1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thanh tra một loạt doanh nghiệp xuất khẩu lao động

Chánh thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Bùi Sĩ Lợi vừa ký quyết định thanh tra 13 doanh nghiệp xuất khẩu lao động trên địa bàn Hà Nội, Hải Dương, Sơn La, Phú Thọ, Bình Định, Đăk Lăk, Hà Tĩnh, TPHCM. Thời hạn thanh tra tại doanh nghiệp từ 2 đến 5 ngày, dự kiến bắt đầu từ tháng 7.

Có tất cả 7 hạng mục thanh tra, trong đó có công tác thị trường; tuyển chọn lao động; đào tạo, giáo dục định hướng; quản lý lao động; thực hiện chế độ tài chính trong hoạt động xuất khẩu lao động; tranh chấp và giải quyết tranh chấp.

Trước việc lao động phàn nàn khoản tiền nộp trước khi đi xuất khẩu lao động quá cao, đoàn thanh tra sẽ làm rõ việc thực hiện chế độ tài chính của doanh nghiệp, bao gồm: tiền đặt cọc của lao động trước khi đi; phí đào tạo, giáo dục định hướng; phí môi giới; bảo hiểm xã hội và thuế thu nhập cao (nếu có); thu phí dịch vụ xuất khẩu lao động theo nghị định 81; mức đóng góp cho quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động và các khoản thu hộ chiếu, visa, vé máy bay, trang phục, tài liệu học tập...

Để hoàn thiện các văn bản pháp luật, nhất là Luật xuất khẩu lao động đang được Bộ Lao động xây dựng, đoàn thanh tra cũng sẽ ghi nhận những bức xúc, kiến nghị từ phía doanh nghiệp.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, việc thanh tra 13 doanh nghiệp là hoạt động thường niên nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. 6 tháng đầu năm nay, thanh tra Cục đã tiến hành 7 cuộc thanh tra, 13 cuộc kiểm tra đối với doanh nghiệp và chi nhánh xuất khẩu lao động.

Kết quả, đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính Công ty Cơ khí xuất khẩu lao động Thừa - Thiên Huế, chi nhánh Hà Nội (Enlexco), xử phạt 15 triệu đồng; Liên hiệp sản xuất thương mại hợp tác xã Việt Nam (Vinahandcoop), phạt 17,5 triệu đồng. Cả hai doanh nghiệp bị phạt vì lợi dụng danh nghĩa xuất khẩu lao động để tuyển, đào tạo và thu tiền của lao động đưa đi làm việc ở Hàn Quốc khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.

Theo thanh tra Bộ, mức phạt hành chính tối đa là 20 triệu đồng với trường hợp tuyển chọn lao động xuất khẩu lao động khi không được phép.

Theo Hồng Khánh
Vnexpress