Tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng có giữ chân được công chức?
(Dân trí) - Khi lương ở khu vực tư đang "chạy" nhanh hơn khu vực công, nhiều chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh tiền lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng chưa thể xoa dịu hẳn "cơn khát", chặn làn sóng nghỉ việc.
Ngày 20/10, Chính phủ vừa trình Quốc hội đề xuất tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên mức 1,8 triệu đồng. Đề xuất này nếu được thông qua, tiền lương của người lao động sẽ được tăng lên đáng kể.
Lương là yếu tố quan trọng để thu hút, giữ chân người tài
Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, đây là nỗ lực, cố gắng rất lớn của Đảng, Nhà nước. Tăng lên mức 1,8 triệu đồng nghĩa là lương cơ sở sẽ tăng thêm 20,8% so với hiện hành. Tiền lương, thu nhập của công chức, viên chức, người lao động, theo đó, sẽ được cải thiện đáng kể.
"Dù vậy, chúng ta vẫn chưa đạt được mục tiêu cải cách tiền lương để tiền lương đủ đáp ứng đời sống của công chức, viên chức. Việc điều chỉnh mức tiền lương cơ sở từ 1,49 lên 1,8 triệu đồng, do đó, chưa thể xoa dịu "cơn khát" của người lao động" - TS. Lợi nhận định.
Ông phân tích, về bản chất, Nhà nước rất muốn cải cách chính sách tiền lương và lẽ ra đã thực hiện việc này. Tuy nhiên, thế giới và Việt Nam vừa trải qua đại dịch Covid-19 chưa từng có trong lịch sử.
Trong vòng hơn 2 năm, nhà nước đã phải chi 86.000 tỷ đồng hỗ trợ cho hơn 55 triệu lượt người bằng các chính sách an sinh xã hội theo các Nghị quyết số 68, Nghị quyết 116 của Chính phủ và gần đây là Quyết định số 08 hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Theo ông Lợi, chưa bao giờ Nhà nước phải lo an sinh với số lượng người dân lớn đến như vậy và các chính sách đã được triển khai rất thành công.
Phải dồn nguồn lực cho nhiệm vụ cấp thiết đó nên Nhà nước chưa thể thực hiện việc cải cách chính sách tiền lương như kế hoạch.
"Tuy nhiên, cá nhân tôi luôn mong muốn Nhà nước cần có giải pháp tích cực để sớm cải cách chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức, để tiền lương là đòn bẩy thúc đẩy tăng năng suất lao động, bảo đảm đời sống, góp phần phát triển bền vững đất nước", ông Lợi nêu quan điểm.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, tiền lương, thu nhập luôn là điều kiện cần thiết để thu hút người tài, không cải cách chính sách tiền lương thì không chỉ không thể làm được việc thu hút mà muốn giữ chân đội ngũ đó cũng khó.
Lương thấp, công chức phải "xoay xở" tăng thu
Nói về hệ quả của việc "neo" lương với hiện tượng cán bộ, công chức, viên chức rời bỏ khu vực công trong hơn 2 năm qua, T.S Bùi Sỹ Lợi cho rằng, không thể giữ chân đội ngũ là một vấn đề, một bài học với hệ thống cơ quan nhà nước. Các cơ quan, đơn vị chưa chủ động chăm lo đời sống cho cán bộ, nhân viên là nguyên nhân dẫn đến 40.000 công chức, viên chức bỏ việc.
"Làn sóng nghỉ việc của công chức, viên chức hiện tại là điều rất đáng suy nghĩ. Nhưng điều đó cũng phản ánh xu hướng tích cực, đã đến lúc "vào nhà nước" là con đường tiến thân duy nhất và đã có lúc người ta theo đuổi bằng mọi giá. Trong nền kinh tế thị trường khu vực công và tư đều bình đẳng, tiền lương, thu nhập là động cơ để thu hút nguồn nhân lực, đó là nguyên tắc của thị trường và quy luật cung - cầu lao động", ông Lợi phân tích.
Cải cách chính sách tiền lương, theo vị chuyên gia trong lĩnh vực lao động, tiền lương, là vấn đề mới, cần thiết để tạo ra đội ngũ công chức, viên chức có chuyên môn, năng lực, có bản lĩnh và tinh thần, trách nhiệm xây dựng đất nước.
Cần phải cải cách chính sách tiền lương một cách toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 15/NQ-TW để khắc phục những tồn tại, hạn chế của hệ thống thang, bảng lương hiện thời. Đặc biệt là việc có quá nhiều các khoản phụ cấp (18 loại phụ cấp), dẫn đến phần lương cứng lại thấp hơn phần mềm (phụ cấp lương).
Quan trọng, theo nguyên Phó Chủ nhiệm UB Xã hội, chính sách tiền lương phải tuân thủ nguyên tắc phân phối theo lao động, phải phản ánh đúng giá trị của sức lao động được thể hiện bằng giá cả trên thị trường lao động.
Ông Lợi chỉ ra thực tế, tiền lương hiện rất thấp, đời sống công chức, viên chức rất khó khăn nên nhiều người phải tìm cách tạo ra thu nhập khác để đảm bảo cuộc sống của bản thân và gia đình dẫn đến bộ máy hành chính đâu đó vẫn trì trệ, ách tắc. Từ đó, bộ máy cơ quan công quyền rệu rã, chất lượng công chức, viên chức ngày một kém đi, không phát huy, thúc đẩy năng lực sáng tạo.
Cải cách chính sách tiền lương, như vậy, thực sự là nguyên nhân hết sức quan trọng thúc đẩy tăng năng suất lao động, là động lực để tổ chức sắp xếp lại bộ máy, khuyến khích công chức, viên chức nâng cao năng lực, trình độ để được vào làm việc trong khu vực công, góp phần vào công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
"Lương đủ sống thì mới không nghĩ đến tham nhũng, vụ lợi, không hạch sách, cửa quyền trong giải quyết công vụ của cán bộ công chức nhà nước", TS.Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
"Lương cào bằng khiến người giỏi mất động lực"
Cũng trao đổi về vấn đề này, Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân phân tích, trong hơn 40.000 công chức, viên chức rời bỏ khu vực công vừa qua, những nguyên nhân được nhắc tới, ngoài vấn đề đãi độ, tiền lương, thu nhập thì còn có cả vấn đề áp lực, môi trường làm việc.
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, chưa có điều kiện cải cách tiền lương ngay lúc này thì trước mắt, năm 2023 cũng phải tăng lương cơ sở nền để cải thiện phần nào thu nhập thực tế cho cán bộ, công chức, viên chức. Khi tình hình kinh tế được phục hồi, phải kiên quyết cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27, đồng thời triệt để sắp xếp lại bộ máy biên chế.
"Nguồn chi lương chỉ có hạn, nếu không cân đối lại, duy trì cách phân phối cào bằng như trước sẽ khiến những người giỏi mất động lực. Để giữ người tài ở lại, trước tiên phải kiên quyết thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, dù thời điểm này có thể nói là đã muộn" - ông Huân khuyến cáo.