Tiền gửi ngân hàng và đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu, cái nào lợi hơn?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Nhiều bạn đọc lo lắng lương hưu được tính từ bình quân tiền lương trong suốt quá trình tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ rất thấp sau mấy chục năm trượt giá.

Trước thông tin không ít lao động (NLĐ) rút BHXH một lần, nhiều bạn đọc bày tỏ đồng tình vì cho rằng lãnh BHXH một lần sẽ có số vốn lớn để làm ăn, hoặc gửi ngân hàng lấy lãi cũng lợi hơn là chờ đủ tuổi để lãnh lương hưu.

Theo họ, với cách tính lương hưu dựa vào bình quân tiền lương đã đóng BHXH trong suốt quá trình tham gia thì lương hưu sẽ rất thấp sau mấy chục năm trượt giá.

Chính vì suy nghĩ này nên mới có tình trạng nhiều công nhân lớn tuổi, tham gia BHXH gần đủ điều kiện hưởng lương hưu là chủ động xin nghỉ việc, đi làm thời vụ rồi lãnh BHXH một lần.

Tiền gửi ngân hàng và đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu, cái nào lợi hơn? - 1

Lương hưu vẫn liên tục được Nhà nước điều chỉnh nâng lên trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

Trưởng phòng nhân sự một doanh nghiệp gỗ có hàng ngàn công nhân ở Bình Dương cho biết, hiện có tình trạng công nhân thâm niên 10-15 năm, đóng BHXH gần 15 năm ồ ạt xin nghỉ việc để lãnh BHXH một lần.

Ông Vũ Trọng Hiền, Giám đốc nhân sự Công ty may thêu Thuận Phương cho biết: "Nghe tin gần 1.200 công nhân của công ty Tỷ Hùng mất việc, chúng tôi đến phát tờ rơi tuyển dụng mà không tuyển được người nào".

Khi ông Hiền gặp gỡ công nhân mất việc, nhiều người muốn đi làm nhưng nghe công ty tuyển công nhân có ký hợp đồng chính thức, tham gia BHXH là họ từ chối. Nguyên nhân là số công nhân này đang tính toán kiếm việc thời vụ để làm rồi lãnh trợ cấp thất nghiệp sẽ lợi hơn. Sau đó, chờ đủ 12 tháng thì họ lãnh BHXH một lần.

Trả lời báo chí, ông Trần Dũng Hà, Phó giám đốc BHXH TPHCM cho biết: "Đang có tình trạng một số người cố tình nghỉ để rút BHXH một lần. Đây là những lao động nghỉ việc nhận trợ cấp thất nghiệp rồi đi làm thời vụ, vừa đủ một năm sẽ đi rút bảo hiểm. Họ không muốn nhận lương hưu vì cho rằng lương hưu sau này rất thấp, không đủ sống".

Theo ông Hà, nguyên tắc của bảo hiểm là đóng - hưởng. Khi còn trẻ, người tham gia BHXH đóng với mức lương thấp, tích lũy ít tiền thì khi về già sẽ nhận mức lương hưu không thể cao được.

Tuy nhiên, Nhà nước vẫn liên tục có chính sách điều chỉnh tăng mức hưởng lương hưu của người tham gia BHXH để bù đắp khoản trượt giá, lương những năm đầu tham gia BHXH thấp của NLĐ.

Điều chỉnh gần nhất là tại Thông tư số 36/2021/TT-BLĐTBXH quy định về mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH áp dụng cho người nghỉ hưu trong thời gian từ ngày 1/1 - 31/12/2022.

Theo thông tư này, tiền lương tháng đã đóng BHXH của người hưởng lương hưu (NLĐ thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2016 trở đi, NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định) sẽ được điều chỉnh tăng lên theo hệ số từ 1 đến 5,1 lần.

Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng được thực hiện theo bảng sau:

Tiền gửi ngân hàng và đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu, cái nào lợi hơn? - 2

Tức là tiền lương tháng đã đóng BHXH dùng để tính lương hưu cho những năm từ năm 1995 trở về trước sẽ nhân với 5,1 lần; năm 1995 là nhân với 4,33 lần; năm 1996 là nhân với 4,09 lần…

Tương tự, thu nhập tháng đã đóng BHXH của người tham gia BHXH tự nguyện hưởng lương hưu trong năm 2022 cũng được điều chỉnh tăng từ 1 đến 2,1 lần theo bảng sau:

Tiền gửi ngân hàng và đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu, cái nào lợi hơn? - 3

Mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH sau khi điều chỉnh tăng lên này sẽ làm căn cứ tính hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, BHXH một lần và trợ cấp tuất một lần. Việc điều chỉnh tăng lên này giúp các khoản hưu trí của người lãnh lương hưu cao hơn.

Ngay cả với những người đang hưởng lương hưu thì mức lương hưu không phải cố định bằng với mức tính khi vừa nghỉ hưu. Lương hưu vẫn liên tục được Nhà nước điều chỉnh nâng lên trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ BHXH.

Từ năm 1995 đến năm 2022, Nhà nước đã thực hiện 22 lần điều chỉnh lương hưu nhằm đảm bảo cuộc sống cho người về hưu.

Năm 2022, dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng lương hưu đã được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 1/1/2022. Những người nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995 mà sau khi điều chỉnh theo mức chung, nếu mức lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng dưới 2,5 triệu đồng/tháng còn tiếp tục được điều chỉnh thêm.

Gần đây nhất, ngày 11/11, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 69/2022/QH15. Theo Nghị quyết này, Quốc hội quyết định tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp BHXH cho đối tượng do ngân sách Nhà nước bảo đảm và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp.

Bạn đọc có thể tham khảo thêm chính sách tăng tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH quy định trong Thông tư số 36/2021/TT-BLĐTBXH TẠI ĐÂY .