DMagazine

Những mảnh ghép lịch sử và nhiệm vụ đặc biệt trong rừng sâu

(Dân trí) - Nơi mảnh đất Triệu Voi, vẫn còn đó nỗi đau khi nhiều hài cốt đang nằm lại giữa đồi núi trùng điệp. Nhiệm vụ của người lính hôm nay là đi tìm đồng đội - những người hy sinh làm nhiệm vụ quốc tế.

25 mùa khô đi tìm liệt sỹ, với những người lính - Bộ chỉ huy Quân sự Hà Tĩnh, điều mong chờ nhất là đưa các anh trở về quê mẹ và tìm lại tên cho anh.

Nhưng ước muốn đó ngày một khó khăn bởi nhân chứng ngày càng ít đi, địa hình phức tạp. Trong khi đó, phần lớn không có sơ đồ mộ chí, các dấu vết để xác định vị trí mai táng hầu như không còn. Mỗi chuyến hành quân qua đất Triệu Voi, đội quy tập mang đầy nỗi trăn trở. 

Những mảnh ghép lịch sử và nhiệm vụ đặc biệt trong rừng sâu - 1

Đội quy tập hài cốt liệt sỹ - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh có 30 cán bộ chiến sỹ. Đến mùa khô ở Lào, từ tháng 10, họ sẽ lên đường qua đất nước Triệu Voi thực hiện nhiệm vụ đặc biệt - tìm kiếm quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại nước bạn Lào.

Đến tháng 5 năm sau, mùa mưa xuống, họ sẽ đưa các anh trở về đất mẹ. Cầm trên tay sổ ghi chép về thông tin người dân nước bạn Lào cung cấp, Thượng tá Phạm Hữu Tiến - Chính trị viên đội quy tập hài cốt liệt sỹ nói, dịp này, đội quy tập ở đơn vị, tập huấn để chuẩn bị cho hành trình tìm đồng đội vào mùa khô 2024-2025.

Những mảnh ghép lịch sử và nhiệm vụ đặc biệt trong rừng sâu - 3

Cũng vui khi những năm qua, đội luôn hoàn thành nhiệm vụ đặt ra. Trong mùa khô 2023-2024, đội đã tìm và đưa 11 hài cốt liệt sỹ về an táng tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Nầm (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh).

Nhưng tiếc thay, vẫn chưa xác định được danh tính của các anh. "Phía Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã lấy mẫu, đưa vào kho lưu trữ để phục vụ công tác xác minh danh tính cho liệt sỹ", Thượng tá Tiến nói. 

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh được Quân khu 4 giao nhiệm vụ tìm hài cốt trên hai địa điểm là tỉnh Bolykhamxay và thủ đô Viêng Chăn.

Tháng 10 hàng năm, 5 chiếc ô tô, 2 xe tải, 1 xe cứu thương cùng 30 cán bộ, chiến sỹ chuẩn bị hành trang, cuốc, xẻng, thực phẩm khô cùng những lá cờ Tổ quốc thắp lên hy vọng tìm kiếm đồng đội trên đất nước Triệu Voi.

Vòng qua những khúc cua tay áo trên con đường số 8 bên kia biên giới, đội quy tập dừng chân ở tỉnh Bolykhamxay rồi chia thành 2 hướng để đóng quân. Một mũi hướng về thị xã Bắc Chăn, hướng còn lại tiến về huyện Viêng Thoong (Bokykhamxay).

Và đến tháng 2 năm sau, họ sẽ rút quân để di chuyển đến thủ đô Viêng Chăn.

Những mảnh ghép lịch sử và nhiệm vụ đặc biệt trong rừng sâu - 5

"Năm nay đến bản này, sang năm lại di chuyển đến vùng khác. Nếu như trước đây, việc tìm kiếm dễ hơn do có sơ đồ mộ chí, có nhân chứng trực tiếp tham gia chiến trường hoặc người mai táng cho bộ đội thì nay phải tuyên truyền, vận động đến từng người, từng nhà. Không phải chuyến đi nào cũng thuận lợi, có thông tin. Mà có những nơi đến vận động, tuyên truyền nhiều lần, họ thật tin tưởng, mới cung cấp thông tin", Thượng tá Tiến kể.

Những nơi trước đây cha, anh ta từng hành quân, chiến đấu, giờ in đậm bước chân của chiến sỹ đội quy tập. Họ lật từng hộc đá, tấc đất, moi từng rễ cây để tìm kiếm đồng đội.

Mỗi chuyến đi, hành trang mang theo trên vai với hơn 20kg, đáp ứng đủ 10 ngày. Đó là lương thực, thực phẩm, võng, nilon, cuốc xẻng…

"Mùa khô kéo dài 7 tháng, hầu như anh em chủ yếu ở trong rừng. Cơm vắt, cá khô kèm thêm ít rau rừng ăn qua bữa. Những cánh rừng ở Lào càng vào sâu, nước đục ngầu, độc càng nhiều. Hành trình vào rừng tìm được nơi có nước trong là mừng, bởi có những địa điểm phải dùng nước đục để nấu cơm. Bởi thế, nhiều chiến sỹ mới đi lần đầu không quen, về nổi mẩn ngứa khắp người", Thượng tá Tiến tâm sự.

