Tăng cường năng lực thanh tra ngành LĐ-TB&XH đến năm 2020
(Dân trí) - Sau 8 năm thực hiện, Đề án “Tăng cường năng lực thanh tra ngành LĐ-TB&XH đến năm 2020” đã có nhiều kết quả tốt, giúp nâng cao vị thế thanh tra ngành LĐ-TB&XH trên nhiều bình diện.
Năm 2013 đánh dấu cột mốc quan trọng đối với hệ thống thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2155/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đến năm 2020” với mục tiêu tăng cường năng lực đội ngũ thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội nhằm đáp ứng khối lượng công việc ngày càng nhiều và tính chất ngày thêm phức tạp.
Đề án là cơ sở vĩ mô, tạo ra bước chuyển cho thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội khi tiếp cận một cách toàn diện các góc độ của cả hệ thống thanh tra thông qua việc hoàn thiện hành lang pháp lý, kiện toàn cơ cấu tổ chức của cơ quan thanh tra, đảm bảo về số lượng, năng lực cho đội ngũ thanh tra viên, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động thanh tra trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và sự vận hành Chính phủ điện tử.
Tám năm thực hiện Đề án (từ năm 2013 đến năm 2020), là một lộ trình được đặt ra để biến những mục tiêu của Đề án thành hiện thực, đưa hệ thống thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội dần kiện toàn.
Lần đầu tiên thông qua Đề án các cơ quan thanh tra cũng như đội ngũ thanh tra viên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội được xây dựng theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả. Trong giai đoạn của Đề án, nhiều kết quả nổi bật của thanh tra ngành LĐTBXH đã được tạo ra, giúp nâng cao vị thế thanh tra ngành LĐTBXH trên nhiều bình diện:
Thứ nhất, hành lang pháp lý về tổ chức, hoạt động và chế độ, chính sách đối với thanh tra ngành LĐ-TB&XH được rà soát, sửa đổi và hoàn thiện
Trong thời gian này, một số lượng lớn các Nghị định, Thông tư được xây dựng, sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của cơ quan thanh tra ngành LĐTBXH, trong đó không thể không nhắc tới Nghị định số 110/2017/NĐ-CP ngày 04/10/2017 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành LĐ-TB&XH và Nghị định số 21/2016/NĐ-CP ngày 31/3/2016 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế.
Hai nghị định này có vai trò quan trọng tác động đến cơ cấu tổ chức cũng như hoạt động thanh tra trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, bổ sung cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành là Cục An toàn lao động và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, góp phần tăng cường công tác thanh tra, hạn chế sai phạm trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành.
Thứ hai, chuyên môn, nghiệp vụ của thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành LĐTBXH được trau dồi, nâng cao
Đào tạo, bồi dưỡng năng lực, trình độ cho đội ngũ thanh tra ngành LĐTBXH luôn được coi là yếu tố tiên quyết để phát huy sức mạnh nội lực của cả hệ thống thanh tra lao động, người có công và xã hội. Chính vì vậy, thanh tra ngành LĐ-TB&XH cùng với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đã dành nhiều thời gian, tâm huyết xây dựng kế hoạch đào tạo 05 năm, hàng năm cho thanh tra ngành LĐ-TB&XH.
Trong quá trình thực hiện Đề án, gần 50 lớp tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ thanh tra lao động, người có công và xã hội đã được thực hiện với sự tham gia của 1.770 công chức, thanh tra viên, củng cố và trang bị kịp thời kĩ năng thanh tra, nghiệp vụ trưởng đoàn thanh tra, những quy định mới của pháp luật ngành cho thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành qua những bộ tài liệu được biên soạn công phu từ những chuyên gia, thanh tra viên giàu trình độ, kinh nghiệm của Việt Nam, chuyên gia quốc tế đến từ ILO.
Thêm vào đó, thanh tra viên còn được chú trọng đào tạo về kĩ năng giảng dạy, kĩ năng thuyết trình nhằm xây dựng đội ngũ giảng viên thanh tra vừa có trình độ, kiến thức thực tiễn vừa có khả năng dẫn giảng, truyền đạt, chia sẻ nghiệp vụ với thanh tra viên các địa phương trên toàn quốc.
Trong khuôn khổ của Đề án, cùng với sự hợp tác với Tổ chức lao động quốc tế ILO và Chương trình BetterWork Việt Nam, 20 thanh tra viên được lựa chọn để tham gia khóa đào tạo giảng viên nguồn để sau đó thực hiện đào tạo tiếp cho các thanh tra viên khác.
Thanh tra ngành đã phối hợp với ILO cử 05 cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng thanh tra lao động do Trung tâm đào tạo của ILO tại Turin (Ý) tổ chức; 07 cán bộ tham gia các lớp tập huấn về thanh tra lao động trong ASEAN và nhiều lượt cán bộ tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế và khu vực.
