Thưởng gần 10 triệu đồng khi sinh đủ 2 con, liệu có khiến phụ nữ đẻ thêm?
(Dân trí) - "Việc cho người phụ nữ hưởng tiền một lần để họ sinh con chưa thực sự giải quyết vấn đề cốt lõi. Tôi nghĩ sẽ khó khuyến khích được ai!", chuyên gia tâm lý, TS Khuất Thu Hồng nói.
Trao đổi với PV Dân trí về đề xuất thưởng gần 10 triệu đồng cho phụ nữ sinh đủ 2 con ở vùng có tỷ lệ sinh thấp, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), chuyên gia tâm lý học, chuyên gia về giới tính và sức khỏe, cho rằng: "Chính sách vẫn chưa nhìn ra vấn đề và giải quyết thấu đáo, ngoài ra còn tạo ra nhiều kẽ hở".
Thưa bà, là người am hiểu vấn đề về giới cũng như các vấn đề xã hội liên quan, bà đánh giá thế nào về đề xuất của Bộ Y tế: Thưởng tiền cho phụ nữ sinh con tại các vùng có tỷ lệ sinh thấp tại Việt Nam?
- Việc sinh đẻ là câu chuyện tạo ra nòi giống cho người Việt Nam, duy trì và phát triển lực lượng sản xuất cho toàn xã hội trong tương lai, chứ không đơn thuần chỉ là đẻ con cho người phụ nữ.
Tất nhiên phụ nữ khó khăn, vất vả sinh nở nhưng cái chúng ta nhìn là thẳng vào bản chất vấn đề. Cho thêm vài triệu đồng không giải quyết được vấn đề lớn, cần cải cách vĩ mô, thay đổi sâu sắc phân công lao động theo giới, bình đẳng theo giới.
Các nước Bắc Âu, bình đẳng giới tốt nhưng không phải gia đình nào cũng muốn đẻ, mức sinh cũng chỉ 1.8 thôi, ở Việt Nam, nếu vấn đề bất bình đẳng giới tiếp tục duy trì, sức ép cho phụ nữ, gia đình trẻ ngày càng lớn thì nguy cơ vài chục năm nữa tỷ lệ sinh sẽ giảm mạnh nữa.
Người ta nhắc nhiều đến nguy cơ già hóa dân số trong tương lai, thậm chí tỷ lệ sinh của một số nơi giảm sút dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lao động. Chính sách kích thích sinh này đưa ra nhằm giải quyết vấn đề này và cũng là một chính sách áp dụng như một số nước đang có tỷ lệ sinh thấp, song dư luận hoài nghi về tính hiệu quả, bà nghĩ sao?
- Phải nhìn sang các nước có mức sinh thấp như Đức, Nhật, Nhà nước họ thưởng nhiều lắm nhưng vẫn không kích thích được sinh nở thêm. Ví dụ như ở CHLB Đức, tôi nhớ không nhầm một đứa trẻ được sinh ra gia đình được nhận 1.500 Euro/tháng, nhưng người Đức vẫn không sinh con.
Hay Nhật Bản cũng vậy, Nhà nước khuyến khích sinh con bằng cách thưởng rất nhiều, nhưng phụ nữ và gia đình trẻ vẫn không sinh đẻ. Các chính sách của các nước về sinh đẻ cũng nhiều hơn so với Việt Nam như phụ cấp cho trẻ, nhà ở, đi học... nhưng người ta vẫn không sinh đẻ.
Nguyên nhân chính là gánh nặng của đứa trẻ hiện nay vẫn nặng hơn, đổ dồn lên vai người phụ nữ. Trong khi phụ nữ ở các nước khác trên thế giới và cả Việt Nam nữa, phụ nữ vẫn phải làm việc, kiếm sống, thậm chí vừa chăm con, vừa làm việc, trong khi đó không được nam giới, xã hội và Nhà nước không tạo quá nhiều điều kiện cho chị em.
Ở Việt Nam, dường như gánh nặng cơm áo, gạo tiền đối với gia đình trẻ, đối với người phụ nữ họ còn phải gánh trên vai ngày càng lớn dần. Tại các thành phố lớn, chi phí nuôi dạy trẻ em rất lớn, có phải chăng là trở ngại cho việc không sinh nhiều con?
