Những người được hưởng mức lương hưu tối đa từ năm 2023
(Dân trí) - Để hưởng lương hưu ở mức tối đa, lao động nam phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) 35 năm, lao động nữ cần 30 năm.
Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 quy định, người lao động đủ tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì được hưởng lương hưu. Mức lương hưu hàng tháng của người lao động được quy định tại Điều 56 Luật BHXH 2014 (đối với người tham gia BHXH bắt buộc) và Điều 74 Luật BHXH 2014 (đối với người tham gia BHXH tự nguyện).
Theo đó, lương hưu của người lao động tham gia BHXH bắt buộc hay BHXH tự nguyện đều được xác định theo công thức chung là lấy tỷ lệ (%) hưởng lương hưu nhân với mức bình quân tiền lương/thu nhập đóng BHXH hàng tháng. Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu phụ thuộc vào số năm người lao động đóng BHXH.
Đối với lao động nam nghỉ hưu từ năm 2023 trở đi, nếu đóng đủ 20 năm BHXH thì tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng là 45%. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì được tính thêm 2%.
Đối với lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2023 trở đi, nếu đóng đủ 15 năm BHXH thì tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng là 45%. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì được tính thêm 2%.
Tuy nhiên, với cả lao động nam và nữ, tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng tối đa là 75%.
Như vậy, lao động nam đóng BHXH 35 năm sẽ đạt được mức lương hưu tối đa là 75% mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH. Lao động nữ đóng BHXH 30 năm sẽ đạt được mức lương hưu tối đa là 75% đó.
Tỷ lệ hưởng tối đa là 75% nên mức hưởng lương hưu hàng tháng của mỗi người cao hay thấp là phụ thuộc vào mức bình quân tiền lương tháng/thu nhập tháng đóng BHXH cao hay thấp.
Năm 2022, người lãnh lương hưu cao nhất Việt Nam là ông P.P.N.T., nghỉ hưu từ năm 2015 với mức lương hưu gần 90 triệu đồng/tháng. Sau nhiều lần điều chỉnh, mức lương hưu năm 2022 của ông T. là 124,7 triệu đồng/tháng.
Nguyên nhân là trước đây, ông T. làm việc tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với mức lương đóng BHXH hàng trăm triệu đồng nên khi về hưu, lương hưu của ông cao theo nguyên tắc đóng nhiều - hưởng nhiều.
Tuy nhiên, từ sau ngày 1/1/2007, luật BHXH đã quy định khống chế mức trần tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Hiện lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng nên mức lương đóng BHXH cao nhất là 29,8 triệu đồng. Từ ngày 1/7, lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng nên mức lương đóng BHXH cao nhất là 36 triệu đồng/tháng. Do đó, sẽ không còn người có lương hưu cao đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng như ông T. nữa.