Thứ ba, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thanh tra ngành LĐTBXH bước đầu được chú trọng
Các trang thông tin điện tử, phần mềm công nghệ thông tin hữu ích đã được xây dựng và đưa vào sử dụng, mang lại nhiều thuận lợi trong công tác thanh tra, có thể kể đến trang thông tin điện tử thanh tra ngành LĐ-TB&XH (thanhtralaodong.gov.vn), đây là một kênh kết nối thường xuyên nhằm hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ giữa Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở các địa phương.
Năm 2018, trang thông tin điện tử http://tukiemtraphapluatlaodong.gov.vn được xây dựng và đưa vào sử dụng trên cơ sở Thông tư số 17/2018/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH ban hành Quy chế sử dụng phiếu tự kiểm tra thực hiện pháp luật lao động.
Theo đó, thay thế phương thức truyền thống là phát phiếu tự kiểm tra đến từng doanh nghiệp qua đường bưu điện, Thanh tra Sở các địa phương hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký tài khoản và báo cáo kết quả tự kiểm tra trực tuyến.
Phương thức này đã phát huy hiệu quả trong việc giúp doanh nghiệp tự nhận diện, đánh giá và khắc phục sai phạm, đặc biệt cơ quan quản lý có thể phát hiện được số sai phạm của doanh nghiệp mà không phải thực hiện thanh tra trực tiếp.
Thứ tư, hoạt động thanh tra được nâng lên; nội dung, phương pháp thanh tra được đổi mới, hoạt động mang tính chiến lược, dài hạn, tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên, nổi cộm
Từ năm 2013 đến 9 tháng năm 2020, thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành thanh tra hành chính đối với 524 đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ trưởng, Giám đốc Sở, ban hành 3.324 kiến nghị yêu cầu các cơ quan, tổ chức, thực hiện đúng theo quy định của pháp luật; tiến hành 39.591 cuộc thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực lao động, an toàn vệ sinh lao động, dạy nghề, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người có công, bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội và các lĩnh vực khác, ban hành 187.126 kiến nghị, 7.525 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt là 119,585 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi, cắt trợ cấp 107,535 tỷ đồng.
Thanh tra ngành cũng đổi mới phương thức thanh tra qua việc áp dụng chiến dịch thanh tra hàng năm, tập trung vào những nội dung, lĩnh vực có thể phát sinh nhiều sai phạm, gây bức xúc trong dư luận đời sống để phát huy tối đa nguồn lực hiện có thay vì dàn trải thanh tra tại tất cả các lĩnh vực.
Bằng việc thực hiện Chiến dịch thanh tra lao động trong các lĩnh vực: may mặc (năm 2015), xây dựng (năm 2016), điện tử (năm 2017), khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng (năm 2018) và chế biến gỗ (năm 2019), Thanh tra ngành LĐ-TB&XH đã tạo điểm sáng trong việc kết nối giữa ba bên: Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam nhằm chung tay đẩy mạnh quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, ổn định đời sống xã hội.
Mặc dù đạt được kết quả, Đề án vẫn còn một số nhiệm vụ chưa đáp ứng mục tiêu hoặc đã triển khai nhưng hiệu quả còn chưa cao, cụ thể:
Việc tăng cường biên chế: Mục tiêu của Đề án đến năm 2020 tăng đến 1200 người. Trong điều kiện hiện nay, mục tiêu này không thể đạt được do chính sách tinh giản biên chế, theo đó, các Bộ, ngành, địa phương phải xây dựng đề án tinh giản biên chế của Bộ, ngành, địa phương mình.
Việc thí điểm các mô hình tổ chức mới, hình thành các bộ phận chuyên trách hoặc phân công phụ trách theo từng lĩnh vực: Nhiệm vụ cải cách hành chính đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải thu gọn đầu mối, tinh gọn bộ máy.
Do đó việc thành lập đại diện của Thanh tra Bộ ở một số vùng kinh tế trọng điểm để kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh trong lĩnh vực LĐ-TB&XH cũng như việc kiện toàn cơ cấu, tổ chức của Thanh tra Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng có các bộ phận chuyên trách, phân công thanh tra viên phụ trách địa bàn quận, huyện, thị xã chưa được thực hiện.
Về trang cấp các trang thiết bị, phương tiện làm việc: Các cơ quan thanh tra đã được quan tâm đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác, tuy nhiên không đồng đều ở các địa phương. Về cơ bản, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, đặc biệt là các thiết bị chuyên dụng chưa đảm bảo cho thanh tra viên hoạt động.
Có thể nói, những thành quả trên được gặt hái từ những nỗ lực của ngành LĐ-TB&XH và sự góp sức của cơ quan, đối tác trong và ngoài nước, mặc dù còn một số nội dung chưa đạt được như kì vọng của Đề án, nhưng chính là tiền đề, kinh nghiệm đáng quý để ngành LĐ-TB&XH tiếp tục xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường năng lực thanh tra ngành LĐ-TB&XH giai đoạn tiếp theo, hướng tới xây dựng đội ngũ thanh tra ngành LĐ-TB&XH kỷ cương, liêm chính, chuyên nghiệp.