TPHCM:
Phòng trọ công nhân nghèo, trộm đột nhập ung dung ngồi... ăn cơm, trái cây
(Dân trí) - "Nhà chị hàng xóm đi làm thợ hồ, khóa của kỹ nhưng trộm vẫn đập khóa vào nhà lục lọi. Trộm còn bình tĩnh ngồi ăn cơm, ăn sạch trái cây trong nhà..." - Chị Trang kể về việc xóm trọ bị trộm đột nhập.
Gần 10 năm lên TPHCM mưu sinh, chị Mai Thị Hoa Trang (35 tuổi, quê Trà Vinh, ngụ quận Bình Tân) luôn phải sống trong sợ hãi vì trộm. Căn phòng trọ nghèo nàn của chị Trang chỉ gồm vài vật dụng cũ kỹ nhưng trộm cũng không bỏ qua.
"Tôi làm công nhân, đi làm cả ngày nhưng lúc cũng nào cũng nơm nớp lo sợ. Cái cửa này nó cạy như chơi. Vừa rồi, nhà chị hàng xóm đi làm thợ hồ, khóa của kỹ nhưng trộm vẫn đập khóa vào nhà lục lọi. Nó còn bình tĩnh ngồi ăn cơm, ăn sạch trái cây trong nhà...", chị Trang kể lại.
Ngoài bất an vì trộm, chị Trang cho biết, một số xóm trọ còn bị người nghiện ma túy đến đập cửa lúc nửa đêm để "xin đểu". Nhiều đêm "con nghiện" vừa đập cửa vừa kêu la inh ỏi khiến hai vợ chồng chị Trang không thể chợp mắt.
"Tôi có chồng ở chung nên còn đỡ lo, nhiều chị em ở một mình thì sợ chết khiếp", chị Trang than thở.
Cùng hoàn cảnh trên, chị Lưu Thu An (42 tuổi, ngụ quận Tân Phú) than thở: "Cách đây vài năm tôi đi vay gần 10 triệu để gửi về quê cho gia đình lo công việc. Chưa kịp gửi thì đêm trộm đột nhập lấy hết tiền, điện thoại. Hai vợ chồng khóc gần một tuần, mất ăn mất ngủ luôn".
Chị An kể, công nhân đi ở trọ hầu hết đều trải qua cảnh bị trộm. Nguyên do, các phòng trọ công nhân được xây dựng khá tạm bợ để cho thuê giá rẻ. Cửa các khu phòng trọ chỉ cần đạp mạnh là có thể bung. Mặt khác, công nhân thường rời phòng từ sáng sớm đến tận khuya mới trở về nên trộm cũng dễ dàng đột nhập, chôm chỉa.
"Tôi khuyên các chị em công nhân nên thuê các khu trọ đảm bảo an ninh để ở, dù giá cao hơn một chút nhưng cũng an toàn hơn. Chị em cũng không nên trữ tiền, tài sản đắt tiền trong phòng để tránh bị dòm ngó", chị An chia sẻ.
Rời quê nhà Quảng Bình, chị Hoàng Thị Kỷ (49 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) vào TPHCM tha hương đã 11 năm. Hiện, chị Kỷ cùng 2 con trai sống chật vật trong căn phòng trọ chừng 10m2, đồ dùng duy nhất có giá trị là cái bếp ga cũ và chiếc tủ lạnh "hết thời". Tuy vậy, "đạo chích" vẫn thường xuyên "ghé thăm".
"Bị trộm hoài nên sống cũng bất an. Phòng trọ có gì đâu mà tụi trộm vẫn đến. Tôi cũng chẳng có ý định sắm sửa gì thêm, đồng lương công nhân ít ỏi, tiền đâu mà mua...", chị Kỷ tâm sự.
Chị Kỷ nhớ lại, khi chị có bầu cậu con trai út thì chồng bỏ đi biệt tích. Từ đó, chị phải một mình mưu sinh ở TPHCM để nuôi 2 con. Do quá khó khăn, con lớn của chị Kỷ đã phải nghỉ học giữa chừng để vào TPHCM làm công nhân kiếm tiền. Tưởng chừng hai mẹ con đi làm thì sẽ ổn hơn, nhưng thực tế không dễ dàng như chị nghĩ.
"Giờ tôi chỉ mong có sức khỏe để đi làm sống qua ngày. Nếu có một điều ước, tôi ước có được nơi trú ngụ an toàn và sáng sủa hơn đôi chút..." - chị Kỷ nói.
Tội phạm táo tợn, tinh vi hơn khi TPHCM nới lỏng giãn cách
Phòng Tham mưu Công an TPHCM vừa phát đi thông tin cảnh báo người dân đề phòng các loại tội phạm khi thành phố thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội. Theo đó, các loại tội phạm xâm phạm sở hữu như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trộm cắp, cướp giật, cướp tài sản sẽ gia tăng hoạt động trở lại với thủ đoạn tinh vi, manh động, liều lĩnh hơn.
Các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh và chủ nhà trọ phải chủ động giữ gìn tài sản, gia cố trần, vách, cửa sổ, cửa chính, lỗ thông gió; đóng, khóa cửa cẩn thận; bố trí người trông coi để tránh kẻ gian lợi dụng sơ hở, trộm cắp.
Người dân cảnh giác thủ đoạn dàn cảnh hỏi thăm đường, va quẹt xe, gây gỗ, đánh nhau nhằm đánh lạc hướng để ra tay cướp giật tài sản. Trường hợp có tình huống cướp xảy ra, người dân cần bình tĩnh ghi nhớ đặc điểm nhận dạng, loại xe, biển số xe của đối tượng và nhanh chóng trình báo công an.
Theo Trung tá Nguyễn Ngọc Hải, Trưởng Công an phường Hiệp Bình Phước (TP Thủ Đức), tình hình tội phạm trên địa bàn giảm rõ rệt vì người dân bị hạn chế đi lại trong 4 tháng thực hiện giãn cách.
Tuy nhiên, khi thành phố nới lỏng giãn cách, một số người dân có tư tưởng chủ quan đã tạo sơ hở cho các đối tượng cơ hội trộm cắp tài sản. "Các đối tượng phạm tội bị ảnh hưởng trong thời gian giãn cách sẽ tìm mọi cách để chiếm đoạt tài sản, lấy tiền tiêu xài cá nhân", Trung tá Hải nhận định.
Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM yêu cầu công an các đơn vị, địa phương đảm bảo an ninh trật tự khi thành phố điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời tham mưu các chủ trương, giải pháp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ vững trật tự an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.