"Sao con trai mặc váy lại bị... cười cợt, kỳ thị?"
(Dân trí) - "Sao con gái mặc đồ nam được khen là "ngầu", trong khi nếu con trai mặc váy hay đồ nữ lập tức bị kỳ thị, thậm chí bị gọi thẳng là... bê đê?".
Đó là câu hỏi được một nữ sinh đặt ra tại tọa đàm "Giới trong văn hóa Việt Nam - Thuần phong mỹ tục hay gọng kìm?" do Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tổ chức.
Theo nữ sinh này, khi nhắc đến bất bình đẳng giới, nhiều người thường nghĩ ngay đến nữ giới là nạn nhân. Vậy nhưng, cô nhìn thấy nam giới là nạn nhân của bất bình đẳng ngay từ việc... ăn mặc.
"Nữ giới mặc đồ nam thoải mái, còn được khen là phong cách, "ngầu". Nhưng ngược lại, con trai mặc váy, mặc đồ nữ lập tức bị kỳ thị, thậm chí bị gọi là "bê đê". Tại sao lại bất bình đẳng như vậy?", cô nữ sinh đặt câu hỏi.
Thạc sĩ Phù Khải Hùng - Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ - chia sẻ, một số học trò nam của ông xăm chân mày, tô chút son là nghe người xung quanh nói thẳng "bê đê", "trổ bóng" chứ không chỉ dừng lại ở chê bai. Trong khi các bạn nữ phục sức, biểu hiện giới như một bạn nam lại được xem là ngầu, phong cách.
Theo ông Hùng, nguyên nhân liên quan đến khái niệm về giới. Khi nói về giới tính là phân biệt rạch ròi nam - nữ hoặc gọi đến tận cùng ngôn ngữ là con đực - con cái.
Ba dấu hiệu để phân biệt nam - nữ gồm nhiễm sắc thể giới tính, dấu hiệu của bộ phận sinh dục và hóc môn sinh dục.
Còn việc gọi một người phụ nữ hay một người đàn ông thông qua phục sức bên ngoài, ông Hùng cho rằng đó là sự phân chia giới về mặt xã hội. Khi nói về giới, có thuật ngữ bản dạng giới được định nghĩa cách ăn mặc, phục sức của một người là cái một người nghĩ về mình là nam hay nữ.
Chưa cần nói người nam mặc váy, chỉ cần họ mặc áo dài là đã bị nhìn... khác. Lý do là khi đó người này đang làm sai kỳ vọng của xã hội đặt trên giới với mọi người.
Vấn đề thứ 2, ông Hùng cho hay, phụ nữ cắt tóc, mặc đồ nam còn được xem là "ngầu" vì mọi người xem chuyện đó không quan trọng.
Còn người đàn ông thì khác, họ gắn với sự nam tính, mạnh mẽ. Trong quá khứ lịch sử, thông qua hình thái kinh tế xã hội, người nam gắn với vấn đề kinh tế và đặc biệt gắn với việc duy trì nòi giống. Việc duy trì nòi giống được nhìn nhận phải mạnh mẽ mới thu hút được con cái.
"Bởi vậy, những người chuyển giới nữ luôn phải gánh chịu nhiều sự khó chịu từ xã hội", thạc sĩ Phù Khải Hùng bày tỏ.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Phạm Thị Thùy Trang - Phó trưởng khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM - cho hay, tính cá nhân của các bạn trẻ hiện nay cao hơn thế hệ trước, các bạn thấy mình muốn cái gì thì sẽ làm điều đó.
Thế hệ trước làm gì cũng thường nghĩ về cộng đồng, nghĩ về người khác xem người ta nghĩ gì trước khi nghĩ về chính mình. Đây là một quá trình xã hội hóa về giới, đã chỉ cho họ phải làm cái này cái kia theo chuẩn mực con gái, con trai.
"Thế hệ của tôi con gái chơi bóng rổ, đá banh sẽ bị nói, bị phản ánh. Bây giờ, không phải điều này không còn nhưng các bạn trẻ đã ở tâm thế "ai nói mặc ai", các bạn sẽ làm những điều mình thích. Các bạn tự xác định bản dạng giới "mình là ai" trong không gian nhất định nào đó", bà Trang nói.
Theo bà Trang, nhiều bạn trẻ trong khuôn khổ gia đình không bộc lộ ra nhưng khi xa nhà, đi học đại học, họ thể hiện rõ từ tóc tai, quần áo đến cách ứng xử, quan hệ xã hội. Các bạn trẻ hiện nay tôn trọng tính cá nhân của mình nhiều hơn.
Số đông nam sinh đồng ý "đàn ông phải mạnh mẽ"
Nghiên cứu mới nhất của SaigonChildren's Charity về những thách thức mang yếu tố giới đối với trẻ em gái tại Việt Nam cho thấy, những chuẩn mực và kỳ vọng về mặt văn hóa truyền thống liên quan đến đặc tính vai trò của nam và nữ đã ăn sâu vào xã hội Việt Nam. Những định kiến giới này được củng cố bởi các yếu tố xã hội, văn hóa và kinh tế.
Có 63% các bạn tham gia khảo sát từng nghe đến nhận định "phụ nữ phải dịu dàng, nhu mì" thì có đến 53% đồng ý với nhận định này. Tương tự, 53% biết đến quan điểm "đàn ông phải mạnh mẽ" thì có đến 65% trong số này đồng ý quan điểm này, đặc biệt có tới 74% nam sinh đồng ý.
Theo các nhà bình đẳng giới, những nhận định mang định kiến giới được lan truyền rộng rãi trong học sinh, sinh viên có thể ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách và giáo dục cũng như nghề nghiệp của họ.