1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Sau tăng lương, tiếp tục chính sách cải cách để ngăn "làn sóng" nghỉ việc

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Bộ Nội vụ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền và Quốc hội cho thực hiện cải cách chính sách tiền lương để nâng cao thu nhập cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết số 27 của Trung ương.

Đây là một trong những nội dung được đề cập trong báo cáo của Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà gửi Quốc hội về một số vấn đề đang được dư luận quan tâm, để chuẩn bị cho phiên đăng đàn trả lời chất vấn của bà hôm nay, 4/11.

Trong báo cáo, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, thời gian qua, nhiều cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc, thôi việc vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, tiền lương và thu nhập của công chức, viên chức thấp so với thu nhập của người lao động cùng trình độ làm việc trong doanh nghiệp nhà nước, khu vực tư nhân là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới "làn sóng" nghỉ việc.

Sau tăng lương, tiếp tục chính sách cải cách để ngăn làn sóng nghỉ việc - 1

Số liệu thống kê của Bộ Nội vụ cho thấy, số lượng viên chức nghỉ việc, thôi việc chiếm tỷ lệ lớn, tập trung ở hai lĩnh vực giáo dục và y tế.

Xung quanh vấn đề tiền lương, người đứng đầu Bộ Nội vụ cho hay, từ năm 2020 đến nay, tác động bất lợi của nhiều yếu tố, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 làm cho nền kinh tế và ngân sách nhà nước gặp rất nhiều khó khăn. Theo đó, tại Hội nghị 13 khóa XII (tháng 10/2020) và Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII (tháng 10/2021) đã xem xét, quyết định lùi thời điểm thực hiện việc cải cách chính sách tiền lương.

Như vậy, sau khi điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2019 (từ 1.390.000đ/tháng lên 1.490.000đ/tháng, tăng 7,19%) thì trong 3 năm (từ 2020 đến hết 2022), tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang không được cải thiện dẫn đến nhiều khó khăn trong đời sống của cán bộ công chức, viên chức.

Đến nay, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề phát sinh chưa có tiền lệ, khó dự báo; lạm phát tăng mạnh, xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia dẫn đến suy giảm kinh tế toàn cầu…

Ở trong nước, áp lực lạm phát tăng cao, giá đầu vào biến động mạnh, ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh tế, thiên tai, dịch bệnh, bão lũ diễn biến phức tạp gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Trong bối cảnh đó, Ban Cán sự đảng Chính phủ đã trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII và Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Khóa XV xem xét, điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 20,8%) từ ngày 1/7/2023 để giảm bớt khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; đồng thời, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công theo mức lương cơ sở là phù hợp.

Bộ Nội vụ cho biết, sau khi điều chỉnh tăng mức lương cơ sở, trong giai đoạn từ 2023-2025, căn cứ tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, bộ này sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan kịp thời trình Chính phủ, Trung ương và Quốc hội việc thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó thủ tướng có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng tại Kỳ họp Quốc hội thứ 4, Quốc hội Khóa XV về: Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc trong gần 3 năm trở lại đây nhất là ở lĩnh vực y tế, giáo dục; tiến độ cải cách chính sách tiền lương bị chậm lại do nhiều nguyên nhân khách quan.

Sau tăng lương, tiếp tục chính sách cải cách để ngăn làn sóng nghỉ việc - 2

Bộ Nội vụ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền và Quốc hội cho thực hiện cải cách chính sách tiền lương để nâng cao thu nhập cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương kịp thời nắm bắt, tổng hợp tình hình, thực hiện đồng bộ các giải pháp để từng bước khắc phục vấn đề này.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ, trọng dụng cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo lộ trình; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong công tác quản lý, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng cán bộ, công chức, viên chức.

Đồng thời, có cơ chế phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ có năng lực vào vị trí lãnh đạo, quản lý; đẩy mạnh việc thi tuyển lãnh đạo quản lý; khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức tham gia học tập, nâng cao trình độ, năng lực ở trong nước và ngoài nước; xây dựng môi trường làm việc công bằng, dân chủ, thân thiện, đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại, có điều kiện để thể hiện năng lực….

Đối với việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương, từ năm 2020 đến nay, do tác động bất lợi của nhiều yếu tố, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid-19, việc chuẩn bị các điều kiện để thực hiện tổng thể cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW cần được xem xét, tính toán thận trọng và có lộ trình phù hợp, để bảo đảm kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời cải thiện từng bước đời sống của người hưởng lương trong khu vực công.