Nữ giảng viên khuyết tật từ chối trợ cấp và bước ngoặt sau món ăn cho con
(Dân trí) - Là người tàn tật nhưng chị Quế từ chối nhận trợ cấp bảo trợ xã hội. Người phụ nữ ấy đã viết câu chuyện của đời mình bằng nghị lực, khát khao khẳng định bản thân.
Cô bé tật nguyền khẳng định sẽ tự nuôi thân
Chị Nguyễn Thị Quế (43 tuổi) chọn kiểu tóc ngắn cá tính mà vẫn dịu dàng trong tà áo dài đứng trên bục giảng say sưa với bài dạy. Các sinh viên của Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa ai cũng ấn tượng về cô Quế dạy môn chính trị học dịu dàng, nhiệt huyết.
Tay phải bị tật, cô viết bằng tay trái, nét chữ đẹp, mềm mại.
Ít ai biết rằng, hơn 30 năm trước, khi mới chỉ là học sinh lớp 3, Quế đã đưa ra quyết định ít ai nghĩ tới. Cô bé nằng nặc đòi bố mẹ từ chối nhận trợ cấp xã hội, dù bản thân là người tật nguyền.
"Tôi còn nhớ, lần ấy, cán bộ địa phương đến nhà để làm hồ sơ, tôi chỉ biết khóc đòi bố mẹ không cho họ làm. Tôi nói, con không phải là người khuyết tật. Trợ cấp để dành cho những trường hợp khó khăn hơn. Con sẽ tự nuôi sống bản thân mình. Dù gia đình không khá giả gì, nhưng bố mẹ tôn trọng ý kiến của tôi", chị Quế nhớ lại.
Sống với tâm thế của một người bình thường, cô bé Quế luôn nỗ lực trong học tập, tự lập trong cuộc sống. Năm 1998, chị Quế khiến gia đình, bà con lối xóm bất ngờ, vui mừng vỡ òa khi cùng lúc đậu 2 trường đại học (Trường Đại học Hồng Đức và Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội).
"Ngày tôi nhận giấy báo nhập học, bố tôi cứ mở ra xem đi xem lại, cười tủm tỉm. Bố khoe hết đồng nghiệp ở cơ quan đến người thân, hàng xóm. Tôi biết bố hạnh phúc lắm, còn tôi thì thầm nghĩ đó chỉ là khởi đầu của chặng đường mới mà mình phải tiếp tục nỗ lực", chị Quế bộc bạch.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm I Hà Nội, chị Quế có một năm giảng dạy tại Trường THPT Yên Định 3, huyện Yên Định rồi thuyên chuyển làm giảng viên, dạy bộ môn chính trị học tại Trường Cao đẳng nông nghiệp Thanh Hóa.
Lúc mới ra trường, đứng trên bục giảng, các học trò hiếu động cứ nhao nhao chuyện cô viết bằng tay trái. Bằng kỹ năng được đào tạo, chị thường xuyên kể về những điều thú vị trong cuộc sống để truyền cảm hứng học tập, mục đích, lý tưởng sống đến học sinh.
Nhiều người khuyết tật thường rụt rè, tự ti nhưng chị Quế hoàn toàn khác. Chị tự tin cho rằng, mỗi người đều có những thế mạnh cũng như điểm yếu riêng, bản thân có thể không làm tốt được việc này nhưng sẽ làm tốt ở việc khác. Chị xác định điểm yếu với mình là khuyết tật nhưng điểm mạnh là ý chí, là cách sống có lý tưởng, mục đích rõ ràng.
Thạc sỹ Lâm Thị Hương, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng nông nghiệp Thanh Hóa, nhận xét cô Quế rất giỏi về chuyên môn, là giảng viên nhiệt huyết, yêu đời, giàu nghị lực sống. Ở trường cô Quế sống chan hòa, yêu thương và được mọi người quý mến.
"Đăng Facebook chơi, ai ngờ khách hàng nổ đơn liên tục"
Không chỉ là người "truyền lửa" cho học sinh, sinh viên, nhiều người còn biết tới chị trong vai trò định hướng, tìm tòi để xây dựng nên thương hiệu thực phẩm riêng. Chị vui mừng khoe sản phẩm hiện có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Huế…
Không gian căn bếp tạo ra hàng chục món ăn "chuẩn cơm mẹ nấu" của gia đình chị Quế chỉ rộng mấy chục mét vuông, xếp đủ loại máy móc, đồ gia dụng được hấp, rửa, khử trùng... gọn gàng, sáng bóng.
Nữ giảng viên kiêm đầu bếp kì cựu, chia sẻ về cơ duyên đến với công việc làm thực phẩm. Đó là năm 2017, con trai đòi ăn xúc xích nhưng chị không yên tâm mua bên ngoài. Thương con, ngày đi làm, tối về chị mày mò công thức làm sản phẩm.
"Sau nhiều mẻ xúc xích phải bỏ đi, đến một hôm, cả nhà tôi ai cũng gật đầu khen "rất ra gì" đấy chứ khi ăn thử! Thế là tôi thử đăng bài giới thiệu chơi chơi lên trang Facebook cá nhân, không ngờ có rất nhiều người quan tâm, hỏi han. Đơn hàng nổ liên tục, tôi nhanh chóng có nhiều khách hàng thường xuyên. "Lửa nấu ăn" thực sự đã ngấm vào tôi như thế", chị Quế cười nói.
Theo chị Quế, chồng chị có khiếu ẩm thực, nấu ăn, bản thân chị đam mê lan tỏa sản phẩm. Ban đầu, chị chỉ làm thử xúc xích, đến nay đã định hướng phát triển nhiều sản phẩm mang hương vị xứ Thanh như giò, chả cốm, nem, lạp xưởng tươi, dồi sụn, mọc…
Chia sẻ bí quyết, chị Quế nói: "Tôi làm các loại đồ ăn hướng tới phục vụ trẻ em nên luôn trong tâm thế người mẹ, gửi gắm yêu thương, dành những gì tốt nhất, an toàn nhất cho con".
Theo chị Quế, thực phẩm nhà làm, cả nhà sử dụng, luôn tuân thủ tiêu chí "3 không" gồm: Không sử dụng chất bảo quản, không sử dụng chất phụ gia không an toàn, không lấy thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Ban đầu khởi nghiệp, bếp của chị chỉ sản xuất được từ 5-10kg xúc xích/ngày, giờ công suất đã nâng lên 4-5 tạ thực phẩm các loại. Cơ sở tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức lương hơn 6 triệu đồng/tháng.
"Tôi vui khi mọi người ăn đồ ăn của gia đình rồi nói "ngon, bổ, rẻ". Hy vọng những thực phẩm mang hương vị quê Thanh do gia đình tôi làm sẽ được "phủ sóng" cả nước, để người dân xứ Thanh dù ở đâu cũng được thưởng thức", chị Quế vui vẻ nói.
Món "Xúc xích nhà làm" khơi lên trong nữ giảng viên khuyết tật niềm đam mê với thực phẩm và kinh doanh (Ảnh: Hạnh Linh).
Ông Lê Đình Tùng, Phó chủ tịch Hội bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ, những tấm gương như chị Quế đang là người "truyền lửa", lan tỏa nghị lực, năng lượng sống tích cực đến với những người khuyết tật.