1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Ngán cảnh chống nạng đi làm, người phụ nữ liều lập công ty, làm giám đốc

Diệp Phan

(Dân trí) - Ngán cảnh ngày chống nạng leo 3 tầng lầu ở công ty, lương chỉ 5 triệu đồng/tháng, chị Mỹ Ngọc (TPHCM) đã lập doanh nghiệp và tạo việc làm cho gần 20 nhân viên khuyết tật.

Giám đốc ngồi xe lăn

Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (39 tuổi), nói: "Ba năm trước, tôi làm thuê với mức lương chỉ 5 triệu đồng/ tháng. Hằng ngày, tôi chạy xe máy ba bánh đến công ty, sau đó chống nạng leo lên phòng làm việc ở lầu 3. Có hôm đang làm việc, cô giáo báo con bệnh. Tôi chạy về đưa con đi viện, thậm chí chở theo đến công ty vừa làm vừa trông".

Chồng chị Ngọc là anh Nguyễn Ngọc Hân (38 tuổi). Anh cũng thuộc dạng khuyết tật nặng hơn vợ. Ngoài đôi chân không thể đứng vững phải ngồi xe lăn, tay anh co quắp, không giúp vợ được nhiều việc nhà. Với 3 ngón tay gõ bàn phím, anh có nghề lập trình viên chuyên thiết kế website, logo, SEO web nên vẫn nhận được các đơn hàng kiếm thêm thu nhập.  

Ngán cảnh chống nạng đi làm, người phụ nữ liều lập công ty, làm giám đốc - 1

Vợ chồng chị Ngọc đang sống và làm việc tại nhà ở Làng May Mắn, quận Bình Tân (Ảnh: Diệp Phan).

Vợ chồng anh có 2 đứa con, chi phí ăn học rất tốn kém. Chị Mỹ Ngọc nhận thấy, nếu chỉ trông chờ vào hơn chục triệu tiền lương của vợ chồng thì vài năm nữa sẽ không thể lo nổi cho con. Những ngày năm 2019, chị thấy không còn đủ sức lực chống nạng leo cầu thang lên lầu 3 ở công ty làm việc mỗi ngày. Sức khỏe của hai vợ chồng khuyết tật cũng không ổn định.

Vận dụng kinh nghiệm gần chục năm làm quản trị mạng ở phường và 3 năm trong ngành kế toán, hóa đơn điện tử… chị Ngọc nghĩ phải "liều" làm chủ một lần.

"Nếu không thử, mình sẽ không biết khả năng bản thân tới đâu", chị nói. Cộng thêm thế mạnh lập trình web của chồng, chị Ngọc thành lập công ty TNHH Hồng Ngọc Invoice, ở quận Bình Tân (TPHCM) chuyên cung cấp dịch vụ về chữ kỹ số, hóa đơn điện tử, thành lập doanh nghiệp trọn gói, kế toán và báo cáo thuế.

Ngán cảnh chống nạng đi làm, người phụ nữ liều lập công ty, làm giám đốc - 2

Vợ chồng chị Ngọc cùng một số nhân viên gặp nhau hôm 20/5. (Ảnh: Diệp Phan).

Ban đầu, vì không có nhiều vốn cũng như các mối quan hệ, việc gây dựng danh sách khách hàng là một thử thách lớn với chị Ngọc. Khởi đầu với một vài vị khách quen, sau 3 năm, chị Ngọc đã hỗ trợ, làm việc cho hàng nghìn doanh nghiệp lớn nhỏ khắp cả nước.

"Không chỉ cung cấp dịch vụ mà khách cần, chúng tôi còn chăm sóc khách hàng 'tận răng' bất cứ điều gì mà họ đang cần ngoài dịch vụ trên hợp đồng. Ví dụ, khi họ đang cần cài đặt một phần mềm nào đó hay cần làm logo, thậm chí con họ học online nhưng phần mềm trục trặc chúng tôi đều có nhân viên hỗ trợ miễn phí", chị Ngọc chia sẻ bí quyết chiều và giữ chân khách hàng.

Ngán cảnh chống nạng đi làm, người phụ nữ liều lập công ty, làm giám đốc - 3

Chị Ngọc đang hỗ trợ Vân Anh xử lý, giải đáp thắc mắc của khách hàng (Ảnh: Diệp Phan).

