1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Tăng mức trợ cấp với người dư năm đóng bảo hiểm để nhận lương hưu tối đa

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Sau khi đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đủ số năm để lãnh mức lương hưu tối đa (75%), mỗi năm đóng BHXH tiếp theo, người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu sẽ được trợ cấp thêm 2 tháng lương.

Lương hưu của người lao động tham gia BHXH được tính bằng tỷ lệ (%) hưởng lương hưu nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu phụ thuộc vào số năm người lao động đóng BHXH.

Đối với lao động nam nghỉ hưu từ năm 2023 trở đi, nếu đóng đủ 20 năm BHXH thì tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng là 45%. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì được tính thêm 2%.

Đối với lao động nữ cũng nghỉ hưu ở thời điểm này, để có mức hưởng lương hưu tối thiểu 45% thì cần đóng đủ 15 năm BHXH. Tỷ lệ hưởng thêm sau mỗi năm tương tự lao động nam.

Tính chung cả hai giới, tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Theo quy định, lao động nam đóng BHXH 35 năm sẽ đạt được mức lương hưu tối đa, lao động nữ thì cần 30 năm.

Tăng mức trợ cấp với người dư năm đóng bảo hiểm để nhận lương hưu tối đa - 1

Quy định trợ cấp một lần khi nghỉ hưu khuyến khích người lao động đủ tuổi hưu tiếp tục đi làm và tham gia BHXH (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Thực tế có những lao động tham gia BHXH sớm, ổn định và đóng đủ năm để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa từ khi chưa đến tuổi nghỉ hưu. Từ sau khi đạt mức hưởng lương hưu tối đa, thời gian đóng BHXH sau đó không được tính để tăng tỷ lệ hưởng lương hưu.

Đối với trường hợp này, Điều 58 Luật BHXH năm 2014 quy định: "Người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần".

Mức trợ cấp một lần này được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Thực tế thực hiện quy định này cho thấy, mức trợ cấp một lần trên đều thấp, không đủ sức hấp dẫn để khuyến khích người lao động tiếp tục tham gia BHXH sau khi họ đã đóng đủ năm để đạt mức hưởng lương hưu tối đa.

Do đó, trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất điều chỉnh quy định này.

Cụ thể, Điều 75 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) nêu 2 phương án đề xuất về mức trợ cấp một lần khi người lao động dư năm đóng BHXH.

Phương án 1 là giữ nguyên mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu là 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH như Luật BHXH năm 2014.

Phương án 2 bổ sung thêm trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu mà tiếp tục đóng BHXH thì mỗi năm đóng BHXH sau độ tuổi nghỉ hưu cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% được tính bằng 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, thay vì chỉ được nhận 0,5 lần như hiện nay.

Tăng mức trợ cấp với người dư năm đóng bảo hiểm để nhận lương hưu tối đa - 2

So sánh quy định trợ cấp một lần khi nghỉ hưu trong Luật BHXH 2014 và dự thảo Luật BHXH sửa đổi (Ảnh: Tùng Nguyên).

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, trong đó có nghiên cứu điều chỉnh quy định trợ cấp một lần khi nghỉ hưu tại Điều 75. Người lao động, người dân quan tâm đến chính sách này có thể đóng góp ý kiến TẠI ĐÂY.