- Hiện tại ở Việt Nam, nhà trẻ, trường mầm non ở các thành phố lớn đang rất thiếu, các biện pháp hỗ trợ các kênh cho mẹ, cho phụ nữ còn quá ít khiến gánh nặng sinh đẻ hoặc sau sinh đẻ, nuôi dạy trẻ em đặt lên vai người phụ nữ, cho gia đình trẻ ngày càng lớn dần.
Trẻ em ốm đau thì vẫn chủ yếu là bố mẹ chăm sóc; xã hội, Nhà nước cũng có hỗ trợ nhưng rất ít. Cho phụ nữ chỉ mấy triệu đồng một lần vẫn không thể kích thích người ta sinh thêm được. Tôi tin là không khuyến khích được ai!
Hơn nữa, chính sách lại phân vùng, chỉ những người ở vùng có tỷ lệ sinh thấp mới được, còn ở những vùng sinh cao không khuyến khích. Như vậy, mục đích của chỉ kích thích tăng dân số theo địa giới, cơ học, không khả thi và giới hạn quyền trẻ em.
Ví dụ tôi muốn nhận được tiền đó, lại vùng sinh cao, tôi phải chuyển sang vùng mức sinh thấp, tôi lấy mấy triệu đó, vẫn được. Hiện nay, cả nước bỏ hộ khẩu, vấn đề này càng dễ bị lợi dụng.
Chính sách phân vùng bất hợp lý, không khả thi vừa tạo việc quản lý thêm khó khăn hơn. Ở đây, tôi nghĩ vấn đề mấu chốt của mức sinh thấp là vấn đề toàn cầu, khó khăn về chi phí của mỗi gia đình nuôi con nhỏ, hạn chế thăng tiến của phụ nữ có con nhỏ...
Chừng nào giải quyết được bất bình đẳng giới được giải quyết thì khi ấy phụ nữ, gia đình trẻ mới sẵn sàng sinh thêm con.
Như vậy, việc hỗ trợ thêm tiền một lần có thể vẫn chưa trở thành động lực cho việc sinh thêm của người dân. Điều này có thể khiến chính sách chưa ra đời đã lạc hậu, không hiệu quả, sai lệch thực tiễn?
- Theo tôi, cả xã hội, Nhà nước cần phải làm sao việc sinh con ra không tạo ra gánh nặng cho người phụ nữ, khi ấy họ mới an tâm sinh đẻ. Khi ấy, người phụ nữ mới có thể tiếp tục theo đuổi sự nghiệp của mình sau khi sinh mà không bị gánh nặng con cái cản trở họ.
Phụ nữ cần được chia sẻ công việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em của các ông chồng, của gia đình, của xã hội và của Nhà nước một cách thực chất thì mới giải quyết được chuyện nhu cầu sinh thêm hay không.
Tôi dám chắc, không chỉ ở các thành phố lớn, mà ngay ở các địa phương hiện nay, áp lực công việc lớn, chi phí học hành, nuôi dưỡng các trẻ em ngày càng đắt đỏ, việc đẻ thêm đứa trẻ con là cả một kế hoạch tài chính lớn của mỗi gia đình. Chính vì vậy, việc trợ giúp vài triệu đồng cho một lần sinh nở cho chị em không giải quyết được tận gốc vấn đề.
Trân trọng cảm ơn bà.
Bộ Y tế vừa đưa ra đề xuất thưởng một lần gần 10 triệu đồng đối với chị em có sinh đủ 2 con tại các vùng có mức sinh thấp.
Ở các vùng có mức sinh thấp, phụ nữ sinh con thứ nhất sẽ được thưởng một lần tương đương với mức lương tối thiểu vùng. Cũng tại vùng có mức sinh thấp, phụ nữ sinh đủ 2 con, sẽ được thưởng một lần bằng 2 lần mức lương tối thiểu.
Hiện, mức lương tối thiểu ở vùng I là 4.420.000 triệu đồng/tháng, vùng II là 3.920.000 đồng, vùng III là 3.430.000 đồng và vùng IV là 3.070.000 đồng.
Hiện, theo thông tin của Bộ Y tế, 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (mức sinh < 2,0 con) là TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Kiên Giang...
Các địa phương này hiện chiếm 39% quy mô dân số, đáng nói mức sinh của phụ nữ tại TPHCM đang ở mức thấp nhất cả nước chỉ 1,39 con/người.