Những ca phẫu thuật "0 đồng" và hành trình tìm lại nụ cười cho trẻ thơ

Hạnh Linh

(Dân trí) - Không may sinh ra với cơ thể khiếm khuyết, song nhờ tình yêu thương của gia đình, hỗ trợ của các ngành chức năng, nhiều em nhỏ đã tìm lại được nụ cười sau ca phẫu thuật "0 đồng".

Ở tuổi 11, em Đặng Thị Vân Anh, thôn Nam Vượng, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã trải qua hai lần phẫu thuật trên khuôn mặt. Cô bé có nước da bánh mật, đôi mắt sáng, nhưng tuổi thơ đầy thiệt thòi khi sinh ra với dị tật hở hàm ếch, sứt môi bẩm sinh.

Theo chị Nguyễn Thị Thanh, mẹ của Vân Anh, năm 2013, khi đang làm công nhân ở Bình Dương, chị kết hôn với anh Đặng Văn Hòa. Một năm sau, họ đón cặp bé gái song sinh ra đời. "Bé Vân Anh nặng 1,1kg, em gái 1,2kg, các con yếu, phải nuôi trong lồng kính", chị Thanh nhớ lại.

Những ca phẫu thuật 0 đồng và hành trình tìm lại nụ cười cho trẻ thơ - 1
Bé Vân Anh khi chưa được phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch (Ảnh: Hạnh Linh).

Không may mắn như em gái, Vân Anh bị sứt môi, hở hàm ếch. Mỗi lần nhìn con, lòng chị Thanh quặn thắt.

Chị Thanh cho biết, do dị tật, Vân Anh ăn uống khó khăn, chậm phát triển ngôn ngữ, hay mắc bệnh về đường hô hấp.

"Nhiều lần cháu ốm nặng, cơ thể yếu ớt, ai nhìn cũng sợ. Có người bảo, cháu yếu quá, không sống được, con bé không phải là người, khuyên gia đình tôi bỏ cháu đi. Nhưng tôi nghĩ, mỗi đứa trẻ được sinh ra là duyên số, các bé có quyền được sống, được gia đình chăm sóc", ông Đặng Văn Điều, ông nội Vân Anh, chia sẻ. 

Năm Vân Anh hơn 1 tuổi, ông Điều biết đến chương trình "phẫu thuật 0 đồng" của Tổ chức phẫu thuật nụ cười Việt Nam. Ông đã đăng ký tham gia với hy vọng cháu gái được phẫu thuật, tìm lại nụ cười.

"Đầu năm 2016, Vân Anh được đưa ra Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để khám, phẫu thuật. Sau cuộc phẫu thuật, khoảng hở ở môi, hàm được đóng kín, giúp cháu phát triển ngôn ngữ. Lên 3 tuổi, cháu tập nói được", ông Điều kể.

Gia đình ông được Quỹ Bảo trợ trẻ em hỗ trợ kinh phí phẫu thuật, tiền ăn uống, đi lại, giúp vơi bớt gánh nặng kinh tế.

Năm 2020, Vân Anh bước vào cuộc phẫu thuật lần 2 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba. Lần này, ai cũng nghĩ cô bé "không qua khỏi" vì sức khỏe yếu. Nhưng "kỳ tích" đã xảy ra, sau 45 phút phẫu thuật, Vân Anh dần tỉnh lại.

Những ca phẫu thuật 0 đồng và hành trình tìm lại nụ cười cho trẻ thơ - 2
Vân Anh phát triển bình thường sau khi được phẫu thuật. Cô bé học tại Trường Tiểu học Ngư Lộc 1 (Ảnh: Hạnh Linh).

Với mong muốn cháu gái có khuôn mặt đẹp, giọng nói hay hơn, gia đình ông Điều đưa Vân Anh ra bệnh viện để khám, sàng lọc, phẫu thuật thẩm mỹ môi, vòm miệng. Tuy nhiên, các bác sĩ tư vấn, đến năm Vân Anh 16 tuổi sẽ thực hiện phẫu thuật lần 3.

Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho biết, dị tật sứt môi, hở hàm ếch ảnh hưởng nghiêm trọng đến vẻ ngoài và tinh thần của trẻ. Những dị tật ấy khiến trẻ tự ti, ngại giao tiếp, gặp khó khăn trong cuộc sống hàng ngày.

Theo ông Quang, những ca phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch được ví như "phép màu" đối với các trẻ khuyết tật. "Sau phẫu thuật, các em thoát khỏi những khó khăn trong ăn uống, cải thiện sinh hoạt hàng ngày, mang lại sự tự tin. Từ đó, trẻ có hy vọng, niềm tin về một tương lai tươi sáng", ông Quang bày tỏ.

Những ca phẫu thuật 0 đồng và hành trình tìm lại nụ cười cho trẻ thơ - 3
Ông Điều hạnh phúc kể về hành trình "tìm lại nụ cười" của cháu gái (Ảnh: Hạnh Linh).

Theo Quỹ Bảo trợ trẻ em Thanh Hóa, từ năm 2010 đến nay, đơn vị đã phối hợp với Tổ chức phẫu thuật nụ cười Việt Nam (Operation Smile Vietnam), Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam thực hiện hơn 400 ca phẫu thuật miễn phí cho các bé bị dị tật trên địa bàn. Hàng nghìn trẻ em được khám sàng lọc về các dị tật ở vùng hàm, mặt.

Ông Lại Thế Quảng, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Thanh Hóa chia sẻ: "Phẫu thuật không chỉ làm giảm đi những dị tật, tìm lại khuôn mặt, nụ cười lành lặn mà còn xóa bỏ mặc cảm, hàn gắn những tổn thương về thể chất, tinh thần cho trẻ. Từ đây, trẻ tự tin làm chủ chính mình, hòa nhập, phát triển bình thường.

Chúng tôi rất vinh dự khi là "cầu nối" mang đến niềm hạnh phúc, mở ra hy vọng đến những trẻ kém may mắn. Nụ cười, niềm vui của gia đình các bé là động lực để chúng tôi cố gắng, nỗ lực trong công việc".