Phấn đấu đến 2030, 60% lao động Việt Nam có bảo hiểm xã hội
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Việt Nam phấn đấu mở rộng diện bao phủ tham gia BHXH đến năm 2025 khoảng 45% người lao động tham gia, năm 2030 đạt 60%; bao phủ BHYT toàn dân.
Định hướng này được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh tại cuộc gặp với ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu, chiều 17/1.
Việt Nam sẽ là quốc gia tiên phong về an sinh xã hội
Tại cuộc gặp, ông Bernd Lange đánh giá cao triển vọng trong việc hợp tác giữa EU và Việt Nam, bên cạnh đó ông cũng rất ấn tượng với tiềm năng, khả năng hợp tác của hai bên.
Trong chuyến thăm Bộ LĐ-TB&XH lần này, ông Bernd Lange mong muốn được nghe lãnh đạo Bộ trình bày tình hình triển khai Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), đặc biệt là tiến độ thực thi các cam kết quốc tế về lao động trong Hiệp định.
Vấn đề khác được ông Bernd Lange quan tâm đó là việc thực hiện các công ước của ILO mà Việt Nam đã gia nhập và kế hoạch phê chuẩn Công ước số 87 mà hai bên kỳ vọng sẽ thông qua vào năm 2023.
Đoàn Nghị viện châu Âu cũng kiến nghị lãnh đạo Bộ thúc đẩy các đơn vị đang phụ trách hai dự án "Việc làm thỏa đáng" và dự án "Đào tạo nhân lực chất lượng cao" đã ký kết.
Đáp lời ông Bernd Lange, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung vui mừng cho biết, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, Việt Nam đã từng bước vượt qua những "cơn gió ngược", tăng trưởng kinh tế đạt mức tăng trưởng 5,05%. Trong đó, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được đảm bảo, thu đủ chi, xuất đủ nhập, lương thực đảm bảo, thị trường lao động được duy trì ổn định, xăng dầu đảm bảo.
Bộ trưởng thông tin, ngày 24/11/2023, Trung ương ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đến năm 2030, tầm nhìn 2045 để đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới.
Nghị quyết 42 nêu định hướng xây dựng chính sách xã hội trong tình hình mới với tư duy đổi mới, chuyển từ cách tiếp cận chính sách xã hội với mục tiêu "đảm bảo và ổn định" sang "ổn định và phát triển".
"Chính sách xã hội sẽ từng bước chuyển từ bảo đảm an sinh cho đối tượng khó khăn, yếu thế sang thực hiện phúc lợi xã hội để mở rộng đối tượng được thụ hưởng thành quả phát triển chung của xã hội", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Làm rõ thêm vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, mục tiêu Việt Nam đề ra đến 2030 sẽ trở thành quốc gia tiên phong về xây dựng chính sách xã hội và việc làm thỏa đáng, bền vững, điều này phù hợp với chương 13 của EVFTA. Trong đó có 3 vấn đề đột phá được xác định, đều liên quan trực tiếp đến người lao động.
Trước hết là mục tiêu xây dựng thị trường lao động linh hoạt, đa dạng, hiện đại và hội nhập; xây dựng và phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; tôn trọng quyền người lao động và chủ sử dụng lao động dựa trên quan hệ 3 bên và công ước của ILO.
Thứ hai là tập trung xây dựng sàn an sinh tối thiểu, trong đó, Bộ trưởng nêu mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 98% người dân có BHYT, đến năm 2030, 60% người lao động Việt Nam có BHXH.
Đột phá quan trọng thứ ba là vấn đề nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột cho người dân đặc biệt ở vùng nghèo, vùng khó khăn. Bộ trưởng nêu mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ không còn nhà tạm, cùng với đó sẽ xây dựng 1 triệu căn hộ giá rẻ cho công nhân. Riêng năm 2024, cả nước phấn đấu hoàn thành được 130.000 nhà ở xã hội.
Đào tạo nhân lực chất lượng cao để chiếm lĩnh ngành nghề mới
Liên quan đến hai vấn đề mà đoàn Nghị viện châu Âu quan tâm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Việt Nam luôn thể hiện tinh thần nỗ lực, bền bỉ của mình trong việc thúc đẩy, thực thi các cam kết quốc tế về lao động trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), đặc biệt là chương về Thương mại và Phát triển bền vững của Hiệp định.
Trong cuộc trao đổi với ông Bernd Lange, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Việt Nam sẽ tiến hành cải cách tiền lương toàn diện từ 1/7/2024.
"Đây thực sự là một cuộc cải cách tiền lương chứ không phải điều chỉnh chính sách tiền lương", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cùng với cải cách tiền lương khu vực công, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, Việt Nam sẽ cải cách tiền lương ở cả khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhà nước với 5 nội dung cải cách căn bản.
Khi đó, người quản lý và người lao động sẽ hưởng cùng một bảng lương, ông nhấn mạnh nguyên tắc, Nhà nước không can thiệp vào thang bảng lương của doanh nghiệp nhưng Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo lương tối thiểu (mức sàn) để bảo vệ người lao động, bên vẫn được xem là yếu thế hơn.
"Khi đó, theo vị trí việc làm, ai làm nhiều, làm tốt, làm giỏi thì hưởng lương cao", Bộ trưởng nói.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Việt Nam sẽ điều chỉnh chính sách lương hưu, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội. Dự kiến, có khoảng 20 triệu đối tượng sẽ được điều chỉnh chính sách cùng thời điểm 1/7/2024.
Về Công ước 87, Bộ trưởng nhấn mạnh, không chỉ Nghị viện châu Âu quan tâm mà Việt Nam và cá nhân ông cũng mong muốn sớm thông qua Công ước này. Tại thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chuẩn bị cơ bản những tài liệu, nội dung, đánh giá tác động cho vấn đề này.
Đối với hai dự án mà đoàn Nghị viện châu Âu đề cập, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ thúc đẩy các đơn vị thuộc Bộ phối hợp với Sứ quán liên minh châu Âu tại Việt Nam xây dựng và hoàn thiện hồ sơ hai dự án "việc làm thỏa đáng" và dự án "đào tạo nhân lực chất lượng cao" để tiến tới trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh thêm, hai dự án này cũng chính là định hướng Việt Nam đang hướng tới. Cùng với cải cách thể chế, đầu tư phát triển hạ tầng, vấn đề nguồn nhân lực, trong đó nòng cốt là đào tạo nhân lực chất lượng cao chính là một khâu đột phá chiến lược Đảng, Nhà nước đề ra.
"Thời gian tới, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực sẽ được đặc biệt quan tâm. Ngành LĐ-TB&XH sẽ tập trung đào tạo lao động chất lượng cao để chiếm lĩnh những ngành nghề mới như chip bán dẫn, hydrogen, nhân lực làm tín chỉ carbon...", Bộ trưởng nói.