1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Phát hiện hơn 2.200 trẻ em bị xâm hại trong năm 2020

Phạm Công

(Dân trí) - Trong năm 2020, toàn quốc phát hiện 2.208 trẻ em bị xâm hại, giảm 109 em so với năm 2019, tuy nhiên tình hình xâm hại trẻ em vẫn còn diễn biến phức tạp.

Diễn biến còn phức tạp

Theo thống kê của Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), trong năm 2020 toàn quốc phát hiện 2.208 trẻ em bị xâm hại, giảm 109 trường hợp so với năm 2019. Trong đó, 1.576 em bị xâm hại tình dục và 432 trẻ em bị xâm hại dưới các hình thức khác.

Thời gian gần, đây tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra ở nhiều địa phương với các hành vi như bạo lực học đường, hiếp dâm, dâm ô, xâm hại tình dục trẻ em…Mới đây nhất là vụ cháu bé 12 tuổi ở quận Hà Đông (Hà Nội) bị mẹ ruột và người tình của mẹ xâm hại gây bức xúc trong xã hội.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Hoa - Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em (Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: "Qua các con số được thống kê, số vụ xâm hại trẻ em trên cả nước năm 2020 có xu hướng giảm. Tuy nhiên theo nhận định của chúng tôi, tình trạng xâm hại trẻ em vẫn còn diễn biến rất phức tạp và gây nhức nhối trong xã hội".

Phát hiện hơn 2.200 trẻ em bị xâm hại trong năm 2020 - 1

Việc tăng cường kiến thức tự bảo vệ cho trẻ em trên môi trường mạng cần được chú trọng

Theo bà Nguyễn Thị Kim Hoa, đối tượng xâm hại trẻ em rất đa dạng, có trình độ, tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau, nhiều đối tượng có mối quan hệ thân cận với trẻ như cha mẹ, ông bà hay những người dạy dỗ trẻ.

Xâm hại trẻ em cũng thường xảy ra ở các gia đình "khiếm khuyết" như bố mẹ ly hôn, không có thời gian quan tâm chăm sóc con cái. Điều này khiến cho công tác phát hiện, xử lý và ngăn chặn gặp nhiều khó khăn.

"Qua con số thống kê cho thấy tín hiệu khả quan nhưng, mức độ nghiêm trọng lại có dấu hiệu tăng lên. Nhiều trường hợp trẻ bị xâm hại ngay cả trong môi trường tưởng như an toàn là gia đình, trường học và bị xâm hại bởi chính người thân của mình. Những trường hợp này thường rất khó phát hiện" - bà Nguyễn Thị Kim Hoa cho biết thêm.

Vẫn còn... ngại tố cáo

"Qua theo dõi, số vụ được phát hiện, được phản ánh có giảm nhưng thực tế, những biểu hiện bạo lực, xâm hại mà gia đình hoặc trẻ em không dám tố cáo, người dân xung quanh không phát hiện được vẫn còn nhiều trong xã hội" - bà Nguyễn Thị Kim Hoa thông tin.

Hiện nay, nhiều người lớn vẫn còn chưa hiểu biết về Luật Trẻ em và trẻ em còn ít cơ hội tiếp cận thông tin về quyền của mình. Số trẻ em và tỷ lệ cha mẹ có kiến thức về xâm hại còn thấp.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Hoa, cần chú trọng việc đầu tư và huy động nguồn lực xã hội tham gia phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, làm tốt công tác phối hợp liên ngành, bố trí kinh phí hợp lý cho công tác này.

Điều này cho thấy dù đã có một hành lang pháp lý rất vững chắc về chăm sóc, bảo vệ trẻ em nhưng việc hiện thực hóa những văn bản pháp luật vào công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em vẫn còn nhiều khó khăn.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Hoa, để phòng tránh và giảm thiểu tình trạng xâm hại trẻ em, Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đã và đang tăng cường phổ biến pháp luật, truyền thông nâng cao nhận thức cho trẻ em, người thân và toàn xã hội.

"Chúng tôi xây dựng nhiều tài liệu mẫu dành cho những đối tượng như: Trẻ em, cha me, người chăm sóc trẻ và cả cán bộ công nhân viên chức của những ngành có liên quan như giáo dục, các cơ sở trợ giúp… để tăng cường công tác ngăn chặn xâm hại trẻ em" - Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em thông tin.

Ngoài tuyên truyền cũng cần tổ chức các khóa đào tạo và tập huấn và phát triển những mạng lưới liên kết việc bảo vệ trẻ em tại cộng đồng. Đồng thời, thay đổi nhận thức của người dân về việc "yêu cho roi cho vọt" mà dùng phương thức giáo dục khác đối với con trẻ.

Hơn nữa, các ngành chức năng và các địa phương có giải pháp tạo sự chuyển biến căn bản trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em.  

Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề và xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu không chấp hành nghiêm hoặc vi phạm pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em cần được tăng cường hơn.