(Dân trí) - "Tình trạng gia tăng người rút BHXH một lần xuất phát từ thực tế đời sống khó khăn, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, sự thiếu hiểu biết về lợi ích lâu dài của Quỹ BHXH với chế độ hưu trí…"
"Tình trạng gia tăng người rút BHXH một lần xuất phát từ thực tế đời sống khó khăn, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, sự thiếu hiểu biết về lợi ích lâu dài của Quỹ BHXH với chế độ hưu trí…".
Ông Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, chuyên gia về việc làm, tiền lương và an sinh xã hội, trao đổi với PV Dân trí về thực trạng và hệ lụy của tình trạng gia tăng số người rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần trong những tháng cuối năm 2021.
Theo cảnh báo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (được công bố trong tháng 11 vừa qua), tính đến hết tháng 10/2021, cả nước có hơn 700.000 người làm thủ tục hưởng BHXH một lần, tăng gấp 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm 2021. Đặc biệt, con số này tăng 5,45% so với cùng kỳ năm 2020.
Thưa ông, là một người theo dõi khá lâu về việc thực hiện chính sách BHXH, từ những số liệu mới được BHXH Việt Nam công bố hôm 21/11, ông có suy nghĩ gì về điều này?
- Điều này rất không tốt và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động khi về già. Không hiểu lúc có tuổi, người lao động sống như thế nào nếu không có nguồn thu nhập cơ bản và thường xuyên. Hơn nữa, tình trạng này sẽ khiến chúng ta không thể thực hiện được mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 28 NQ/TW của Trung ương về cải cách chính sách BHXH và bảo đảm an sinh xã hội toàn dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 "Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội" (Điều 34).
Sâu xa hơn, cần xác định nguyên nhân căn cơ khiến gia tăng tình trạng rút BHXH một lần, đặc biệt trong bối cảnh tác động của Covid-19 còn lâu dài, thưa ông?
- Về nguyên nhân, người lao động rút BHXH một lần cơ bản vẫn là do đời sống quá khó khăn, không còn khả năng nào để bảo đảm cuộc sống trước mắt. Tiếp đến là do tác động của đại dịch Covid-19 kéo dài suốt 2 năm qua, chúng ta phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người dân. Nguyên nhân tiếp theo là do sự hỗ trợ của Nhà nước, mặc dù đã rất cố gắng, nhưng chưa đủ để người dân bảo đảm đủ sống trước mắt. Vấn đề này cũng do chúng ta chưa xây dựng được quỹ trợ cấp đột xuất xã hội, nên chủ yếu mới chi hỗ trợ người dân từ các gói an sinh xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo, từ sự thiện tâm của cộng đồng xã hội, nhưng chưa đủ bù đắp cho người dân lúc khó khăn;
Nguyên nhân nữa là do người lao động chưa hiểu biết đầy đủ về vai trò vị trí quan trọng của BHXH, như là của để dành, do Nhà nước thực hiện để chăm lo cho người dân khi về già. Quỹ này được quản lý tập trung tại Trung ương, được đầu tư tăng trưởng quỹ khi kết dư, chi trả đầy đủ, đúng chính sách cho người lao động theo nguyên tắc đóng hưởng, công khai minh bạch và bảo đảm giá trị thực tế của lương hưu. Do đó khi nền kinh tế đất nước phát triển, hoặc giá cả tăng lên Nhà nước điều chỉnh tăng thêm để bảo đảm đời sống cho người nghỉ hưu, theo quan điểm không thấp hơn sàn an sinh xã hội.
Thưa ông, Luật BHXH năm 2014 đã đi vào thực tế được 7 năm. Là một chuyên gia đã có hàng chục năm nghiên cứu, theo đuổi việc xây dựng chính sách này, theo ông, công tác triển khai chính sách BHXH một lần có điều gì đáng nói?
- Ngay sau khi ban hành Luật BHXH năm 2014, các ngành chức năng và chính quyền các cấp đã tập trung triển khai toàn diện và sâu rộng. Nhưng có thể nói tổng quát, hiệu quả còn hạn chế cả về chiều rộng và bề sâu. Do đó, nhiều người chưa hiểu một cách đầy đủ toàn diện về chính sách BHXH, như là trụ cột cơ bản của hệ thống an sinh xã hội, chính sách của Nhà nước để chăm lo cho người dân khi về già có lương hưu và được chăm sóc sức khỏe do được cấp thẻ BHYT.
Đây là chính sách được hình thành ngay từ khi thành lập nước, tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và ngày càng tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế, thể hiện bản chất tốt đẹp, rất nhân văn của Nhà nước ta.
Tuy nhiên, khi Luật vừa ban hành, chưa có hiệu lực thi hành, người lao động chưa nhận thức hết đã phản ứng chính sách, Quốc hội đã phải ra một nghị quyết bất thường cho tạm dừng Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Đây là một tiền lệ chưa bao giờ có trong lịch sử pháp luật của đất nước chúng ta. Do Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội quy định các điều kiện hưởng BHXH một lần, nhằm hạn chế người lao động rút quỹ bảo hiểm hưu trí khi đang có khả năng tham gia bảo hiểm xã hội.
Nhưng người lao động không hiểu rõ, đã phản ứng, dẫn đến một số công ty, doanh nghiệp đình công. Từ đó, Quốc hội phải xem xét và ban hành Nghị quyết số 93 năm 2015, Quốc hội khóa XIII, về thực hiện chính sách BHXH một lần.
