Sửa Luật Lao động: Tác động tới 30 triệu người không có quan hệ lao động

(Dân trí) - “Dự thảo sẽ tác động tới nhóm hơn 30 triệu người lao động chưa được Luật Lao động điều chỉnh, qua đó hạn chế việc lách luật, dùng tên gọi khác để “trốn” trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ đối với người lao động, như: Quy định lương tối thiểu, tiền lương làm thêm, đóng BHXH cho người lao động…”

Sửa Luật Lao động: Tác động tới 30 triệu người không có quan hệ lao động - 1

Ông Doãn Mậu Diệp - Phó Trưởng Ban soạn thảo Bộ Luật Lao động 2012 (sửa đổi), nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ với báo giới về quy định mới trong đối tượng điều chỉnh trong Dự thảo Bộ Luật Lao động 2012 (sửa đổi).

Với quy định mới, Dự thảo còn giúp bao quát hơn đối tượng điều chỉnh của Luật Lao động, qua đó tăng cường sự quản lý của Nhà nước và bảo vệ quyền lợi người lao động.

Chỉ ra bất cập, vị Phó trưởng Ban soạn thảo Dự thảo cho biết: “Nếu giữ nguyên đối tượng điều chỉnh như quy định của Luật Lao động hiện hành, hơn 30 triệu người lao động không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật. Nói cách khác là độ bao phủ của Luật hiện hành còn hạn chế”.

Sáng 23/10, tại Quốc hội, đại diện Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội sẽ trình bày về Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Đồng thời, các đại biểu quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Trên cơ sở các quy định hiện có trong Luật Lao động, ông Doãn Mậu Diệp cho rằng có thể chia thành 2 nhóm quy định, gồm: Nhóm các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện lao động và nhóm các quy định về quan hệ lao động. 

Với khoảng hơn 30 triệu lao động trong khu vực không có quan hệ lao động, Dự thảo được thiết kế nhằm tăng cường việc áp dụng nhóm các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện lao động.

“Điều này là cần thiết để đảm bảo việc kiểm soát việc lách các quy định của luật, dùng tên gọi khác để né tránh trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ của người sử dụng lao động, như: Quy định về tiền lương, trách nhiệm tham gia BHXH cho người lao động…” - ông Doãn Mậu Diệp cho biết.

Được biết, Bộ Luật Lao động hiện chỉ áp dụng với người lao động làm có hợp đồng lao động, tức là khu vực có quan hệ lao động. Nhóm này mới chiếm khoảng 1/3 trong số khoảng 54 triệu lao động trong cả nước.

Đơn cử trường hợp về mức lương trong khu vực không có quan hệ lao động. Trước kia, người lao động nhận khoán một công việc thực hiện trong 42 giờ và thậm chí không có “sàn” khi thoả thuận mức lương. Mọi việc tuỳ vào sự đàm phán của 2 bên.

“Nếu chúng ta áp dụng nhóm quy định về tiêu chuẩn, điều kiện lao động cho trường hợp trên, người lao động có thể căn cứ vào quy định tiền lương tối thiểu theo giờ như là mức khởi điểm để đàm phán tiền công trả cho mình, hạn chế bị thiệt thòi quyền lợi” - ông Doãn Mậu Diệp cho biết:

Với trường hợp về việc áp quy định điều kiện, tiêu chuẩn lao động nhằm hỗ trợ người lao động không thuộc khu vực có quan hệ lao động, ông Doãn Mậu Diệp cho biết: “Trường hợp người lao động được thuê yêu cầu phải hoàn thành trong 4 ngày. Nếu áp dụng quy định trên, họ có thể căn cứ vào quy định về ngày làm việc không quá 8 giờ để đàm phán về tiền làm thêm giờ, trường hợp này là 12 giờ, cần được nhận mức tiền công cao hơn”.

Trường hợp công việc đòi hỏi phải có trang thiết bị bảo hộ lao động, người lao động cũng có quyền yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp.

Lái xe Grab, nhân viên giao hàng, người thu phí…có được Luật Lao động điều chỉnh?

Trao đổi với PV Dân trí trước đó, ông Nguyễn Văn Bình - Vụ Phó, phụ trách Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cũng thừa nhận thực tế đang có nhiều nhóm nghề, công việc mới xuất hiện do sự phát triển của thị trường và không chịu sự điều chỉnh của Luật Lao động.

Ông Nguyễn Văn Bình nói về việc mở rộng khái niệm người lao động, hợp đồng lao động trong dự thảo sửa đổi Luật Lao động 2012

“Đơn cử như đội quân hùng hậu làm công việc giao hàng (shipper) phục vụ bán hàng onlie cho các trang thương mại điện tử. Chưa kể hàng loạt các dịch vụ thuê thu hộ tiền nước, tiền điện thoại, tiền điện, tiền internet, dịch vụ kế toán thuê, dịch vụ thợ xây…” - ông Nguyễn Văn Bình dẫn chứng.

Do vậy, Dự thảo Luật Lao động sửa đổi lần này sẽ có những điều chỉnh quan trọng để đối phó với tình hình trên.

“Đầu tiên là thay đổi định nghĩa về người lao động. Không giống như Luật hiện hành, dự thảo đã bỏ khái niệm người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Thay vào đó là người lao động làm việc theo thoả thuận với người khác, được trả lương và chịu sự điều hành giám sát của người sử dụng lao động”- Đại diện Vụ Pháp chế cho biết.

Bên cạnh đó, khái niệm hợp đồng lao động cũng được thay đổi cũng đã mở rộng phạm vi.

“Nếu tên gọi hoặc hình thức hợp đồng có thể là tư vấn, liên kết nhưng hội tụ đủ các điều kiện mới thì cũng sẽ được coi là hợp đồng lao động. Thậm chí không nhất thiết phải gọi bản cam kết đó đúng với tên là hợp đồng lao động thì mới là hợp đồng lao động” - ông Nguyễn Văn Bình cho biết.

Ước tính ban đầu của Vụ Pháp chế, chỉ riêng việc thay đổi về khái niệm người lao động và hợp đồng lao động, phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Lao động sửa đổi có thể tăng thêm từ 3 tới 5 triệu người lao động.

Phan Minh