Phát trực tiếp cảnh tự tử tạo thành trào lưu độc hại

Hải Hà

(Dân trí) - Là một trong những quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới, nhà chức trách Hàn Quốc lo ngại trước trào lưu nguy hiểm, các thanh niên phát sóng trực tiếp cảnh tự sát trên mạng xã hội.

Những cái chết từ "phòng trưng bày trầm cảm"

Tại quốc gia có tỷ lệ tử tự cao nhất thế giới như Hàn Quốc, một xu hướng mới xuất hiện đang nổi lên trở thành trào lưu độc hại - phát sóng trực tiếp các vụ tự sát lên mạng xã hội.

Ngày 16/4, một thanh niên nước này đã chia sẻ cảnh tự sát trên trang cá nhân Instagram. Đoạn video lan truyền nhanh chóng. Cái chết của cô gái đánh dấu trường hợp đầu tiên được biết tới tại "xứ sở kim chi".

Phát trực tiếp cảnh tự tử tạo thành trào lưu độc hại - 1

Nữ ca sĩ Goo Hara nổi tiếng tại Hàn Quốc đã tự sát vì trầm cảm (Ảnh minh họa: DW).

Chưa dừng lại ở đó, ngày 5/5, hai cô gái ở độ tuổi thiếu niên may mắn được cảnh sát kịp ngăn chặn trước khi cố gắng "kết thúc cuộc đời", phát trực tiếp quá trình này trên mạng xã hội.

Theo điều tra ban đầu từ cảnh sát, cả 3 trường hợp trên cùng có đặc điểm chung là những người tìm cách quyên sinh đều hoạt động rất tích cực trên một diễn đàn trực tuyến với tên gọi "Phòng trưng bày trầm cảm".

Các quan chức và chuyên gia nhận định, việc kiểm duyệt nội dung phát sóng trực tiếp trên mạng xã hội là thách thức phức tạp, trong khi đó các hội nhóm độc hại lại có xu hướng gia tăng.

Park Ji-hyun, cựu đồng lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập Hàn Quốc cho rằng, phải đóng cửa sớm những hội nhóm hay diễn đàn nguy hiểm như "Phòng trưng bày trầm cảm".

"Hàn Quốc là nước có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Thanh thiếu niên có xu hướng tìm kiếm việc giải khuây trong các diễn đàn trực tuyến khi bị cạnh tranh khốc liệt và bị đẩy ra rìa xã hội. Việc bảo vệ các em để tránh rơi vào các hội nhóm kiểu này càng trở nên khó khăn hơn", ông Park đưa ra quan điểm trên trang cá nhân.

Các cảnh sát cho biết, diễn đàn "Phòng trưng bày trầm cảm" do một tài khoản ẩn danh có tên DC Inside quản lý. Diễn đàn thành lập năm 2015 với mục đích ban đầu giúp người tham gia vượt qua trầm cảm bằng cách chia sẻ cảm xúc lên mạng xã hội.

Tuy nhiên sau này, diễn đàn đang có xu hướng trở thành nơi những người lạ kết nối với nhau, cùng lên kế hoạch tự sát hoặc thậm chí bóc lột tình dục trẻ vị thành niên dễ bị tổn thương.

Phát trực tiếp cảnh tự tử tạo thành trào lưu độc hại - 2

Tỷ lệ tự tử cao đang trở thành vấn nạn nhức nhối ở Hàn Quốc (Ảnh: Korea Herald).

Sau vụ tự sát hồi tháng 4 vừa qua, các cảnh sát đã bắt giữ một nhóm gồm 4 người trên diễn đàn với tội danh "hỗ trợ tự sát" và vi phạm đạo luật ngăn chặn tự sát.

Tại cơ quan điều tra, nghi phạm khai nhận đã đăng tải tin nhắn lên diễn đàn với nội dung "tìm người cùng tự sát". Cả hai gặp gỡ nhau, vạch ra kế hoạch "kết thúc cuộc đời" vào ngày xảy ra vụ việc. Tuy nhiên, chỉ có cô gái thực hiện hành vi tự sát, còn nghi phạm thì dừng tay.

Nhóm 4 thanh niên bị bắt giữ đều ở độ tuổi 20, còn bị cáo buộc tấn công tình dục một số thiếu nữ tuổi vị thành niên.

Dù cảnh sát đã yêu cầu Ủy ban tiêu chuẩn truyền thông Hàn Quốc (KCSC) chặn quyền truy cập diễn đàn, nhưng tới ngày 9/5, người dùng vẫn có thể truy cập. Lý do được KCSC đưa ra là "cần thêm thời gian để xem xét".

Xu hướng mới nổi thành trào lưu nguy hiểm

Tự sát ở độ tuổi thanh thiếu niên đang trở thành vấn nạn tại Hàn Quốc. Theo cơ quan thống kê, tỷ lệ tự tử trong năm 2021 của người dưới 17 tuổi là 2,7/100.000 người, cao nhất kể từ năm 2000 đến nay.

Cũng theo kết quả điều tra, tự tử chiếm 43,7% trong số ca tử vong của những người độ tuổi từ 10 đến 19 tuổi, 56,8% người từ 20 đến 29 tuổi và 40,6% người từ 30 đến 39 tuổi.

Phát trực tiếp cảnh tự tử tạo thành trào lưu độc hại - 3

Giới trẻ Hàn Quốc chịu nhiều áp lực và cạnh tranh khốc liệt (Ảnh: Times).

Nhìn chung, trong số các nước thành viên OECD, Hàn Quốc ghi nhận tỷ lệ tự sát cao nhất. Nguyên nhân dẫn tới vấn nạn này đã được các chuyên gia phân tích.

Theo Hankyoreh, tình trạng cô đơn lâu ngày là một trong những lý do khiến con người có ý định kết thúc mạng sống. Song Min-kee, nhà nghiên cứu tại Viện Tài chính Hàn Quốc cho hay, xu hướng tự tử gia tăng khi nền kinh tế hoạt động kém.

Ông Kwon Jun-soo, giáo sư tâm thần học tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul nhận định, hầu hết người dân Hàn Quốc dù giàu hay nghèo "đều cho rằng bản thân không hạnh phúc".

Một số chuyên gia cũng giải thích, các nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ tự tử cao ở Hàn Quốc còn bao gồm áp lực tại trường học, công sở, cạnh tranh khốc liệt trong xã hội, xấu hổ khi tìm kiếm thông tin điều trị chứng trầm cảm và thiếu bảo trợ xã hội cho người cao tuổi.

Theo www.koreaherald.com