Nỗi ân hận của ông chủ "không chân" từng xin cha cho chết
(Dân trí) - Nguyễn Thanh Khiết từng xin cha cho được chết sau biến cố bị liệt hai chân năm 20 tuổi, nhưng giờ đây, anh trở thành ông chủ doanh nghiệp, bán hơn 50.000 cây kềm (kìm) cắt móng mỗi năm.
Cầu xin được chết
Sau cuộc điện thoại chốt đơn 100 cây kềm cắt móng sáng 30/5, Thanh Khiết lấy thùng giấy đóng gói cẩn thận số hàng. Gồng mình nhấc người từ chiếc xe lăn tay sang xe lắc điện, Khiết bê thùng hàng đặt lên trên đôi chân bị liệt, di chuyển ra bưu điện gần nhà gửi cho khách hàng.
"Đó chỉ là những đơn hàng lẻ mỗi ngày, còn những đơn sỉ bán qua Campuchia hay Mỹ thì mỗi lần tôi xuất cả vài nghìn cây kềm", ông chủ 37 tuổi ở quận Bình Tân nói.
Công việc bán hàng ổn định, phát triển, cho thu nhập nuôi sống bản thân là điều Khiết không dám mơ tới 17 năm về trước, sau khi gặp tai nạn, bị cành cây rơi trúng đầu dẫn đến chân thương đốt sống cổ, liệt hai chân.
Năm đó, chàng trai quê Củ Chi vừa bước qua tuổi 20, đang làm lơ xe tải và chuẩn bị thi lấy bằng lái. Cùng lúc, Khiết trồng cao su, nuôi bò thêm ở nhà, nuôi mộng lập nghiệp, thoát nghèo từ mảnh đất quê hương.
Một ngày, chủ chiếc xe tải mà anh đang phụ việc gây tai nạn, phải ngừng lái để sửa xe. Thấy anh thất nghiệp suốt nửa tháng liền, một người đàn ông rủ anh đi phụ đốn cây để kiếm tiền, Khiết gật đầu ngay. Ngọn cây tràm to gần bằng bắp chân, Khiết và người đàn ông ra sức kéo bằng dây thừng cho rơi xuống nhưng mãi không được. Khi thấy thấm mệt, hai người quyết định dừng tay nghỉ ngơi, nhủ lòng lát nữa sẽ quay lại kéo tiếp.
Và biến cố ập đến chính lúc đó!
Khiết bị cành cây gãy dở rơi xuống trúng đầu, sưng một cục to, mũi chảy máu. Sau một phút choáng váng, anh ngã quỵ xuống. Những người xung quanh vội xốc Khiết lên xe máy, áp tải đến viện.
"Đi được một đoạn, người ta mới phát hiện một chân tôi bị chà xuống mặt đường chảy máu nhưng tôi không có cảm giác đau, cảm nhận nửa người tê cứng", Khiết hồi tưởng.
Sau khi được đưa đến bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ kết luận anh bị chấn thương đốt sống cổ, sẽ liệt hai chân, không thể cứu chữa. Bác sĩ gợi ý sẽ thực hiện ngay một ca mổ ngay, nếu thành công thì anh còn cơ hội nhưng nếu không thì khó giữ tính mạng và yêu cầu gia đình ký cam kết.
Sợ mất con, cha Khiết khi ấy đã quyết định không ký cam kết mổ. "Dù con sống đời tật nguyền, tôi vẫn sẽ chăm sóc", người cha nói.
Trên giường bệnh, giữa những cơn mê - tỉnh, Khiết nghe loáng thoáng bác sĩ nói về tương lai của mình nhưng anh không tin, nghĩ xuất viện về vài tháng thì sẽ đi lại được.
Chỉ khi được chuyển sang Trung tâm phục hồi chức năng, sau nửa tháng nằm viện, chứng kiến những người đồng cảnh liệt hơn chục năm vẫn đi vật lý trị liệu trong vô vọng, Khiết mới hiểu, chấp nhận số phận.
3 năm đầu tiên sau biến cố, từ một chàng trai khỏe mạnh đầy sức sống, Khiết được chị hai và người cha già chăm sóc như một đứa trẻ. Ngày qua ngày, anh tập bóp trái bóng tennis để tìm lại cảm giác cho đôi tay.
