Quảng Nam: Nhiều gia đình trẻ ở miền núi xin được thoát nghèo
(Dân trí) - Huyện miền núi Tây Giang (Quảng nam) là điểm sáng trong việc giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo từ 84,64 (năm 2003) giảm còn 32,53% (năm 2020). Nhiều gia đình trẻ tự nguyện viết đơn xin được thoát nghèo.
Câu chuyện xin được thoát nghèo bắt đầu từ những hộ gia đình trẻ. Từ chỗ suốt ngày làm bạn với rượu, trông chờ vào sự cứu trợ của Nhà nước. Nhưng nay nhiều thanh niên từ bỏ rượu để làm bạn với cái cuốc, cái rựa hăng say làm việc để kiếm tiền, mong sớm thoát nghèo bền vững.
Gia đình anh Alăng Bôn (thôn Nal, xã Lăng) là một điển hình về chuyện xin thoát nghèo. Lập gia đình với hai bàn tay trắng, nay anh có cơ ngơi bài bản với ngôi nhà gỗ ba gian vững chãi, có ti vi, tủ lạnh, xe máy. Anh được bà con trong thôn quý mến vì tính cần cù, chịu khó, không rượu chè, thuốc lá và biết lo làm ăn.
Khi chúng tôi đến, không gặp anh được vì tranh thủ lúc nông nhàn đã xuống Đà Nẵng phụ hồ, kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Vợ anh - chị Agiêng Thị Bing - tuy con nhỏ nhưng ở nhà đảm đang mọi việc. Từ chăm sóc con nhỏ đến việc thu hoạch mủ cao su, chăm sóc đàn bò…
Chị không ngần ngại chia sẻ: "Khi mới tách hộ, gia đình khó khăn lắm, nhưng với sự trợ giúp của chính quyền địa phương, đến nay gia đình mình đã có vườn keo lai hơn 5ha, vườn ba kích 2,4ha và 2ha cây cao su đang vào mùa thu hoạch mủ. Ngoài ra, gia đình còn đầu tư nuôi 7 con bò và 1 ao cá với trên 3 nghìn con".
Theo chị Giêng, cây cao su và cây keo, đặc biệt là cây sâm ba kích rất phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện tự nhiên ở địa phương, được xem là cây xóa đói giảm nghèo vì giá trị kinh tế mà nó đem lại rất cao so với các cây trồng khác.
Bà Bling Thị Xất - Phó Chủ tịch xã Lăng - cho biết, thôn Nal có 162 hộ, hầu hết những hộ này đã thoát nghèo bền vững và đặc biệt hơn là 80% số hộ đều trồng cây cao su, keo và sâm ba kích. Để có được những thành quả này, hơn hết là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương; sự hướng dẫn tuyên truyền của cán bộ huyện, xã, thôn... từ đó, người dân hiểu và làm theo.
Theo thống kê của UBND huyện Tây Giang, từ năm 2017-2019, toàn huyện có 288 hộ xin thoát nghèo bền vững. Năm 2020, 203 hộ đăng ký thoát nghèo.
"Tôi rất mừng khi chứng kiến nhiều thanh niên trẻ bỏ rượu chè, lo làm ăn. Họ đã đến UBND xã tự giác đăng ký thoát nghèo đó", bà Xất nói.
Ở xã Dang, có nhiều hộ gia đình trẻ trở nên khá giả nhờ biết cách làm kinh tế. Anh Rađêl Vui (thôn Tưr) là hộ dân tiêu biểu trong việc xây dựng thành công với mô hình nông nghiệp khép kín từ trồng trọt chăn nuôi tập trung kết hợp với làm thêm nghề đan lát truyền thống.
Anh Vui chia sẻ, năm 2014 khi mới tách hộ, đời sống vô cùng khó khăn. Năm 2018, được Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay 50 triệu đồng, anh mua máy cày để làm lúa nước, máy cắt cỏ để phục vụ cho việc chăm sóc cây keo lai. Hiện gia đình anh có 8ha keo đang trong thời kỳ thu hoạch và nhiều loại cây ăn quả khác.
Đặc biệt, anh còn mạnh dạn đào ao nuôi cá trắm cỏ, cá chim vừa phục vụ cho gia đình vừa bán cho bà con. Hằng năm gia đình anh thu nhập trên 60 triệu đồng. Ban đêm thì anh đan lát bán cho các Hợp tác xã mây tre. Hiện gia đình anh đã làm được ngôi nhà gỗ khang trang, sắm được ti vi, tủ lạnh. Con cái anh được học hành bài bản, có người tốt nghiệp đại học.
Trước đây, gia đình anh Zơrâm Nên (thôn A chiing, xã Atiêng) cũng như những gia đình khác ở đây có thói quen sản xuất theo tập quán cũ, dù làm cật lực nhưng cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám mãi. Sau nhiều lần suy nghĩ, anh quyết định chọn nghề mộc để học. Sau hai năm học nghề anh về lại quê và được Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay vốn phát triển nghề.
Lúc đầu cơ sở mộc của anh thành lập với quy mô nhỏ, chỉ sản xuất hàng mộc dân dụng quy mô nhỏ (giường, tủ, bàn, ghế). Sau đó, anh anh vận động cac anh em trong thôn tham gia vào tổ thợ của mình và mở rộng quy mô sản xuất và nhận thi công nhà ở cho bà con trên địa bàn huyện.
Hằng năm gia đình anh thu nhập cả 100 triệu đồng, năm 2019 anh viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo, không chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước nữa.
Có thể nói công tác giảm nghèo ở Tây Giang có những chuyển biến tích cực, ngày càng xuất hiện nhiều hộ gia đình trẻ tự giác vươn lên làm giàu ngày chính trên mảnh đất quê hương của mình.
Tiêu biểu như hộ anh Bríu Bhới, Alăng Nha (xã Ch'Ơm), hộ anh Nguyễn Đình Thép, Coor Tân, Zơrâm Tuấn (xã Tr'Hy). Hộ Alăng Bương, Rađêl Vui, (xã Dang), hộ anh Arất Blớp, Bríu Ngôn (xã A Vương), hộ anh Alăng Bôn, Cơlâu Diêm (xã Lăng); hộ anh Zơrâm Nên, Pơloong Hệ, Blúp Nè (xã A Tiêng)…
Trao đổi với phóng viên, ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - cho hay, con đường giảm nghèo ở Tây Giang còn nhiều gian nan và thách thức và thiếu tính bền vững. Ví dụ chỉ cần một trận lũ lụt như vừa rồi thì nguy cơ tái nghèo rất cao vì ruộng, nương vườn cây trái bị sạt lở, vùi lấp hết.
Hiện nay, trước mắt là khôi phục lại tuyến đường từ trung tâm huyện lên 4 xã vùng biên giới bị sạt lở vừa rồi cùng các tuyến đường khác để hàng hóa của bà con lưu thông. "Căn bản vẫn phải là tạo công ăn việc làm cho bà con. Có công ăn việc làm, thu nhập của bà con ổn định và đây là cách thoát nghèo tốt nhất", ông Bhling Mia nói.