Tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tạo bình đẳng giới

Hạnh Linh

(Dân trí) - Những năm qua, phụ nữ huyện miền núi Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực phát triển kinh tế, rỉ tai nhau cách làm giàu, tăng quyền năng, tự chủ về kinh tế, hướng đến thực hiện bình đẳng giới.

Sau 5 năm bắt tay vào thực hiện mô hình kinh tế tổng hợp, chị Hà Thị Nhàn, 35 tuổi, thôn Tân Lập, xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh đã đạt được những kết quả nhất định. Mỗi năm người phụ nữ này "đút túi" 100 triệu đồng tiền lãi từ mô hình kinh tế do mình làm chủ.

Chị Nhàn cho biết, chị lập gia đình từ năm 2010, cả nhà 4 nhân khẩu sống dựa vào những đồng lương giáo viên ít ỏi của chồng. Cuộc sống gia đình hạnh phúc, vợ chồng luôn tôn trọng quyết định của nhau, song bản thân chị cảm thấy chật vật, khó khăn về kinh tế.

Tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tạo bình đẳng giới - 1

Những lúc rảnh rỗi Nhàn lên chăm sóc rừng sim (Ảnh: Hạnh Linh).

Năm 2018, chị Nhàn bàn bạc với chồng về ý tưởng phát triển mô hình kinh tế tổng hợp gồm chăn nuôi và trồng trọt. Vợ chồng lên đồi đốn tre, luồng, mua lưới về làm chuồng trại nuôi gà, vịt, chim cút, bò.

Từ 1, 2 con bò ban đầu đến nay, chị Nhàn sở hữu 12 con bò, vịt, gà, đàn chim cút 1.500 con. Quả đồi phía sau nhà được gia đình cải tạo trồng sim lấy quả.

Tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tạo bình đẳng giới - 2

Với 0,5ha sim, mỗi năm chị thu hoạch được 3 tạ sim, bán giá 50.000 đồng/kg (Ảnh: Hạnh Linh).

"Thuận vợ thuận chồng, tát biển đông cũng cạn", giờ đây chị Nhàn có nguồn thu nhập ổn định của riêng mình, chị cũng bình đẳng như chồng trong phát triển kinh tế gia đình, nuôi, chăm sóc 2 con ăn học.

Có vốn từ chăn nuôi, chị Nhàn đầu tư thêm hệ thống phông, rạp, cho thuê phục vụ đám cưới. Dự tính mùa hè năm sau, sim ra hoa, gia đình sẽ mở thêm dịch vụ cho thuê áo, váy, "check-in" ở rừng sim.

Tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tạo bình đẳng giới - 3

Đàn chim cút 1.500 của gia đình chị Nhàn lớn nhanh, ít bệnh (Ảnh: Hạnh Linh).

"Mỗi ngày sau giờ tan trường, chồng lại cùng tôi cho gà, vịt, chim cút ăn. Ngày nghỉ vợ chồng lên đồi dọn dẹp, cắt tỉa cành sim. Có thêm nguồn thu nhập từ mô hình kinh tế, tôi san sẻ phần nào gánh nặng trụ cột kinh tế với chồng. Vợ chồng phấn đấu xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc", chị Nhàn vui vẻ cho biết.

Theo thống kê của UBND xã Tân Phúc, hiện trên địa bàn xã có 5 mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ. Với tinh thần chủ động, ham học hỏi, sáng tạo trong lao động, sản xuất, nhiều chị em đã vươn lên thoát nghèo, trở thành những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế và công tác an sinh xã hội tại địa phương.

Tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tạo bình đẳng giới - 4

Chị Nhàn đầu tư máy cắt cỏ phục vụ cho chăn nuôi (Ảnh: Hạnh Linh).

Bà Lê Thị Kiêu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Lang Chánh, cho biết, xác định việc tăng quyền năng về kinh tế sẽ tạo cơ hội, thúc đẩy bình đẳng giới, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Lang Chánh tập trung chỉ đạo các Hội lan tỏa phong trào phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Hiện trên địa bàn huyện có hơn 100 mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ. Các mô hình phát huy hiệu quả, giúp chị em có thu nhập, tự chủ về kinh tế, tăng quyền năng, tạo bình đẳng giới.

Theo bà Kiêu, thực hiện Đề án 939 "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025", Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện vận động, kêu gọi các nguồn hỗ trợ bằng hình thức trao mô hình sinh kế; kết nối hội viên có ý tưởng khởi nghiệp, tiếp cận với các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Từ đó, các hội viên có vốn phát triển mô hình, tạo việc làm, tăng thu nhập, giúp đỡ các chị em khác thoát nghèo, tự chủ về kinh tế.

Tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tạo bình đẳng giới - 5

Từ 1, 2 con bò ban đầu đến nay trong chuồng trại của gia đình chị Nhàn có 12 con bò (Ảnh: Hạnh Linh).

Phối hợp với Hội cấp trên tạo điều kiện cho hội viên tham gia các lớp tập huấn do Trung ương, Tỉnh hội tổ chức hoặc qua các lớp học trên các phương tiện thông tin, trang mạng chính thống nhằm hoàn thiện kế hoạch kinh doanh, kỹ năng bán hàng, quảng bá, xây dựng thương hiệu, quản lý tài chính… Năm 2023 có 285 lượt hội viên các xã, thị trấn tiếp cận với các kiến thức kinh doanh, quản lý tài chính.

Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", Hội đã tích cực chỉ đạo các đơn vị thực hiện rà soát, đánh giá, nâng cao chất lượng của các mô hình phát triển kinh tế.