Những thiệt hại ít người biết khi rút bảo hiểm xã hội một lần

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Xét về góc độ tài chính, người lao động (NLĐ) rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần thì quỹ BHXH có lợi. Nhưng nhà nước vẫn khuyến khích đóng BHXH vì an ninh thu nhập của NLĐ khi về già.

Người dân càng rút, quỹ bảo hiểm càng lợi

Phát biểu tại hội thảo "Lấy ý kiến NLĐ về chế độ BHXH một lần trong dự án Luật BHXH (sửa đổi)", ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), thông tin: "Nếu xét về góc độ tài chính, khi NLĐ rút BHXH một lần thì quỹ BHXH sẽ được lợi".

Cái lợi mà ông Thọ nói ở đây là số tiền mà NLĐ được nhận khi hưởng BHXH một lần thấp hơn cả số tiền mà trích nộp từ lương của NLĐ và số tiền của chủ sử dụng lao động đóng vào quỹ BHXH. Như vậy, quỹ sẽ kết dư.

Theo quy định hiện hành, mỗi tháng, NLĐ đóng BHXH bằng 8% mức lương cơ bản, người sử dụng lao động đóng 14%, tổng cộng là 22%. Như vậy, mỗi năm NLĐ đóng BHXH bằng 2,64 tháng lương cơ bản.

Khi rút BHXH một lần, NLĐ chỉ được nhận số tiền tương ứng 1,5 tháng lương cho những năm đóng BHXH trước năm 2014 và 2 tháng lương cho những năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi. Chỉ tính về số tiền đóng - hưởng đã thấy thiệt thòi rõ ràng khi rút BHXH một lần (mỗi năm tham gia BHXH mất từ 0,64 đến 1,14 tháng lương).

Những thiệt hại ít người biết khi rút bảo hiểm xã hội một lần - 1

Rút BHXH xã hội một lần là NLĐ đã thiệt thòi ngay từ đầu vì số tiền được nhận thấp hơn cả số tiền đã đóng (Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn).

Ngoài thiệt thòi tài chính như phân tích ở trên, NLĐ rút BHXH một lần còn mất nhiều chế độ BHXH khác so với người chờ lãnh lương hưu như: mất cơ hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí với mức hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh trong suốt thời gian hưởng lương hưu; thân nhân không được hưởng trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất nếu người đã nhận BHXH một lần không may qua đời…

Do đó, người rút BHXH một lần đối mặt với tình trạng không có lương hưu hằng tháng để trang trải cuộc sống khi về già và phải sống phụ thuộc vào con cái hoặc người thân khi không còn khả năng lao động. Họ còn phải chấp nhận chi trả nhiều tiền cho các dịch vụ y tế, mai táng… rất tốn kém mà đáng ra họ sẽ được hỗ trợ khi chờ lãnh lương hưu.

Theo ông Đỗ Ngọc Thọ, quyền lợi BHYT của người hưởng chế độ hưu trí rất tốt, được BHYT chi trả đến 95%, trong khi mức hưởng BHYT của người mua BHYT hộ gia đình chỉ là 80%.

Trong giai đoạn tuổi già, nguy cơ đối mặt nhiều hơn với ốm đau, bệnh tật, có khi tiền thuốc còn nhiều hơn tiền ăn. Do đó, ông Thọ đánh giá việc được chia sẻ phần lớn chi phí khám chữa bệnh từ quỹ BHYT sẽ giảm bớt áp lực kinh tế cho gia đình khi về già.

Đóng BHXH bắt buộc như bắt buộc đội mũ bảo hiểm

Tại hội thảo tham vấn về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức, chuyên gia của ILO, ông André Gama cũng khẳng định NLĐ rất thiệt thòi khi rút BHXH một lần mà không chờ hưởng lương hưu.

Theo ông André Gama, khi NLĐ rút BHXH một lần, số tiền họ nhận được ít hơn rất nhiều so với số tiền họ nhận khi lãnh lương hưu.

Ông nói: "Có thể bạn rút BHXH một lần ra để đầu tư, nhưng không phải ai cũng đầu tư được, hầu hết số người rút BHXH một lần đều không giữ được số tiền đó cho đến khi họ hết tuổi lao động".

Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao người rút BHXH càng nhiều thì quỹ BHXH càng có lợi về kinh tế mà Nhà nước vẫn khuyến khích NLĐ không rút BHXH, chờ lãnh lương hưu?

Theo ông Đỗ Ngọc Thọ, khuyến khích không rút BHXH một lần cũng giống như trước đây nhà nước khuyến khích đội mũ bảo hiểm. Quy định đóng BHXH bắt buộc cũng giống như quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Tất cả là vì người dân.

Bởi khuyến khích đội mũ bảo hiểm là để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi chẳng may gặp tai nạn giao thông. Còn khuyến khích NLĐ không rút BHXH một lần là để giữ họ trong hệ thống BHXH, được hưởng lương hưu khi về hết tuổi lao động, đảm bảo an ninh thu nhập khi về già.

Những thiệt hại ít người biết khi rút bảo hiểm xã hội một lần - 2

Ông Đỗ Ngọc Thọ so sánh việc khuyến khích không rút BHXH một lần với khuyến khích đội mũ bảo hiểm (Ảnh: Tùng Nguyên).

Tại hội nghị góp ý dự thảo luật BHXH (sửa đổi) do Tổng liên đoàn Lao động tổ chức tại TPHCM, ông Nguyễn Văn Nho, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật - Quan hệ lao động (Liên đoàn lao động tỉnh Tây Ninh), chia sẻ: "Rút BHXH một lần khi nghỉ việc mà chưa tới tuổi hưu là sai lầm rất lớn vì NLĐ không lường hết được khó khăn khi tuổi về già".

Ông cho biết, khi Nhà nước lần đầu tiên cho công nhân mất sức nghỉ hưu sớm nhận chế độ trợ cấp một lần vào năm 1993 thì có rất nhiều NLĐ cùng thời với ông xin nghỉ việc để nhận số tiền này.

"Thời điểm đó, mấy chục triệu lớn lắm, ai cũng nghĩ mình nhận rồi chia cho con cháu làm ăn, sau này mình già thì nó chăm lo lại cho mình. Nhưng bây giờ thì khổ lắm, sống phải nhìn mặt con cháu, nó vui thì cho, không thì thôi", ông Nho chia sẻ.