Sau khi Nghị quyết số 93 của Quốc hội có hiệu lực, năm 2016 đã có hơn 600.000 người có quyết định hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần, sau đó tiếp tục cứ tăng lên. Đặc biệt khi đại dịch Covid-19 diễn trong năm 2020 và 2021, số người rút BHXH một lần tăng nhanh: Số người hưởng một lần gần bằng số người tham gia vào hệ thống BHXH.
Điều này rất đáng suy nghĩ cho hệ thống an sinh xã hội lâu dài của đất nước và rõ ràng dẫn đến một hệ lụy là chúng ta sẽ không thể thực hiện được mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân, theo tinh thần Nghị quyết số 28 của Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH.
Qua câu chuyện thực tế xung quanh việc thực hiện Điều 60 của Luật BHXH như ông đề cập, có thể thấy bài học gì cần rút ra cho việc triển khai chính sách BHXH tới đây?
- Đây là bài học rất sâu sắc khi ban hành luật. Trong trường hợp này, chúng ta chưa làm tốt công tác tuyên truyền, chưa thật sự lắng nghe ý kiến của người lao động, tiếp thu giải trình chưa thấu đáo, thuyết phục. Thậm chí, công tác tham vấn công chúng chưa rộng khắp. Quá trình đánh giá tác động của chính sách chưa đầy đủ cả về kinh tế và xã hội, dẫn đến phản ứng ngược và theo hiệu ứng đám đông.
Qua vấn đề này cho thấy bài học sâu sắc hơn về công tác xây dựng, sửa, đổi luật pháp phải xuất phát từ nhu cầu cuộc sống và phù hợp với phạm vi và đối tượng điều chỉnh. Tuân thủ đúng quy trình thủ tục theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung chính sách sửa, đổi phải được đánh giá tác động cả về kinh tế, xã hội và bảo đảm bình đẳng giới.
Về quá trình nghiên cứu, chúng ta cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế phù hợp, lấy ý kiến các nhà quản lý, chuyên gia, các nhà khoa học. Nhưng đặc biệt vẫn cần lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động và tham vấn công chúng, qua đó để tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức, tạo sự đồng thuận, tránh sự phản ứng không đáng có khi ban hành luật.
Tuy nhiên, Nhà nước phải có trách nhiệm xây dựng pháp luật bảo đảm tuân thủ Hiến pháp, đồng bộ và vì lợi ích chính đáng của Nhân dân. Do đó nếu vấn đề nhân dân chưa rõ, chúng ta cần thuyết phục và phân tích cụ thể để tạo sự thống nhất. Vấn đề đã đúng, trúng nhất thiết phải bảo vệ, không thể vì số ít phản đối hoặc có ý kiến trái ngược mà chùn bước hoặc thỏa hiệp. Bản chất của quỹ hưu trí là của để dành của người lao động, tích lũy từ khi đi làm để về già có lương hưu bảo đảm cuộc sống ổn định.
BHXH là trụ cột chính của an sinh xã hội, được Nhà nước thực hiện, hỗ trợ, quản lý, đầu tư sinh lời và bảo toàn như là trách nhiệm chính trị thể hiện vai trò của Nhà nước chăm lo đời sống Nhân dân. Trong khi đó, Hiến pháp cũng đã nêu rõ "Công dân có quyền được đảm bảo an sinh xã hội" và quan điểm của Đảng không để ai bị bỏ lại phía sau.
Theo tìm hiểu của ông, việc triển khai những mô hình tương tự như BHXH một lần ở các nước lân cận Việt Nam ra sao và có gì đáng tham khảo?
- Theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO): Để bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động trong dài hạn, các quốc gia trên thế giới không cho phép người lao động tham gia BHXH được rút BHXH một lần, trừ trường hợp đặc biệt như ra nước ngoài định cư hay hết tuổi lao động nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu. Trong trường hợp trên, các nước cũng thường khuyến khích người lao động đóng tiếp để được hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.
Được biết trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ thực hiện những bước đầu tiên cho quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo sửa đổi Luật BHXH năm 2014. Liên quan tới chuyện rút BHXH một lần, ông có những khuyến nghị gì?
- Đối với nước ta, tôi vẫn giữ quan điểm cần thực hiện chính sách BHXH một lần, nhưng chỉ trong các trường hợp đặc biệt, như: Định cư ra nước ngoài dài hạn, đến tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng chưa đóng đủ thời gian theo quy định (trừ trường hợp người lao động có thể đóng bổ sung trước và sau thời gian tham gia để đủ điều kiện về thời gian đóng).
Các trường hợp còn lại nên khuyến khích tiếp tục tham gia để bảo đảm về già có lương hưu, trong điều kiện chúng ta sẽ giảm thời gian đóng xuống 15 năm và có thể xuống 10 năm. Tuy nhiên nên có chính sách hỗ trợ thông qua vay vốn ưu đãi, trợ cấp khó khăn để người lao động không rút BHXH một lần.
Đặc biệt với những trường hợp người lao động còn trẻ và mới tham gia vào thị trường lao động, tôi xin lưu ý việc tham gia BHXH vừa là quyền lợi khi tuổi già, vừa là trách nhiệm với cộng đồng, xã hội theo nguyên tắc phát triển bền vững, tham gia vừa là chăm lo cho chính mình, tích lũy để dành để hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn, hưu trí và tử tuất. Đây là quyền lợi rất quan trọng và người lao động cần cân nhắc thật kỹ trước khi bàn tới chuyện rút BHXH một lần.
- Xin cảm ơn ông!