Phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em, cần sự chung tay của toàn xã hội
(Dân trí) - Đuối nước cướp đi mạng sống của hơn 2.000 trẻ em mỗi năm. Để giảm thiểu tình trạng này, cần có sự chung tay của toàn xã hội.
Hơn 2.000 trẻ tử vong mỗi năm do đuối nước
Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn trẻ em đuối nước diễn ra liên tục ở một số địa phương, như: Vụ 2 em nhỏ đuối nước ở Ea H'Leo (tỉnh Đắk Lắk) chiều ngày 29/5 hay nhóm 4 em nhỏ ở thị trấn Hương Khê (Hà Tĩnh) đến tắm trên dòng sông Tiêm, không may có 2 em bị tử vong ngày 27/5... đã khiến nhiều phụ huynh vô cùng lo lắng.
Theo thống kê của Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), giai đoạn 2016-2020, trung bình mỗi năm khoảng hơn 2.000 em tử vong do tai nạn đuối nước. Tính riêng năm 2020, trên cả nước có 2.085 em tử vong do đuối nước.
Khu vực nông thôn có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao gấp gần 4 lần so với khu vực thành thị. Các vụ đuối nước trẻ em xảy ra tập trung vào những tháng hè.
Nhiều trường hợp tử vong do trẻ em tự ý đi bơi mà không có người lớn đi kèm. Có nhiều em biết bơi nhưng vẫn tử vong do bơi tại khu vực nước sâu nguy hiểm, do không lượng được sức đã xuống cứu bạn hoặc do ngã xuống ao, các hố nước sâu.
Trao đổi về vấn đề này, bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, cho biết: "Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em tại các quốc gia trên thế giới và tại Việt Nam, thuộc nhóm tai nạn thương tích".
Theo bà Vũ Thị Kim Hoa, với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ ngành, đoàn thể và hợp tác của các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước, tình hình tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là tử vong do đuối nước ở trẻ em ở Việt Nam đã giảm so với giai đoạn trước.
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em nhận định tình trạng đuối nước vẫn còn là một điểm nóng trong công cuộc bảo vệ trẻ em ở Việt Nam. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hàng nghìn trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước là nhận thức của cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ về các nguy cơ gây đuối nước còn hạn chế.
Ngoài ra, trẻ em thiếu sự giám sát, trông giữ của cha mẹ và người chăm sóc trẻ, môi trường sống xung quanh chưa an toàn, thiếu các điểm vui chơi an toàn dành cho trẻ em.
Bên cạnh đó, một số địa phương chính quyền chưa làm tốt trách nhiệm phòng, chống đuối nước trẻ em, công tác kiểm tra, thanh tra giám sát việc triển khai công tác phòng chống đuối nước còn hạn chế. Nhiều nguy cơ gây đuối nước trẻ em ở cộng đồng chậm được phát hiện.
Trách nhiệm của cả cộng đồng
Để giảm thiểu những vụ tai nạn do đuối nước, theo bà Vũ Thị Kim Hoa, trách nhiệm thuộc về cả cộng đồng. Tuy nhiên gia đình, người chăm sóc trẻ đóng vai trò quan trọng nhất.
"Trước hết các gia đình đặc biệt cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần nâng cao trách nhiệm đối với việc an toàn phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em. Quan tâm chăm sóc, giám sát, trông giữ và thường xuyên nhắc nhở trẻ em về các nguy cơ gây đuối nước, chủ động cải tạo môi trường trong nhà, xung quanh nhà và trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết" - bà Vũ Thị Kim Hoa chia sẻ.
Đối với các bộ ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, vị chuyên gia này cho rằng, cần triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, nêu cao trách nhiệm vai trò đứng đầu đối với vấn đề phòng tránh tai nạn đuối nước ở trẻ em; tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, truyền thông cộng đồng.
"Các cấp chính quyền cần đặc biệt chú trọng, bố trí nguồn lực cho công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các nguy cơ gây đuối nước; xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi thiếu trách nhiệm gây tử vong do đuối nước" - bà Vũ Thị Kim Hoa nhấn mạnh.
Theo Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, trong thời gian qua, để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em, Cục đã tham mưu để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều quyết định, chỉ thị về tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em.
Đồng thời, Cục đã kịp thời ban hành công văn chỉ đạo địa phương có các giải pháp kịp thời đối với vụ việc đuối nước trẻ em tại địa phương.
Ngoài ra, Cục đã triển khai mạnh mẽ các chiến dịch truyền thông phòng chống đuối nước ở trẻ em, nhằm cung cấp thông tin kiến thức, đảm bảo an toàn cho trẻ em trong môi trường nước, vận động cha mẹ đưa con đi học kỹ năng an toàn.
Từ những nỗ lực đó, tỷ lệ trẻ em từ 6-15 tuổi được học bơi và học kỹ năng an toàn tăng từ 10% giai đoạn 2011-2015 lên 45% giai đoạn 2016-2020. Hơn 13.800 trẻ em tại khu vực có tỷ lệ đuối nước cao được học bơi an toàn, 30.200 trẻ em được học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố đã tổ chức tập huấn cho 15.504 cha mẹ có con dưới 6 tuổi về các biện pháp nhằm hạn chế nguy cơ gây đuối nước cho trẻ; hơn 11.000 giáo viên mầm non và cộng tác viên được tập huấn về kiến thức phòng, chống đuối nước cho trẻ em, đặc biệt với trẻ dưới 5 tuổi...