1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Rút thời gian đóng bảo hiểm 5-10 năm, triệu người hưởng lương hưu sớm

Quang Phong

(Dân trí) - Để tránh tình trạng hưởng BHXH một lần và thu hút nhiều người tham gia, đại biểu Quốc hội đề nghị rút ngắn thời gian đóng BHXH từ 20 năm như hiện nay xuống còn 15 năm, thậm chí 10 năm.

Với hơn 110 ý kiến thảo luận tại tổ và hội trường về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020, cho thấy sự quan tâm của đại biểu và cử tri, nhân dân đối với vấn đề này.

Theo đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp), để thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết 28 năm 2018 của Trung ương đã đề ra về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội cần có những giải pháp cả về chính sách và tổ chức thực hiện một cách mạnh mẽ để gia tăng tỷ lệ bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh nhận định, "dư địa" từ khu vực này còn lớn. Cụ thể trong năm 2020, cả nước có 16,176 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng gần 400.000 người so với năm 2019 và chiếm 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Nhưng mức đóng và số tiền đóng bảo hiểm xã hội không cao, chủ yếu người tham gia chọn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện ở mức chuẩn nghèo nông thôn 700.000 đồng một tháng. Mặt khác, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn khá khiêm tốn, mới đạt 2,31% tổng lực lượng lao động trong độ tuổi của đất nước. 

Đại biểu đoàn Đồng Tháp đề nghị thời gian tới, cần sớm xem xét điều chỉnh về quy định chính sách, rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và đa dạng hóa hình thức tham gia, nhất là có những phương thức và cách tính theo giá trị dòng tiền, tạo sự hấp dẫn thu hút ngày càng nhiều người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Rút thời gian đóng bảo hiểm 5-10 năm, triệu người hưởng lương hưu sớm - 1

Phiên thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (Ảnh: Quốc Chính).

Từ điểm cầu Đà Nẵng, đại biểu Nguyễn Duy Minh nêu kiến nghị nghiên cứu sớm sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng chế độ từ 20 năm xuống 15 năm, tiến đến còn 10 năm như theo Nghị quyết 28.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh cũng nghiên cứu có gói bảo hiểm xã hội ngắn hạn với mức đóng, mức hưởng phù hợp, nhất là đối với công nhân lao động. Bởi theo đại biểu, vì nhiều nguyên nhân khác nhau như về quê, chuyển đổi ngành nghề hoặc khó khăn về tài chính nên nhiều người không thể tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội.

"Thực tế, công nhân lao động thường làm việc trong một khoảng thời gian ngắn, khoảng tầm 5 năm đến 10 năm. Điều này dẫn đến tình trạng bán sổ bảo hiểm xã hội như những năm qua và việc này cũng hạn chế việc gia tăng tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần", đại biểu Nguyễn Duy Minh nói.

Đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) đề nghị sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 theo hướng quy định linh hoạt hơn nhằm giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ ốm đau và thai sản cho cả người sử dụng lao động và người lao động. Điều này giúp Chính phủ linh hoạt trong quá trình điều hành thuận lợi, điều chỉnh mức đóng cho cả doanh nghiệp và người lao động vẫn bảo đảm thực hiện các chế độ, bảo đảm cân bằng quỹ.

Rút thời gian đóng bảo hiểm 5-10 năm, triệu người hưởng lương hưu sớm - 2

Đại biểu Nguyễn Hải Anh đề nghị rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Cho ý kiến tại phiên họp tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, một trong những nhu cầu quan trọng nhất hiện nay là phải khẩn trương xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, kèm theo đó là Luật Việc làm. Việc sửa đổi sớm sẽ quản lý tốt hơn số lượng người hưởng BHXH một lần.

"Vì hiện nay, chúng ta quy định 20 năm đóng mới được hưởng chế độ hưu trí, trong khi Nghị quyết 28 của Trung ương yêu cầu phải rút ngắn thời gian này lại. Hướng lộ trình đầu tiên có thể xuống 15 năm, thậm chí có thể tiến tới 10 năm.  "Nếu người lao động đóng BHXH mà chỉ chờ từ 10 đến 15 năm thì người ta còn theo đuổi tiền lương hưu về già", ông Vương Đình Huệ nói.

Nếu như năm 1998, kết dư quỹ bảo hiểm mới là 7.500 tỷ đồng, thì đến hết năm 2020, quy mô quỹ đã tăng gấp 120 lần - kết dư gần 1 triệu tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng của quỹ bảo hiểm xã hội bình quân năm sau cao hơn năm trước là 20%. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, các quỹ ngắn hạn cơ bản vừa đáp ứng các mục tiêu, các chính sách và kết dư tương đối an toàn.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, phiên họp Chính phủ vào cuối tháng sẽ bàn về nội dung Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Thể chế hóa Nghị quyết 28, Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm, trong đó một số nội dung đã được thực hiện như điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, vấn đề điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối với ngân sách nhà nước. 

Những vấn đề được đại biểu nêu như sửa đổi giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội mức tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới có thể là 10 năm; phát triển nguyên tắc bảo hiểm theo hướng đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng công bằng, bình đẳng, và làm sao mà phát triển bền vững… cũng được tập trung giải quyết.