những câu chuyện cảm động được chia sẻ, những việc làm, thành tích, kết quả của 400 đại biểu về dự Lễ tuyên dương mà đại diện là 50 đại biểu tiêu biểu có mặt tại đây một lần nữa nhắc nhớ điều cần trân trọng những gì đang có và sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng" - Thủ tướng bày tỏ.
Việt Nam hiện có hơn 25% dân cư cần bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó có hơn 11,41 triệu người cao tuổi, 6,4 triệu người khuyết tật, trên 9 triệu người có vấn đề sức khỏe tâm thần, 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, có khoảng 5% hộ nghèo, 3% hộ cận nghèo, khoảng hơn 2 triệu lượt hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm…
Thủ tướng xúc động trước những tấm gương hy sinh cao cả
"Tôi thực sự cảm kích và xúc động trước những hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ quân đội, công an ngày đêm vì dân quên mình, những người hiến máu cứu người, hàng ngày chăm sóc trẻ mồ côi, khuyết tật, người già không nơi nương tựa. Những hình ảnh tổ chức, cá nhân cấp phát gạo, mì gói, khẩu trang, nước sát khuẩn miễn phí trong thiên tai, bão lũ, trong đại dịch Covid-19 vừa qua đã cho thấy, mỗi người dù ở những vị trí công tác, miền quê khác nhau, nhưng đều có chung nghĩa cử cao đẹp vì cộng đồng...", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ.
Chính vì vậy, công tác chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội cho người có hoàn cảnh khó khăn vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước; đời sống của người nghèo, người yếu thế còn nhiều khó khăn.
Thủ tướng lưu ý: "Các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần quyết tâm hơn và nỗ lực hành động hơn nữa. Tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật về bảo đảm an sinh xã hội để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người có hoàn cảnh khó khăn. Nâng cao năng lực của các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội cho người dân".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng, với sự đồng lòng chung sức, trách nhiệm tinh thần sẻ chia, Việt Nam sẽ từng bước tháo gỡ những khó khăn và giảm thiểu rào cản, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người yếu thế.
"Chúng ta đang cùng nhau chung tay, góp sức phát triển ngành công tác xã hội ở Việt Nam ngang tầm với các nước trên thế giới, góp phần phát triển đất nước bền vững hơn" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Phát biểu tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, những đóng góp của các tấm gương thầm lặng đã làm bớt đi những hoàn cảnh éo le, khó khăn và góp vào bức tranh tươi sáng của xã hội.
"Dù rất nhiều việc nhưng Thủ tướng vẫn dành tình cảm đặc biệt cho chương trình gặp mặt 50 đại biểu đại diện cho 400 tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Cũng tại chương trình, Thủ tướng Chính Phủ đã trao tặng bằng khen và quà tới 50 đại biểu.
Những gương sáng thầm lặng...
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, bà Nguyễn Thị Xuân - Bệnh viện Da Liễu Bắc Ninh - cho biết, rất xúc động vì lần đầu tiên được gặp Thủ tướng.
Bà Xuân kể, từ khi còn nhỏ luôn tò mò không biết căn bệnh phong là gì. "Nhưng lớn lên, tôi đã gặp các bệnh nhân phong. Nhiều người không có chân, không có tay nên sinh hoạt trong cuộc sống rất khó khăn. Thấy thương họ, ngày nào tôi cũng qua giúp đỡ họ trong sinh hoạt hàng ngày" - bà Xuân kể.
Sau đó, bà Nguyễn Thị Xuân đi học ngành y tá để có kiến thức chăm sóc cho bệnh nhân phong. Quá trình chăm sóc bệnh nhân phong, bà Xuân đã giúp đỡ xây dựng 200 ngôi nhà cho bệnh nhân, huy động và cấp vốn cho 173 gia đình (từ 8-10 triệu đồng), tặng xe cho con em bệnh nhân.
Nhờ sự giúp đỡ của bà Xuân, đến nay, nhiều con em bệnh nhân phong được học hành, trở thành cán bộ, công chức...
Cũng tại buổi gặp mặt, chị Đoàn Thị Khuyên chia sẻ câu chuyện 17 năm tham gia vào chương trình hỗ trợ giúp đỡ người nhiễm HIV vươn lên tại cộng đồng. Trong lần xét nghiệm cách đây 17 năm, bác sĩ xác định cả gia đình chị đều bị nhiễm HIV. Khi đó, cộng đồng chưa hiểu biết nhiều về HIV nên gia đình chị bị kỳ thị rất nhiều.
Chị Khuyên cho biết: "Nhưng sau này, với sự giúp đỡ của cán bộ các sở ngành và với sự quan tâm của cộng đồng. Tôi đã vượt qua cú sốc lớn về tinh thần, vượt lên số phận để ổn định cuộc sống".
Chính nhờ sự giúp đỡ này, chị càng có ý thức, trách nhiệm lớn hơn với cộng đồng. Ngay từ thời điểm đó, chị đã có mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé với cộng đồng với mong muốn để mọi người không bị lây nhiễm HIV...
Những câu chuyện trên chỉ là điểm xuyết của 400 tấm gương được tuyên dương lần này. Họ đến từ nhiều vùng miền và lĩnh vực khác nhau. Đó có thể là những thầy cô giáo dành cả cuộc đời đem con chữ cho những trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, trẻ em lang thang, cơ nhỡ; những người đã tự nguyện hiến tặng tất cả tài sản, đất đai, nhà cửa để nhận chăm sóc, nuôi dưỡng người cô đơn, không nơi nương tựa, trẻ mồ côi; những người tham gia tích cực vào các chương trình của cộng đồng vì người nghèo, tự nguyện ủng hộ quyên góp hàng trăm tỷ đồng vào các chương trình thiện nguyện…
Theo chương trình, chiều ngày 28/11, Lễ tuyên dương "Những tấm gương thầm lặng vì cộng đồng" được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Buổi Lễ tuyên dương "Những tấm gương thầm lặng vì cộng đồng" sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV1 vào 15h cùng ngày.
Bên cạnh hoạt động của Lễ tuyên dương "Những tấm gương thầm lặng vì cộng đồng", Ban tổ chức bố trí khoảng 50 gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc, tranh thêu của thương binh, người khuyết tật và người yếu thế.
Đây là hoạt động của Ngành LĐ-TB&XH nhằm hưởng ứng Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.