Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng không được bảo lưu

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Theo quy định hiện hành, người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp lâu hơn 144 tháng (12 năm), khi nghỉ việc chỉ được hưởng trợ cấp thất nghiệp của 12 năm, phần đóng dư không được bảo lưu.

Phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến cho dự án luật Việc làm (sửa đổi) do Liên đoàn Lao động TPHCM tổ chức, bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn TNHH Intel Products Việt Nam, nhận xét các quy định liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp có nhiều điểm gây bất lợi cho người lao động.

Một trong những bất lợi đó là quy định không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để tính hưởng trợ cấp cho lần tiếp theo trong trường hợp đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng (12 năm). Theo bà Hồng Yến, quy định này gây nhiều thiệt thòi cho người lao động và cần nghiên cứu lại.

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng không được bảo lưu - 1

Đại diện công đoàn cho rằng nhiều quy định bảo hiểm thất nghiệp chưa thuận lợi với người lao động (Ảnh: Tùng Nguyên).

Cụ thể, khoản 3 điều 103 của dự án luật Việc làm (sửa đổi) quy định 4 trường hợp mà thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo.

Trong đó, trường hợp thứ 4 là người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng. Tức là, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 12 năm thì khi mất việc sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp 12 tháng, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp vượt trên 12 năm sẽ không được bảo lưu mà tính lại từ đầu.

Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động TPHCM, cũng cho biết có nhiều lao động góp ý quy định này ảnh hưởng đến quyền lợi hưởng trợ cấp thất nghiệp của họ.

Thực tế, việc không bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với trường hợp đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng là quy định đang được thực hiện theo quy định của luật Việc làm năm 2013.

Tuy nhiên, do luật Việc làm năm 2013 không nêu rõ quy định này dẫn đến nhiều lao động hiểu lầm. Nay dự án luật Việc làm (sửa đổi) bổ sung, nêu rõ quy định này tại khoản 3 điều 103.

Ngày 17/10/2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã có công văn số 4379/LĐTBXH-VL gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam, giải thích rõ về việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với trường hợp người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng.

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 2 Điều 45 Luật Việc làm năm 2013 thì sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trước đó của người lao động không được tính để hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo.

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cho lần hưởng tiếp theo được tính lại từ đầu, chỉ trừ 6 trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng không được bảo lưu - 2

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 50 Luật Việc làm thì thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Kết hợp 2 điều khoản trên, Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn: "Như vậy, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng và đáp ứng đủ các điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa là 12 tháng (tương ứng với 144 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp) và không được bảo lưu đối với thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp còn lại".

Cũng trong công văn này, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị BHXH Việt Nam rà soát lại những trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng đã được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp từ ngày 1/1/2021 mà có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng được bảo lưu thì phải chỉnh sửa lại, thực hiện việc không bảo lưu đối với thời gian này.