Tuy nhiên, vì không muốn làm gánh nặng cho gia đình, nhiều lần anh cầu xin cha: "Cha mua cho con chai thuốc sâu rồi để đó con tự xử, xong xuôi thì ba chôn con". Những lúc như thế, cha anh chỉ biết xót xa mắng con trai: "Mày điên à" rồi gạt nước mắt, quay đi.
4 năm tiếp theo, sức khỏe của Khiết khá hơn sau những bài tập vật lý trị liệu, anh có thể tự mình di chuyển từ giường sang xe lăn. Không còn phải nằm một chỗ, anh đẩy xe đi trong sân, đi sang nhà thờ dạo mát. Thấy anh ở nhà đã nhiều năm, một vị sơ trong nhà thờ đã chủ động xin cho anh đến Mái ấm Nhà May Mắn, nơi dạy nghề miễn phí và giúp những người khuyết tật hòa nhập cộng đồng ở quận Bình Tân.
"Tôi đâu còn gì để mất và cũng chán nản cảnh chỉ quanh quẩn trong nhà nên dù không biết mình có thể học được nghề gì hay không, tôi cũng muốn thử", Khiết nói.
Lần đầu được cha đưa đến cơ sở, Khiết mơ hồ, chưa dám nghĩ về tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng tận mắt chứng kiến các anh chị, bạn bè đồng cảnh, thậm chí có người khuyết tật nặng hơn anh vẫn vươn lên học tập, có nghề nghiệp ổn định đã giúp củng cố thêm niềm tin của Khiết.
"Người ta cũng như tôi, tại sao người ta sống được trong khi tôi đã mất 7 năm u sầu?", Khiết tự hỏi bản thân.
Trung tâm gợi ý cho anh học nghề may hoặc vẽ tranh nhưng Khiết "ăn vạ", một mực xin học nghề vi tính. Vì nghỉ học sớm, cộng thêm việc gia đình không có điều kiện, Khiết chưa từng được sờ qua một chiếc laptop.
"Ngày đầu tiên vào học, giáo viên cầm laptop chỉ cho tôi biết chỗ nào là bàn phím, chỗ nào là pin, là chuột… Sau đó, mỗi ngày, tôi cặm cụi gõ hàng trăm trang tài liệu để tập làm quen với máy tính. Những lúc gõ sai dấu, việc sửa lại với tôi cũng là điều khó khăn. Mất hơn cả năm trời, tôi mới thành thạo được word, excel", Khiết chia sẻ.
Sau đó, Khiết học thêm về photoshop, nhưng những kỹ năng đó cũng chưa đủ để anh có thể kiếm tiền. Lúc bấy giờ, chàng trai cảm thấy cuộc sống của mình bớt buồn chán hơn vì được học, có bạn bè, song vẫn chưa nghĩ được tương lai sẽ làm gì để sống.
Khoảng 8 năm về trước, nhóm học nghề vi tính ở Mái ấm, trong đó có Khiết, nhận thấy xu hướng marketing online đang dần phát triển nên xin trung tâm được học. Sau khóa học, nhóm bạn của anh bắt đầu nhận những đơn hàng SEO website.
"Nhận được 500.000 đồng đầu tiền sau hơn 10 năm không tự mình kiếm ra được đồng nào, tôi run run, bật khóc. Tôi hạnh phúc đến nỗi dù đã khuya nhưng vẫn cố gọi điện rủ một người bạn thân ra để uống cà phê, chia sẻ niềm vui đó", Khiết nói.
Khởi nghiệp trên xe lăn
Sau lần đó, Khiết tập trung vào công việc SEO web cho khách hàng, kiếm tiền lo được cho bản thân. Anh cũng bắt đầu hành trình rời Mái ấm để ra riêng, tự lập. Những tưởng chàng trai đã hài lòng với cuộc sống mà trước đây không dám mơ nhưng ngược lại, Khiết vẫn luôn trăn trở.
"Tôi đứng sau hỗ trợ khách hàng từ việc lập trang web bán hàng, SEO web… chứng kiến nhiều ông chủ giàu lên. Tôi nghĩ tại sao mình không tự làm cho mình", Khiết tâm sự.
Một lần về Củ Chi thăm nhà, Khiết trò chuyện với một người bạn đang sản xuất kềm cắt móng, cắt da. Người này có xưởng sản xuất sản phẩm chất lượng, nhưng đang bế tắc trong việc tiếp cận thị trường, khách hàng. Thấy vậy, Khiết ngỏ lời hợp tác chung, anh sẽ lo toàn bộ mọi thứ để đưa sản phẩm đến tay nhiều người tiêu dùng.
