Thủ tướng: Tăng cường các giải pháp chống bạo lực, xâm hại trẻ em

An Linh

(Dân trí) - Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký ban hành Chỉ thị số 36 về việc tăng cường giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Trong đó, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh cần tuyên truyền và có các giải pháp bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn, thương tích cho trẻ em.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội củng cố hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội cho trẻ em.

Thủ tướng: Tăng cường các giải pháp chống bạo lực, xâm hại trẻ em - 1

Thủ tướng ban hành Chỉ thị 36/CT-TTg về việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em mồ côi, trẻ em mồ côi vì Covid-19

"Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đề xuất các chính sách, giải pháp chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi nói chung và trẻ em mồ côi do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nói riêng, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, chú trọng việc trẻ em được chăm sóc bởi người thân thích", Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ.

Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH cần nghiên cứu, xây dựng chương trình khắc phục hạn chế, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với trẻ em như chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội, chăm sóc trẻ em mồ côi nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện của trẻ em. Tăng cường truyền thông để phát huy vai trò xã hội và cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhất là trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Chỉ thị cũng nêu rõ nhiệm vụ của các bộ, ngành liên quan. Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch và đẩy mạnh thực hiện việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đạo việc điều trị và chăm sóc trẻ em bị nhiễm Covid-19 và ảnh hưởng bởi Covid-19.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng đào tạo, giáo dục. Hướng dẫn gia đình trong việc phối hợp với nhà trường chăm sóc, giáo dục trẻ em bảo đảm an toàn, hiệu quả khi học trực tuyến. Bảo đảm an toàn khi học sinh trở lại trường học.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm phát huy vai trò của gia đình trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em nhất là trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hướng dẫn tập luyện thể dục thể thao, rèn luyện thể chất và tinh thần để bảo vệ, nâng cao sức khỏe, phòng, chống bệnh tật cho trẻ em và gia đình trong dịch Covid-19.

Thủ tướng: Tăng cường các giải pháp chống bạo lực, xâm hại trẻ em - 2

Chỉ thị của Thủ tướng đưa ra trong bối cảnh gần đây có một số vụ trẻ em bị đánh đập, hành hạ ngay gia đình, mái ấm của mình. Dư luận hẳn phẫn nộ trước cái chết đầy uất nghẹn của cháu bé 8 tuổi tại TPHCM do bị nhân tình của bố đánh đập, bạo hành tử vong tại nhà.

Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình "Sóng và máy tính cho em". Hướng dẫn các cơ quan báo chí, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trên môi trường mạng phổ biến kiến thức, kỹ năng về các hoạt động hỗ trợ thể chất và tinh thần phù hợp với trẻ em, góp phần chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội và phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn, thương tích cho trẻ em.

Chỉ thị của Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cho trẻ em tại địa phương. Tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 kịp thời, an toàn, hiệu quả cho trẻ em.

Về tổ chức việc điều trị, chăm sóc cho trẻ em bị nhiễm Covid-19 và ảnh hưởng bởi Covid-19, Thủ tướng yêu cầu chăm sóc trẻ em mồ côi nói chung và trẻ em mồ côi do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nói riêng, cần bảo đảm trẻ em mồ côi được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt nhất cả về vật chất và tinh thần, ưu tiên chăm sóc thay thế bởi người thân thích.

Trong Chỉ thị, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam xây dựng, phổ biến rộng rãi các chương trình dạy học trên truyền hình, các chuyên mục phổ biến kiến thức, kỹ năng, hoạt động rèn luyện thể chất và tinh thần cho trẻ em và gia đình; giáo dục, hướng dẫn chăm sóc dinh dưỡng, sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội cho trẻ em; bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em, tai nạn, thương tích trẻ em.