Tết của người đồng bào lần đầu trồng được lúa nước trên nương rẫy
(Dân trí) - Lần đầu tiên người dân xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh (Phú Yên) được làm lúa nước và cho năng suất cao, từ đó đời sống dần đủ đầy, vui đón Tết sung túc hơn.
Ea Lâm là xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Sông Hinh, với hơn 90% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, người dân chủ yếu sống nhờ vào canh tác trên nương rẫy, cuộc sống vô cùng khó khăn.
Đầu năm 2022, UBND xã Ea Lâm đã vận động 25 hộ dân có diện tích đất hoang hóa, sản xuất kém hiệu quả tại khu vực bán ngập quanh lòng hồ thủy điện Sông Ba Hạ hiến đất để san ủi, cải tạo, chuyển đổi sang trồng lúa nước.
Cùng với việc khai hoang, huyện Sông Hinh đã đầu tư công trình trạm bơm Ea Lâm 2 với tổng mức đầu tư trên 11 tỷ đồng, đảm bảo công suất tưới cho 72ha lúa và hoa màu, từ đó những cánh đồng lúa trên nương rẫy dần xuất hiện.
Với gần 26ha đất lúa khai hoang được, địa phương đã chia cho hơn 100 hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số để bà con sản xuất.
Trong mùa vụ thu hoạch hồi tháng 8/2022, hầu hết các diện tích lúa nước tại đây đều đem lại năng suất cao từ 60 đến 85 tạ/ha.
Nhờ đó, từ vùng phải lo cái ăn, cái mặc quanh năm, thì nay những bao lúa đầy ắp được chất chồng lên cao giữa ngôi nhà sàn của người dân buôn Bai (xã Ea Lâm).
"Đi làm công nhân ở Bình Dương, lúc nào em cũng lo cho ba mẹ và các em ở quê thiếu ăn. Nhưng năm nay trở về, thấy ba có hơn chục bao lúa để trong nhà, em mừng lắm. Từ nay, cái bụng đỡ lo hơn, chỉ cố gắng làm việc kiếm tiền gửi về gia đình" - em Kso Hờ Nga tâm sự.
Gia đình ông Oi My (trú buôn Bai, xã Ea Lâm) được chia 3 sào lúa (3.000m2) để canh tác, mùa vụ vừa qua thu hoạch gần 2 tấn thóc. Ông My vui mừng chia sẻ: "Lúc đầu, nhận lúa nước ai cũng lo vì trước giờ dân ở đây chỉ làm lúa rẫy. Nhưng được cán bộ chỉ dẫn tận tình, hỗ trợ kỹ thuật, lúa giống, phân bón để cây lúa cho rất nhiều hạt, dân làng vui mừng lắm".
"Đòn bánh tét này được gói từ nếp trồng trên diện tích lúa nước chính quyền cấp. Có bánh rồi, tôi làm thêm gà, heo cho con cháu vui đón Tết cổ truyền" - ông Oi My vui vẻ nói.
Từ ngày trồng được cây lương thực, đời sống người dân Ea Lâm dần đủ đầy hơn.
Bà Ma Thị Liên - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Lâm cho biết: "Từ xa xưa người dân Ea Lâm chỉ trồng lúa rẫy nên năng suất rất thấp, không đủ ăn. Đây là năm đầu tiên người dân biết trồng lúa nước và đem lại năng suất cao, từ đó đa số các hộ dân đã có lương thực để ăn. Trước thềm năm mới, nhiều nhà gói bánh chưng, bánh tét, thịt gà, heo để ăn Tết, không khí rất phấn khởi".