Vì mọi hoạt động, giao dịch chủ yếu đều trao đổi online nên nhiều khách hàng không biết công ty đang hợp tác có giám đốc là người khuyết tật. Thỉnh thoảng, có những đơn hàng nhiều tiền cần ký hợp đồng, chị Ngọc phải ra mặt, hẹn gặp khách hàng ở quán cà phê.

Có lần, dù khách đã chốt sử dụng dịch vụ của công ty qua email nhưng khi gặp thấy chị ngồi xe lăn, họ từ chối ký hợp đồng vì không tin tưởng. Lúc đó, chị Ngọc chỉ nói: "Chúng tôi làm việc với khả năng, thực lực, nếu như chỉ nhìn bề ngoài mà đánh giá tôi không có năng lực thì tôi cũng không muốn thuyết phục". Nữ giám đốc cho biết, vị khách hàng đó sau này đã tìm đến một vài công ty khác nhưng cuối cùng đã quay lại để hợp tác với chị Ngọc.

Giúp người đồng cảnh

Thấu hiểu những khó khăn mà các bạn khuyết tật đồng cảnh gặp phải trong quá trình học tập và xin việc làm, chị Ngọc đã chủ động rủ một số bạn cùng làm việc.

Chị Vân Anh, 32 tuổi, liệt 2 chân sau tai nạn và phải ngồi xe lăn. Cô gái quê Gia Lai trước đây có nghề may quần áo. Thấy cô nhanh nhẹn, giao tiếp tốt, Ngọc chủ động tuyển Vân Anh về làm công việc gọi điện tìm kiếm và chăm sóc khách hàng.

Ngán cảnh chống nạng đi làm, người phụ nữ liều lập công ty, làm giám đốc - 4

Anh Hân, chồng chị Ngọc đang hướng dẫn nhân viên mới về lập trình web (Ảnh: Diệp Phan).

"Mình thấy công việc này phù hợp với tình hình sức khỏe của bản thân, dù ngồi một chỗ cũng có thể làm được mà không đòi hỏi nhiều sức lực như nghề may. Người liệt như mình hay bị loét vì ngồi nhiều. Nếu thấy mệt cần phải nằm, mình cũng có thể gọi điện tư vấn khách hàng được", Vân Anh chia sẻ.

Cũng giống Vân Anh, anh Nguyễn Ngọc Ril (bị liệt 2 chân) đã trở thành nhân viên của chị Ngọc. Ngoài việc được chị Ngọc tạo điều kiện để có một công việc kiếm thu nhập phụ vợ nuôi con nhỏ, anh còn học hỏi nhiều điều từ giám đốc.

"Tôi thật sự khâm phục ý chí của chị Ngọc, ngoài giỏi chuyên môn, chị ấy còn một tay lo toan chăm sóc gia đình mà không cần ông bà nội ngoại hỗ trợ", anh Ril nói.

Ngán cảnh chống nạng đi làm, người phụ nữ liều lập công ty, làm giám đốc - 5

Hầu hết nhân viên công ty làm việc online. Thỉnh thoảng họ gặp nhau trao đổi công việc tại nhà chị Ngọc (Ảnh: Diệp Phan).

Hiện tại, công ty có gần 20 nhân viên khuyết tật, làm việc từ xa. Thỉnh thoảng, họ gặp nhau trao đổi công việc tại nhà chị Ngọc ở Làng May Mắn, quận Bình Tân.

Chị Ngọc chia sẻ, từ ngày mở công ty riêng, chị làm việc tại nhà nên có thời gian chăm lo cho gia đình hơn. Doanh thu mỗi năm đều tăng 30% nên cuộc sống của cặp đôi khuyết tật đỡ vất vả hơn trước. Chị thường cho các con và nhân viên công ty đi chơi, du lịch. Người phụ nữ cũng cảm thấy thoải mái hơn khi mua được cho chồng con những món đồ họ yêu thích mà trước đây chỉ dám mơ ước. 

Với thành công của mình, vừa qua chị Ngọc được Hội Liên hiệp Phụ nữ TP HCM tặng giấy khen Gương phụ nữ khuyết tật vượt khó năm 2022. 

 "Niềm vui của tôi sau khi quyết lập công ty là không chỉ lo được cho bản thân, gia đình mà còn giúp nhiều bạn trẻ khuyết tật khác có việc làm, có thu nhập ổn định", chị Ngọc nói.