DMagazine

Những cuộc đoàn tụ đặc biệt ngày Tết qua các bức ảnh

(Dân trí) - Cái Tết đoàn viên sau nửa thế kỷ, dẫu chỉ bằng một tấm ảnh được phục dựng giúp các gia đình liệt sỹ thêm ấm lòng trong những ngày Xuân đến.

Những cuộc đoàn tụ đặc biệt ngày Tết qua các bức ảnh - 1

28 Tết, trong hành trang từ Hà Nội về quê của Lê Quyết Thắng là những món quà đặc biệt, dành tặng gia đình thân nhân các liệt sỹ trên địa bàn xã Hưng Đạo (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) - quê hương Thắng.

"Dự án Tết liệt sỹ - Tri ân quê hương" kết thúc vào ngày 26/1 nhưng nhóm liên tục nhận được đề nghị từ các gia đình liệt sỹ với mong muốn có được bức ảnh phục dựng về con, cha, ông... của mình. Trước mong muốn chính đáng này, nhóm quyết định kéo dài dự án nhưng vì Tết, anh em đều phải hoàn thành công việc khác của mình nên lần này chỉ có thể thực hiện theo quy mô từng xã", Thắng cho biết.

Những cuộc đoàn tụ đặc biệt ngày Tết qua các bức ảnh - 3

Cùng với 100 bức ảnh trước đó, dịp này, nhóm Team Lee kịp hoàn thành 15 bức ảnh phục dựng chân dung liệt sỹ như món quà tri ân ngày Tết tới các gia đình liệt sỹ. Những bức ảnh là tâm huyết, tấm lòng và nhiều đêm thức trắng của những người trẻ tri ân cha ông đã không tiếc xương máu cho những cái Tết đoàn viên đầm ấm hôm nay.

Nhóm Team Lee thực hiện các bức ảnh phục dựng chân dung liệt sỹ từ 3 năm nay, nhưng đây là lần đầu tiên có một dự án dịp Tết.

"Tết là thời khắc ai cũng muốn về nhà, muốn đoàn tụ với người thân, được quây quần bên mâm cơm ấm cúng. Nhưng với những gia đình liệt sỹ thì không có được niềm vui ấy. Tết có chăng với họ là những buồn thương, những khắc khoải đợi chờ từ năm này đến năm khác mà biết chắc rằng người thân của mình không thể trở về.

Anh em Team Lee với mong muốn giúp thân nhân các liệt sỹ có một cuộc đoàn tụ thật ý nghĩa, như một niềm vui nho nhỏ trước thềm năm mới - đưa các liệt sỹ về Tết bằng những bức ảnh", Nguyễn Quốc Anh - thành viên nhóm Team Lee chia sẻ.

Tết đoàn viên đặc biệt qua những bức ảnh liệt sỹ (Video: Hoàng Lam).

Trong 1 tháng, 12 thành viên Team Lee đã dốc toàn bộ tâm huyết cho dự án đặc biệt của mình. Với bức ảnh còn rõ đường nét, việc phục dựng không quá phức tạp, nhưng đối với các trường hợp không có di ảnh, đó thực sự là một thử thách lớn đối với những chàng trai 9X này.

Với các trường hợp ảnh bị mờ, nhòe hoặc không có di ảnh, trong quá trình phục dựng, các thành viên phải thường xuyên duy trì liên lạc với thân nhân liệt sỹ để nhận góp ý, chỉnh sửa. Và thường, các bức ảnh này cũng mất nhiều thời gian, công sức hơn.

"Thậm chí có những trường hợp, anh em phải thức đến 2-3h, người nhà liệt sỹ cũng vậy, để trao đổi, thống nhất với nhau từng chi tiết nhỏ. Cũng có những lúc "đuối" nhưng nghĩ tới niềm mong mỏi của gia đình liệt sỹ, anh em lại động viên nhau cố gắng. Vui nhất là bức ảnh anh em trong nhóm phục dựng được thân nhân các liệt sỹ đón nhận, khen đẹp và giống với hình ảnh trong ký ức của họ", Phùng Quang Trung, thành viên nhóm Team Lee tâm sự.

