1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Phương án tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng: Lương hưu thay đổi sao?

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Chính phủ đã báo cáo Trung ương phương án đề xuất điều chỉnh mức lương cơ sở 2023 với khối cán bộ, công chức, viên chức lên 1,8 triệu đồng/tháng, tăng 20,8% so với mức 1.490 đồng/tháng hiện nay...

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, lộ trình cải cách chế độ tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức thực hiện từ năm 2021. Tuy nhiên, hơn 2 năm qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19, chủ trương này đã được quyết định lùi đến thời điểm thích hợp.

Theo đó, từ 2019 đến nay, mức lương cơ sở làm căn cứ tính lương khu vực công vẫn được neo ở mức 1,49 triệu đồng/tháng (theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP của Chính phủ).

Phương án tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng: Lương hưu thay đổi sao? - 1

Dự kiến, lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức khu vực công tăng từ 1,49 triệu đồng lên khoảng 1,8 triệu/tháng (khoảng 20,8%) (Ảnh: Mạnh Quân).

Tuần trước, tại Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Chính phủ hoàn chỉnh Báo cáo về phương án điều chỉnh tiền lương để trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định.

Theo đó, Trung ương cơ bản đồng ý nội dung Chính phủ trình các cấp có thẩm quyền dự kiến tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên khoảng 1,8 triệu/tháng (tương đương 20,8%), dự kiến thực hiện từ ngày 1/7/2023.

Đồng thời, cơ quan trình đề xuất nâng mức phụ cấp với một số ngành nghề, lĩnh vực cho phù hợp. 

Đây sẽ là một nội dung được xem xét, quyết định tại kỳ họp Quốc hội sẽ bắt đầu ít ngày tới (kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV).

Như vậy, sau nhiều lần "lỡ hẹn", nếu được thông qua, từ năm sau, lương cơ sở có mức tăng đáng kể, thêm hơn 300.000 đồng/tháng.

Cùng với phương án tăng lương cơ sở, Chính phủ cũng dự kiến trình Quốc hội nâng mức phụ cấp với một số ngành nghề, lĩnh vực cho phù hợp.

Tác động của tăng lương cơ sở với lương hưu, trợ cấp

Hiện mức lương của cán bộ công chức, viên chức vẫn tính theo công thức sau: Tiền lương = Hệ số lương x Mức lương cơ sở + các khoản phụ cấp - các khoản đóng bảo hiểm xã hội, khác (nếu có).

Ví dụ công chức loại A1 có hệ số lương khởi điểm là 2.34. Nếu tính theo mức lương cơ sở hiện hành 1,49 triệu đồng thì tiền lương nhận được là 3,486 triệu đồng/tháng. Còn nếu tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng đang được đề xuất thì tiền lương tăng lên mức 4,212 triệu đồng/tháng.

Theo mức lương cơ sở mới thì dự kiến thu nhập với công chức trong trường hợp này tăng tới 725.400 đồng/tháng.

Đại diện Văn phòng Quốc hội mới đây cũng nêu rõ, cùng với phương án điều chỉnh mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng, Chính phủ cũng trình Quốc hội việc tăng lương hưu, trợ cấp BHXH đối với đối tượng do ngân sách nhà nước chi trả. Mức tăng lương lưu, trợ cấp đi kèm khoảng 12,5%.

Ngoài ra, khoản hỗ trợ người nghỉ hưu trước năm 1995 cũng tăng và chi ưu đãi cho người có công và các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở cũng điều chỉnh tương ứng 20,8%

Phương án tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng: Lương hưu thay đổi sao? - 2

Ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, cải cách tiền lương là câu chuyện dài, được bàn thảo khá lâu. Trung ương đã có Nghị quyết 27 định hướng về lộ trình cải cách tiền lương. Tuy nhiên, do những yếu tố khách quan nên lộ trình thực hiện phải lại nhiều lần.

Ông Huân cho rằng, muốn cải cách tiền lương phải tạo nguồn, xác định đi đôi với cải cách bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh đó, cần chú ý tới việc sắp xếp lại vị trí, chức danh để trả lương theo vị trí việc làm.

"Hiện nay, Việt Nam cũng bắt đầu trả lương theo vị trí nhưng cách làm có thể chưa hiệu quả. Việc trả lương còn mang tính chất cào bằng, chưa thể hiện được hết sự khác biệt ở từng vị trí việc làm.

Trong bối cảnh hiện tại, trước mắt, 2023 phải tăng mức lương cơ sở nền để cải thiện phần nào thu nhập thực tế cũng như đời sống của người lao động ở khu vực công", nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu quan điểm.

Căn cứ Nghị định 204/2004/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thì cán bộ, công chức, viên chức được hưởng các loại phụ cấp theo lương cơ sở bao gồm:

- Phụ cấp độc hại.

Theo khoản 7 Điều 6 Nghị định 204/2004/NĐ-CP, phụ cấp độc hại, nguy hiểm áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức làm nghề hoặc công việc có điều kiện lao động độc hại, nguy hiểm và đặc biệt độc hại, nguy hiểm chưa được xác định trong mức lương.

Theo khoản 1 mục II Thông tư 07/2005/TT-BNV, phụ cấp độc hại gồm 4 mức là 0,1; 0,2; 0,3 và 0,4 so với mức lương cơ sở.

- Phụ cấp chức vụ lãnh đạo.

Căn cứ bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) trong cơ quan Nhà nước; đơn vị sự nghiệp của Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP.

- Phụ cấp khu vực.

Theo Thông tư liên tịch 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT, cán bộ, công chức, viên chức được hưởng phụ cấp khu vực với 07 loại hệ số là 0,1; 0,2; 0,3; 0,4; 0,5; 0,7 và 1,0.

- Phụ cấp lưu động.

Theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP và Thông tư 06/2005/TT-BNV, phụ cấp lưu động gồm 03 hệ số 0,2; 0,4; 0,6 áp dụng cho công chức, viên chức làm việc ở một số nghề hoặc công việc phải thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc và nơi ở.

Ngoài việc dùng để tính lương công chức, viên chức thì mức lương cơ sở còn dùng để tính các khoản sinh hoạt phí, hoạt động phí, xác định khoản tiền đóng BHXH bắt buộc tối đa,…