"Đầu tiên, tôi lập trang web, chụp hình, thiết kế hình ảnh sản phẩm, bao bì sao cho thật bắt mắt. Sau đó là SEO web, quảng cáo trang web để tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng..." - Khiết liệt kê.
Tuy nhiên, dù đã vận dụng hết mọi kiến thức, kinh nghiệm trong thời gian làm việc trước đó, Khiết vẫn không bán được hàng trong năm đầu tiên.
"Trước đây làm cho khách, mình chỉ làm theo công thức, yêu cầu khách hàng. Nay đứng ra kinh doanh thì nhiều việc phải lo. Tôi phải đi học thêm một số khóa về quản trị, cách giao tiếp, chăm sóc khách hàng…", Khiết kể.
Cũng trong năm đó, chàng trai đẩy xe lăn, cầm từng chiếc kềm gõ cửa từng tiệm nail ở khu vực quận Bình Tân để chào hàng. Có người niềm nở tiếp, sử dụng thử sản phẩm nhưng cũng có những người thấy anh ngồi xe lăn thì tỏ thái độ không tin tưởng, gạt phăng tờ rơi vào thùng rác. Vốn nóng tính và có lòng tự trọng cao nhưng Khiết cố hết sức kiềm chế, không phân bua, chỉ lẳng lặng cảm ơn rồi dời đi.
Anh nghĩ: "Nóng giận đến mấy cũng cố nói lời cám ơn rồi rời đi đến chỗ khác chào hàng tiếp. Nếu tự ái mà bỏ cuộc thì suốt đời bạn chẳng có thể làm được gì nữa bởi vì làm gì cũng khó khăn cả. Nếu cái khó ban đầu không vượt qua thì làm sao đối mặt, xử lý được những cái khó hơn về sau".
Sang năm thứ hai, khách hàng tìm đến anh ngày một nhiều hơn, Khiết không cần gõ cửa từng tiệm chào mời nữa mà khách tự gọi điện cho anh. Không chỉ có trang web bán hàng ở Việt Nam, Khiết còn tạo trang web hướng đến khách hàng nước ngoài. Ngoài gần 5.000 nghìn cây kềm mỗi tháng bán cho khách lẻ, những đơn hàng sỉ cả nghìn cây cũng được xuất ra thị trường nước ngoài.
Đầu năm nay, anh tích cực kiếm mặt bằng để mở một văn phòng nhỏ tiếp khách, lên hợp đồng. Hầu hết khách hàng không biết Khiết là người khuyết tật, chỉ khi cần ra ngoài ký hợp đồng, anh mới ngỏ ý để họ đến nhà hoặc hẹn ở một điểm gần nhà vì di chuyển khó khăn.
Nhiều người thấy Khiết chạy xe lăn đến, hỏi ngay: "Anh ngồi một chỗ như vậy liệu có làm hàng cho tôi được không?".
Dù vậy, chàng trai chưa bao giờ lấy hoàn cảnh khuyết tật của bản thân để đem ra thuyết phục khách mua hàng ủng hộ. Anh nghĩ, nếu cứ giữ suy nghĩ đó mà không chú trọng đến chất lượng sản phẩm thì việc kinh doanh sẽ không bền. Hơn nữa, Khiết muốn chứng tỏ rằng "không phải ngồi xe lăn là không làm được gì".
Anh Nguyễn Ngọc Hân, 38 tuổi là một người bạn biết Khiết từ năm 2012, ở Mái ấm Làng May Mắn, cho biết: "Tôi rất khâm phục ý chí của Khiết, từ một anh lơ xe không biết gì về máy tính mà cậu ấy đã vươn lên trở thành ông chủ, khiến nhiều người nể phục".
"Giờ tôi có thể tự lo được cho bản thân, giúp đỡ gia đình. Tôi có thể đi bất cứ đâu, ăn món gì mình thích từ chính tiền mình làm ra nên thấy rất hạnh phúc. Tôi đã không còn buồn chuyện tai nạn nữa, điều tôi tiếc nuối nhất là đã bỏ phí 7 năm ở nhà mà không đi học nghề sớm hơn", Khiết trải lòng, cười hiền khô.