1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Thiếu thuốc, bệnh nhân phải tự đi mua, cách nào hoàn tiền?

Thái Anh

(Dân trí) - Các bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế khiến nhiều bệnh nhân khám chữa bệnh bảo hiểm y tế phải tự đi mua. Quy định về thanh toán bảo hiểm không có cơ chế hoàn tiền, đang phải chờ hướng dẫn xử lý...

Thuốc đấu thầu hết hạn từ 2021, tháng 7/2022 vẫn chưa mở thầu mới

Danh sách những địa phương có tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế đang diễn ra phổ biến được đại diện Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam nêu gồm Bắc Giang, Bình Dương, Hà Nam, Cần Thơ, Đắk Lắk, Bạc Liêu, Quảng Ngãi, Quảng Nam... Thực tế, ít ngày trước, một báo cáo thống kê cũng cho thấy đã có hàng chục tỉnh thành, bệnh viện tuyến trung ương phản ánh về tình trạng này và kiến nghị sớm giải quyết.

Phân tích về thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế khám chữa bệnh, ông Lê Văn Phúc - Trưởng Ban Thực hiện Chính sách bảo hiểm y tế, BHXH Việt Nam, nhận định, nguyên nhân của việc này là do chậm đấu thầu cung cấp thuốc, thiết bị, vật tư. Thực tế, có những gói thầu từ năm ngoái đến nay vẫn chưa hoàn thành, thực hiện được.

Thiếu thuốc, bệnh nhân phải tự đi mua, cách nào hoàn tiền? - 1

Trưởng Ban Thực hiện Chính sách bảo hiểm y tế, BHXH Việt Nam Lê Văn Phúc nói về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại hội nghị thông tin về chính sách bảo hiểm y tế mới đây.

Thống kê cũng cho thấy có 7 địa phương thuốc đấu thầu đã hết hạn từ 2021 nhưng đến tháng 7 chưa mở đấu thầu cho năm 2022. Có địa phương chỉ đấu thầu đúng danh mục của bộ y tế quy định mà không mở rộng danh mục thuốc trong khi được mở rộng đấu thầu. 

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tập trung nhân lực đấu thầu thiếu... dẫn đến thiếu thuốc.

Ngoài ra, công tác đàm phán giá thuốc hiện cũng đang rất chậm. Với áp lực từ các cơ sở khám chữa bệnh, Bộ Y tế đang tháo gỡ và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng chỉ đạo chi nhánh ở các địa phương phải bám sát để triển khai việc mua sắm thuốc cho người bệnh trên quan điểm giám định, theo dõi nhanh nhất để các cơ sở khám chữa bệnh không bị thiếu tiền khi trúng thầu.

Các cơ quan Trung ương, từ Thường trực Chính phủ tới Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đều đang tích cực họp bàn để tìm hướng tháo gỡ, giải quyết triệt để tình trạng này.

Mỗi năm, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chi 5 tỷ USD cho công tác khám chữa bệnh của hơn 80 triệu người tham gia bảo hiểm y tế. Qua các nội dung về dịch vụ kỹ thuật, thuốc cho thấy quỹ bảo hiểm y tế chi trả đáp ứng cho nhu cầu điều trị người bệnh, trong khi mỗi người đóng khoảng 1 triệu đồng/năm cho tiền thẻ bảo hiểm y tế.

Ông Dương Tuấn Đức - Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và thanh toán đa tuyến "trấn an", hiện tượng thiếu thuốc, vật tư y tế đang diễn ra mang tính chất cục bộ. Thực tế, theo dõi đơn thuốc được đề nghị bảo hiểm y tế thanh toán của người bệnh thì không có sự chênh lệch quá lớn trong 3 tháng liên tiếp 4, 5, 6. Tổng đơn mới chỉ giảm đôi chút vào tháng 6 vừa qua.

Tình trạng thiếu cục bộ cũng biểu hiện ở việc nguồn thuốc, vật tư chỉ thiếu hụt tại các cơ sở y tế công lập, khi cần, bệnh nhân vẫn được chỉ định ra ngoài mua và mang về bệnh viện thanh toán.

Lãnh đạo Trung tâm Giám định bảo hiểm cũng chia sẻ nhận định về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thiếu thuốc là do công tác đấu thầu tập trung tại các địa phương chậm. Kiểm tra tại một số tỉnh thành như Hà Nội, Nghệ An, tình trạng nhiều loại thuốc, vật tư đã hết hàng mà chậm hơn 3 tháng chưa đấu thầu lại khá phổ biến.

Bảo hiểm y tế hoàn trả tiền bệnh nhân tự bỏ mua thuốc?

Thiếu thuốc, bệnh nhân phải tự đi mua, cách nào hoàn tiền? - 2

Vừa qua, hơn 40 tỉnh thành, bệnh viện lớn đã có báo cáo về việc thiếu thuốc, vật tư y tế (ảnh minh họa).

Nói về phương án hoàn tiền mua thuốc, vật tư y tế cho những bệnh nhân khám chữa bệnh bảo hiểm mà do bệnh viện thiếu, phải tự đi mua trong thời gian vừa qua, Trưởng Ban Thực hiện Chính sách bảo hiểm y tế phân tích, trong quy định về thanh toán trực tiếp đối với người bệnh không có việc phải thanh toán khi người bệnh phải mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài.

Bên cạnh đó, Nghị định 146 của Chính phủ năm 2018 quy định rất rõ, cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm phải đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế cho người tham gia bảo hiểm y tế.

"Như vậy, trách nhiệm rõ ràng thuộc bệnh viện. Để thanh toán được tiền thuốc, vật tư người bệnh đã mua ở bên ngoài phải có ý kiến các cấp có thẩm quyền, xem thanh toán như vậy là cho bệnh viện hay người bệnh" - ông Phúc nói.

Trưởng Ban Thực hiện Chính sách bảo hiểm y tế thông tin thêm, luật Bảo hiểm y tế quy định, một số trường hợp đặc biệt có thể thanh toán trực tiếp nhưng cũng cần xác định đây có phải trường hợp thanh toán trực tiếp hay không.

"Chúng tôi đang chờ ý kiến, hướng dẫn của Bộ Y tế để triển khai thực hiện. Có 2 hình thức là cơ sở khám chữa bệnh thanh toán cho người bệnh, sau đó BHXH sẽ quyết toán cho cơ sở khám chữa bệnh và có thể thanh toán trực tiếp. Song việc thanh toán trực tiếp sẽ khó khăn. Theo quy định, cơ sở khám chữa bệnh phải có trách nhiệm, vừa đảm bảo mức giá, chất lượng, quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế" - ông Phúc nhấn mạnh.