Nỗi kinh hoàng gọi tên... "người tình của mẹ"
(Dân trí) - Tình yêu, hạnh phúc mới của người mẹ sau cuộc hôn nhân đổ vỡ lại có thể là nỗi kinh hoàng, ám ảnh đối với những đứa con...
Hình ảnh cô gái trẻ 16 tuổi N.T.N.H ở Vĩnh Lợi, Cà Mau bê bết máu trên đầu mới đây làm nhiều không dám nhìn trực diện. Ngoài vết thương bên ngoài, em còn bị dập lá lách, gãy một xương sườn.
Thông tin ban đầu, em bị người tình của mẹ, người sống chung nhà 2 năm qua, dùng ống túyp sắt đánh đập. Sau khi bố mất, mẹ H. sống chung như vợ chồng với người đàn ông này.
Trong quá trình sống chung, em H. và ông "bồ hờ" có nhiều mâu thuẫn cho đến ngày 15/4 vừa qua thì xảy ra vụ bạo hành khủng khiếp trên.
Đây chỉ là một trong vô số vụ bạo hành kinh hoàng với trẻ nhỏ mà kẻ thủ ác là "người tình của mẹ" hay còn được gọi là "bố dượng", "bố hờ"...
Bi kịch của đứa trẻ trong mối tương quan "người tình của mẹ" khủng khiếp nhất không thể không nhắc đến sự việc bé gái 3 tuổi Đ.N.A ở Hà Nội bị "bố hờ" Nguyễn Trung Huyên đóng cả chục cái đinh vít vào đầu. Sau nhiều tháng chống chọi, cháu bé đã không thể qua khỏi.
Mẹ bé, sau khi ly hôn với chồng đã đưa con gái đến một khu nhà trọ, sống chung với tình nhân. Chỉ thời gian ngắn sống trong "tổ ấm" mới của mẹ, cháu bé liên tục phải nhập viện vì ngộ độc thuốc trừ sâu, nuốt phải đinh, khi thì bị đau tai, bị đánh gãy tay... cho đến khi qua đời vì màn tra tấn kinh dị ngoài sức tưởng tượng đến từ ông "bố hờ".
Đâu chỉ dừng lại ở cảnh chịu đựng đòn roi, bạo lực, trong mối quan hệ này, nhiều đứa trẻ có thể là nạn nhân bị xâm hại tình dục, nô lệ tình dục cho chính "bố hờ". Đã có hàng loạt vụ án xâm hại tình dục trẻ vị thành niên mà kẻ thủ ác chính là người tình của mẹ, là các ông "bố hờ", "cha dượng" như vậy. Vụ việc gần đây nhất, người mẹ bộc phát cắt phăng "của quý" của người đàn ông sống cùng khi phát hiện gã này xâm hại con gái riêng của mình là một minh chứng.
Đó là những sự việc đã được "chỉ mặt gọi tên". Còn sau đó, có biết bao nhiêu đứa trẻ khác nữa, đang phải sống chung trong nỗi đọa đày từ người tình của mẹ mà chưa được phát hiện.
Cũng không thiếu những vụ việc bị bưng bít, che đậy. Không thiếu những sự việc người mẹ "mắt nhắm mắt mở", bao che, dung túng, kể cả tìm cách che đậy cho hành vi tàn ác của người tình đối với "khúc ruột" của mình.
Cách đây không lâu, ở An Giang chấn động với sự việc người mẹ cùng tình nhân đem phi tang thi thể con gái 7 tháng tuổi sau khi gã này nhiều lần đánh đập làm gãy tay, đổ nước vào miệng làm cháu bé chết ngạt.
Lao vào tình riêng, bỏ rơi con
Trước những bất trắc trong hôn nhân, chúng ta vẫn thường nghe nhắc nhở người mẹ phải làm mọi cách để giành được quyền nuôi con. Theo quy định pháp luật về quyền nuôi con dưới 3 tuổi khi ly hôn, đứa trẻ được ưu tiên giao cho người mẹ chăm sóc, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện hoặc có thỏa thuận khác giữa hai vợ chồng.
Người mẹ, đối với trẻ nhỏ, có vai trò quan trọng trong mọi bối cảnh. Nhất khi hôn nhân tan vỡ, trẻ càng cần được mẹ vỗ về, yêu thương, bảo vệ. Nhưng thực tế, sau sự "chòng chành" của chuyến đò hôn nhân, không ít bà mẹ đơn thân bỏ rơi con lao vào mối quan hệ mới, với những người đàn ông mới.
"Rá" và "rổ" khi vội vã "cạp lại", khi hai bên chưa xác định rõ tương lai, trách nhiệm của mình trong mối quan hệ phức tạp, thậm chí hai bên không ổn định, không việc làm... người mẹ cũng dắt con về sống với tình nhân của mình.
Có người vừa ly hôn tháng này, con trẻ khóc chưa ráo nước mắt, tháng sau đã được mẹ dẫn về sống với tình nhân. Hay như em bé 7 tháng tuổi ở An Giang bị bố hờ hại chết nói trên, bé bị mẹ đưa về sống với người tình ngay khi mới vừa chào đời.
Lý giải về điều này, bà Nguyễn Thị Bích Trâm, chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực tâm lý gia đình tại TPHCM chia sẻ, trên lý thuyết những người phụ nữ, nhất là khi đã có con, sau hôn nhân đỗ vỡ, họ sẽ cân nhắc, tỉnh táo trước mối quan hệ mới. Nhưng thực tế ngược lại, không ít phụ nữ đơn thân sau đỗ vỡ lại tự hạ giá trị bản thân và rất nhẹ dạ, yếu lòng đến mù quáng.
Thấy người đàn ông nào đó chấp nhận hoàn cảnh của mình là họ dễ tin tưởng lao vào, không những không tìm hiểu kỹ về đối phương mà có khi còn bất chấp đối phương là người như thế nào.
Bước vào mối quan hệ tình cảm đó, nhiều người mẹ không đủ năng lực để bảo vệ con mình. Có người thả con nhỏ cho ông bà hay đưa con đến sống với tình nhân, đẩy con vào bối cảnh sống, mối quan hệ ngột ngạt, phải đối mặt với nhiều nguy cơ.
Tình nhân của mẹ, người đàn ông mang đến cho người mẹ cảm giác thấy mình được yêu thương, nâng niu, có chỗ dựa, có thể lại là nỗi kinh hoàng, ám ảnh, là bất trắc lớn đối với đứa con.
Theo vị chuyên gia tâm lý gia đình, lời nhắc nhở mỗi ông bố bà mẹ cần tỉnh táo và cân nhắc trước quyết định ly hôn không bao giờ là cũ. Phụ nữ hay bất kỳ ai đều có quyền mưu cầu tình yêu, mưu cầu hạnh phúc. Vậy nhưng, khi đã có con, khi đã làm bố làm mẹ, muốn hay không thì hạnh phúc cá nhân của họ không thể đặt bên ngoài hạnh phúc của con trẻ.
Các mẹ bỉm sữa hay nói với nhau, "bỏ chồng rồi vớ phải thằng không ra gì còn khổ hơn nữa" cũng không phải không có lý.