Những cuộc đoàn tụ đặc biệt ngày Tết qua các bức ảnh - 5

Trưởng nhóm Lê Quyết Thắng lại phụ trách nhiệm vụ khó khăn hơn khi phục dựng chân dung liệt sỹ từ bức ảnh chụp ở góc nghiêng. Trong bức ảnh đen trắng, đường nét khuôn mặt liệt sỹ chỉ là một nét mờ ảo. Ở góc chụp này không thể hình dung được khuôn mặt, đặc biệt là các bộ phận như mắt, miệng.

"Liệt sỹ hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa lập gia đình, người lớn trong nhà thì đã mất, con cháu lại không ai biết mặt. Bởi vậy, việc phục dựng hình ảnh liệt sỹ phải thực hiện dựa trên miêu tả đường nét khuôn mặt người thân mà 9 người thì 10 ý.

Rất may, cuối cùng mọi người đều hài lòng với bức ảnh phục dựng. Hôm trao ảnh, các bác khóc, tâm sự với chúng tôi là như được nhìn thấy người thân của mình trở về. Với anh em trong nhóm, đó là niềm hạnh phúc, động viên rất lớn để vượt qua những trở ngại, khó khăn trong quá trình thực hiện dự án đặc biệt này", Lê Quyết Thắng chia sẻ.

Những cuộc đoàn tụ đặc biệt ngày Tết qua các bức ảnh - 7

"Từ hôm các cháu gửi bức ảnh qua điện thoại, tôi đã không kìm được nước mắt, chỉ mong đến ngày được "gặp" ông ấy. Hơn 50 năm rồi...", bà Lê Thị Vinh (trú tại phường Hưng Bình, thành phố Vinh, Nghệ An) - vợ liệt sỹ Phạm Thìn - rưng rưng xúc động.

Chiến tranh, như bao nhiêu gia đình khác, bà Vinh không được hưởng niềm hạnh phúc ở gần chồng. Hai người cùng làng, lớn lên rồi yêu nhau. Năm 1950, chàng trai Phạm Thìn (SN 1930) lên đường nhập ngũ. Tình yêu nối liền bằng sự tin tưởng và chờ đợi thủy chung. Một năm sau, người lính về phép, họ nên duyên vợ chồng. "Ở với nhau được đúng một ngày thì ông ấy đi", bà Vinh nghẹn ngào.

Những cuộc đoàn tụ đặc biệt ngày Tết qua các bức ảnh - 9

Năm 1960, hay tin Tiểu đoàn Nguyễn Viết Xuân đang đóng quân ở Thanh Hóa, bà Vinh lặn lội từ Nghệ An ra thăm chồng. Người con gái đầu Phạm Thị Hoa được hoài thai...

3 năm sau, ông Thìn về phép, vợ chồng trẻ có với nhau người con thứ 2. Đó cũng là lần cuối cùng bà gặp chồng, bởi năm 1966, trên đường hành quân vào Nam, ông tranh thủ ghé qua nhà thì bà Vinh đang học tại Hà Nội. 3 ngày sau, ông Thìn hi sinh khi đang trên đường vào chiến trường.

Một mình bà Vinh thờ chồng, nuôi dạy các con. Niềm an ủi duy nhất của bà là tấm ảnh người chồng đã nhòe mờ bởi thời gian và những giọt nước mắt nhớ thương, buồn tủi của người vợ...

Hơn 50 năm trôi qua, tấm hình đã mờ, mà mắt bà Vinh thì cũng đã nhòe đi... "Ảnh các cháu làm giống ông ấy lắm, đẹp trai và vẫn trẻ như xưa", bà Vinh cười khi ôm trong lòng tấm ảnh chồng nhưng đôi mắt đã ướt đẫm.

