Thanh Hóa:
Siết chặt tình trạng trẻ bị bóc lột sức lao động
(Dân trí) - Trẻ phải bỏ học để lao động kiếm sống, hành nghề ăn xin, lang thang bán hàng rong… là thực trạng không chỉ riêng ở Thanh Hóa mà diễn ra rất nhiều nơi trong cả nước.
Nhiều tình trạng lao động trẻ em
N.V.T. sinh ra ở một xã ven biển của huyện Quảng Xương. Đã 10 tuổi nhưng trông em chỉ như đứa trẻ học lớp 2 với thân hình gầy guộc, mái tóc vàng hoe. Ngày nào cũng vậy, T. thức dậy lúc 5h sáng để giúp bố mẹ bán cá, bán tôm. Nhà T. nghèo, mẹ ốm đau liên miên nên T. chỉ được học hết lớp 3.
Cùng hoàn cảnh như T., em H.T.N. ở huyện miền núi Như Thanh phải lên rừng đào măng, bắt dế... bán lấy tiền phụ mẹ nuôi em nhỏ. Mới 12 tuổi, cô bé phải tự vượt hơn 5 km đường rừng để ra chợ bán hàng.
Tình trạng trẻ lao động sớm không chỉ ở các vùng quê mà ngay tại thành phố Thanh Hóa cũng diễn ra rất phổ biến. Hình ảnh những em nhỏ lang thang đánh giầy, bán dạo tăm bông, bút, kẹo cao su hay phục vụ bàn tại quán ăn, cafe không còn xa lạ đối với người dân.
Theo tìm hiểu của PV, trên địa bàn Thanh Hóa, việc sử dụng lao động trẻ em đã khá phổ biến, tập trung nhiều nhất ở các làng nghề như Nga Sơn, Hậu Lộc, Thiệu Hóa... Thậm chí, nhiều đứa trẻ phải làm việc trong các ngành, nghề bị cấm sử dụng lao động chưa thành niên.
Đáng lưu ý, tình trạng những đứa trẻ 2-3 tuổi, những đứa trẻ khuyết tật cũng bị nhiều kẻ xấu biến thành "công cụ" nhằm lợi dụng vào lòng thương của xã hội để bán hàng, ăn xin.
Tính đến tháng 12/2020, toàn tỉnh Thanh Hóa có 936.050 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 26% tổng dân số. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 41.185 trẻ, chiếm tỷ lệ 4,4% tổng số trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Theo kết quả rà soát vào tháng 8/2019, toàn tỉnh Thanh Hóa có 115 trẻ phải bỏ học, lao động kiếm sống.
Trong đó, địa phương có số trẻ bỏ học, phải lao động kiếm sống nhiều nhất là huyện Ngọc Lặc với 23 trẻ; huyện Như Xuân với 33 trẻ; ngoài ra còn có huyện Hà Trung, Nông Cống, Quảng Xương.
Phần lớn, số trẻ trên thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo. Sau khi trẻ bỏ học phải tham gia lao động tại địa phương, phụ giúp gia đình và lao động tại các tỉnh thành khác như Hà Nội, TPHCM...
Tuy nhiên, sau khi các địa phương thống kê rà soát, tuyên truyền vận động, hỗ trợ các gia đình đưa trẻ trở lại trường thì đến cuối năm 2019, số trẻ bỏ học để lao động giảm xuống còn 70 trẻ. Đến tháng 2/2020, con số trên giảm còn 65 trẻ.
Các cấp, ngành vào cuộc
Theo bà Lê Thị Tuyết - Phó Trưởng Phòng Trẻ em và bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa), để giảm thiểu tình trạng trẻ em phải bỏ học, lao động sớm, Sở đã phối hợp với các ngành, tổ chức đoàn thể, chính quyền các cấp thực hiện rà soát, xác minh trường hợp trẻ em phải lao động sớm, lạm dụng lao động tại các địa phương để phối hợp đề xuất phương án giải quyết.
Ngoài ra, trong năm qua, Sở cũng đã thực hiện các mô hình tại địa phương như: Mô hình cung cấp các dịch vụ bảo vệ trẻ em tại 2 huyện: Thiệu Hóa, thành phố Thanh Hóa; mô hình giảm thiểu lao động trẻ em tại huyện Nga Sơn; mô hình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em… Từ đó, nhận thức của người dân được nâng lên, giảm tình trạng trẻ bị bóc lột sức lao động.
Đồng thời, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có văn bản gửi các sở, ngành, địa phương cùng đồng bộ vào cuộc ngăn chặn tình trạng trẻ bị lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc đi ăn xin, bán hàng rong.
UBND tỉnh đã yêu cầu Sở GD&ĐT rà soát, lập danh sách trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bỏ học kiếm sống, trẻ có nguy cơ cao bỏ học để có biện pháp chính sách hỗ trợ kịp thời; Sở LĐ-TB&XH tiếp nhận thông tin tố giác về các trường hợp trẻ em bị lợi dụng xin ăn, bán hàng rong để có phương án giải quyết...
Đồng thời, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giao cho lực lượng công an điều tra, phát hiện xử lý nghiêm các vụ việc có dấu hiệu lợi dụng, dụ dỗ trẻ em bán hàng, ăn xin.
Đặc biệt cần xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương khi để tái diễn tình trạng trẻ em lang thang xin ăn, bán hàng rong hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em.