Thiếu nữ được giải cứu từ các "động quỷ" nhận hỗ trợ gì?
(Dân trí) - 7 bé gái dưới 16 tuổi vừa được giải cứu khỏi "động quỷ" ở Gia Lai rồi trả về gia đình. Những trường hợp như các em được hỗ trợ gì để không tiếp tục bị mua bán khi tìm việc làm mới?
Ngày 5/11, Công an tỉnh Gia Lai khởi tố 2 đối tượng Trịnh Thị Mai và Trần Minh Chung để điều tra về tội mua bán người dưới 16 tuổi, giữ người trái pháp luật.
Trước đó, Công an tỉnh Gia Lai giải cứu thành công 7 bé gái (đều dưới 16 tuổi, có em chỉ mới 13 tuổi) bị Mai và Chung giam giữ, ép buộc làm nhân viên tại cơ sở nhà nghỉ và massage Mai Thy (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai).
Hầu hết các bé gái đều thuộc diện gia đình khó khăn, đi tìm việc làm sớm rồi bị đưa đến cơ sở này làm việc. Sau khi giải cứu, lực lượng công an đã bàn giao các em cho gia đình. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại các em có khả năng lại bị lừa đảo, mua bán tiếp khi cố gắng tìm kiếm việc làm mới.
Để hỗ trợ những trẻ em gái bị rơi vào hoàn cảnh như trên, Luật Phòng, chống mua bán người đã quy định rõ các chế độ hỗ trợ dành cho nạn nhân.
Cụ thể, Điều 32 Luật Phòng, chống mua bán người quy định nạn nhân được hưởng các chế độ: Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; Hỗ trợ y tế; Hỗ trợ tâm lý; Trợ giúp pháp lý; Hỗ trợ học văn hóa, học nghề; Trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn.
Nghị định 09/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người hướng dẫn chi tiết hơn các chế độ này tại các Điều 19, 20, 21, 22, 23, 24.
Điều 19 Nghị định 09 quy định, nạn nhân mua bán người trong thời gian chờ xử lý vụ việc được hỗ trợ tiền ăn, quần áo, vật dụng cá nhân… Khi có nguyện vọng trở về nơi cư trú thì được hỗ trợ tiền ăn trong những ngày đi đường và tiền tàu xe.
Nạn nhân là người chưa thành niên thì Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) quận, huyện, thị xã hoặc cơ quan công an đưa về nơi người thân thích cư trú.
Điều 20 quy định, trong thời gian lưu trú tại cơ sở hỗ trợ, nạn nhân được chăm sóc y tế để phục hồi sức khỏe. Nạn nhân là người chưa thành niên được cơ sở hỗ trợ nạn nhân hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo mức bằng mức quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho các đối tượng tương ứng.
Theo Điều 21, cơ sở hỗ trợ nạn nhân có trách nhiệm tổ chức các hoạt động hỗ trợ giúp nạn nhân ổn định tâm lý trong thời gian lưu trú gồm tư vấn, tham vấn tâm lý cho nạn nhân và thực hiện các liệu pháp trị liệu nhóm. Đối với nạn nhân là người chưa thành niên, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân có trách nhiệm liên hệ, đánh giá về mức độ an toàn đối với nạn nhân khi trở về gia đình hoặc nơi cư trú trước khi đưa nạn nhân trở về.
Điều 22 quy định, nạn nhân được trợ giúp pháp lý, tư vấn để phòng ngừa bị mua bán trở lại; trợ giúp làm thủ tục đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, nhận chế độ hỗ trợ, đòi bồi thường thiệt hại, tham gia tố tụng và các thủ tục pháp lý khác có liên quan đến vụ việc mua bán người.
Theo Điều 23, nạn nhân được hỗ trợ học văn hóa nếu có nhu cầu. Nạn nhân có nhu cầu học nghề thì được hỗ trợ một lần chi phí học nghề. Nạn nhân thuộc hộ nghèo khi trở về nơi cư trú được hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu.
Điều 24 quy định, nạn nhân có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh được xem xét tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện, thời hạn và mức vốn cho vay thực hiện theo quy định hiện hành đối với các dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm.
Theo báo cáo mới đây của Bộ LĐ-TB&XH, trong năm 2021, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em.
Trong đó có Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/03/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội, quy định trợ giúp xã hội khẩn cấp đối với nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục, thân thể; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động.
Theo Nghị định này, mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 1/7/2021 là 360.000 đồng/tháng, tăng 90.000 đồng/tháng so với mức chuẩn cũ. Mức tăng này cũng góp phần tăng cao các khoản hỗ trợ dành cho trẻ em bị mua bán.
Bạn đọc có thể tham khảo chi tiết các chế độ hỗ trợ nạn nhân mua bán người TẠI ĐÂY.