Những cuộc đoàn tụ đặc biệt ngày Tết qua các bức ảnh - 11

"Mình về ăn Tết bố nhé", chị Hoa - con gái liệt sỹ Phạm Thìn nghẹn ngào. Ký ức một đứa trẻ 5 tuổi về bố sau nhiều năm đã trắng xóa nhưng nhìn bức ảnh khắc họa chân dung với nhiều nét giống em gái, lại được mẹ khẳng định "giống như lột", chị thấy gần gũi, như đang ôm người bố thân yêu bằng da, bằng thịt...

"Cảm ơn các chàng trai Team Lee và tất cả mọi người, đã cho chúng tôi một cái Tết ấm áp khi được đón người thân trở về, dẫu qua một tấm hình", chị Hoa xúc động chia sẻ.

Trong buổi lễ trao tặng ảnh thuộc dự án "Tết liệt sỹ - Tri ân quê hương" được tổ chức tại thành phố Vinh vào một ngày cuối năm, chị em bà Nguyễn Thị Minh Đức (64 tuổi, quê Hương Sơn, Hà Tĩnh) vẫn ngồi lặng lẽ, chờ đến lượt đón nhận bức ảnh bố mình - liệt sỹ Nguyễn Mãn và người chú ruột, liệt sỹ Nguyễn Mai Tám. Chị em bà Đức là một trong những người cuối cùng nhận ảnh, cũng bởi câu chuyện đặc biệt của họ.

"Năm tôi 3 tuổi thì bố đi B. dài (chiến trường miền Nam), khi đó em gái tôi đang nằm trong bụng mẹ. Năm 1965 ông hi sinh, trong đội hình Sư đoàn 3 - Sao Vàng mở cuộc tấn công đợt đầu vào cứ điểm địch tại Bình Định. Hai năm sau, chú ruột tôi là Nguyễn Mai Tám cũng hi sinh", bà Đức kể.

3 tuổi, bà Đức còn quá nhỏ để lưu giữ trong ký ức hình ảnh về bố. Bức ảnh duy nhất liệt sỹ Mãn để lại được chụp năm 1963, thời điểm ông được ra Hà Nội báo công với Bác Hồ. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, bức ảnh đã không còn rõ nét.

Những cuộc đoàn tụ đặc biệt ngày Tết qua các bức ảnh - 12

"Tôi theo dõi các cháu trong nhóm Team Lee từ 2 năm rồi. Đây là lần thứ 3 tôi gửi ảnh để nhờ các cháu phục dựng, may mắn lần này hữu duyên. Ông bà, mẹ tôi và các cô chú, cậu dì lần lượt qua đời, chỉ còn 2 chị em tôi.

Chúng tôi không có nhiều ký ức về hình ảnh bố nên các cháu phục dựng ảnh cũng rất khó khăn do ảnh gốc đã quá mờ. Tôi phải đến gặp các bác cao tuổi trong làng để họ kể, góp ý về hình ảnh của bố. Có những đêm 2-3h, cô cháu vẫn thức để trao đổi với nhau để làm sao bức ảnh phục dựng giống nhất", bà Đức kể lại.

Ôm tấm ảnh bố trong tay, bà Đức nghẹn ngào. Trong bức ảnh, bố vẫn rất trẻ, nhìn con gái với ánh mắt đầy động viên, khích lệ. Bên cạnh, người em gái bà cũng đỏ hoe mắt khi ôm tấm di ảnh của người chú ruột, đã mãi mãi dừng lại ở tuổi 21...

"Xúc động lắm, khi hôm nay chị em chúng tôi được đón bố, đón chú trở về đoàn tụ với ông bà, với mẹ", bà Đức tâm sự.

Với bà Đức và hàng trăm gia đình liệt sỹ khác, Tết này thực sự là Tết đoàn viên.

Nội dung: Hoàng Lam

Thiết kế: Đức Bình