Những mảnh ghép lịch sử và nhiệm vụ đặc biệt trong rừng sâu - 7

Trên con đường tìm kiếm những mảnh ghép của lịch sử, người lính trong đội quy tập xem công việc này không chỉ là một sứ mệnh, mà là nghĩa tình dành cho đồng đội và Tổ quốc.

Họ không đi tìm danh vọng hay vinh quang giữa thời bình mà tìm lại những đồng đội đã hy sinh, còn nằm lại rừng sâu. Từng bước chân nhịp nhàng vang lên, họ không sợ vất vả, chỉ lo mỗi lần trở về số liệt sỹ tìm được ngày càng ít đi.

"Vất vả chúng tôi không sợ, chỉ sợ không tìm, đưa được các anh về như kỳ vọng", Thượng tá Tiến nói.

Những mảnh ghép lịch sử và nhiệm vụ đặc biệt trong rừng sâu - 9

Những cánh rừng ở Lào dần chuyển mình theo thời gian. Từng năm trôi qua, mỗi người lính tự trau dồi cho mình kinh nghiệm, nghiệp vụ riêng.

Lát cuốc phả xuống đất, lúc nặng trịch, lúc nhẹ nhõm và khi dấu vết của ngôi mộ, người lính sẽ dùng tay không bới nhẹ lớp đất.

Đất xốp, đất đen, là dấu vết đầu tiên để phân biệt vị trí này có hài cốt hay không. Rồi cúc áo, thắt lưng, đế giày… là những kỷ vật để khẳng định là bộ đội Việt Nam. Công tác tìm kiếm mộ liệt sỹ luôn được thực hiện cẩn trọng, tỉ mỉ.

Và hơn hết không phải vị trí nào cũng may mắn tìm được liệt sỹ. Có những vị trí như thách thức cho sự kiên trì, mất 4 năm bộ đội mới tìm đưa được liệt sỹ trở về.

"Vì thông tin địa điểm không chính xác, anh em dựa trên kinh nghiệm để nhận định. Như lần tìm kiếm mới nhất, vị trí mộ cách khoảng 20cm là đến nơi, nhưng anh em dừng lại. Phải mất hơn một năm, chúng tôi trở lại tìm lần thứ 2 mới thấy", Thượng tá Tiến chia sẻ. 

Những mảnh ghép lịch sử và nhiệm vụ đặc biệt trong rừng sâu - 11

Những năm gần đây, công việc tìm kiếm liệt sỹ khó khăn thêm bội phần. Nhất là địa bàn rừng núi phức tạp, các địa danh trước kia là cao điểm chiến đấu, nơi đóng quân ngày xưa của bộ đội ta lại nằm trong rừng sâu hiểm trở không có người qua lại.

Phần nữa hiện nay những người biết về phần mộ của các liệt sỹ đều đã mất, hoặc già cả không còn minh mẫn, không xác định được chính xác vị trí các phần mộ. 

"Giờ để có thông tin về mộ liệt sỹ ở Lào rất khó khăn. Có những thông tin cung cấp rất mơ hồ, anh em phải ngồi lại phân tích, đánh giá, hỏi thêm những cựu binh từng tham gia tại chiến trường Lào. Mỗi lần tìm kiếm, chúng tôi đều đặt các anh, các bác ở trong tâm. Cầu nguyện sao cho tìm được đúng hướng, đến vị trí mộ các anh nằm, thế là vui lắm rồi", Thượng tá Tiến bày tỏ.

Trong mùa khô 2023-2024, đội quy tập đã tìm kiếm, quy tập được 11 hài cốt liệt sỹ để đón các anh về với Tổ quốc sau nhiều năm ngã xuống trên đất nước Lào anh em.

Những mảnh ghép lịch sử và nhiệm vụ đặc biệt trong rừng sâu - 13

Nghĩa trang nằm dưới chân núi Nầm (huyện Hương Sơn), hàng nghìn ngôi mộ liệt sỹ trải dài hun hút tưởng chừng như vô tận. Trong không khí những ngày tháng 7, nghĩa trang đón hàng nghìn lượt người đến thắp nến, dâng hương tri ân.

Nghĩa trang nổi lên một màu, trắng của ánh nắng, của những ngôi mộ xen lẫn trong làn khói nghi ngút. Ký ức thời chiến như một thước phim quay chậm, mà mỗi lần nhắc đến đều chạm vào trái tim của mỗi người.

Vẫn còn đó nỗi đau khi nhiều hài cốt đang nằm lại giữa những đồi núi trùng điệp và còn đó nhiều hài cốt liệt sỹ đã được đưa về đất mẹ nhưng tấm bia mộ khắc dòng chữ "Liệt sỹ chưa xác định được thông tin".

Những mảnh ghép lịch sử và nhiệm vụ đặc biệt trong rừng sâu - 15

Ảnh: Dương Nguyên và Đội Quy tập hài cốt liệt sỹ Hà Tĩnh cung cấp

Nội dung: Dương Nguyên

Thiết kế: Patrick Nguyễn