1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Con gái rớt nước mắt vì mẹ đã rút BHXH một lần, không đóng lại được

Hoàng Mạnh Xuân Hinh

(Dân trí) - "Những năm 1990, vì khó khăn và sức yếu, mẹ đã nhận chế độ hưu non một lần. Khoản tiền không hỗ trợ được gì nhiều. Giờ nhìn mẹ già không có lương hưu, lòng tôi quặn đau…".

Chị Lê Phương Hoa (Phường Quang Trung, TP Nam Định) chia sẻ về câu chuyện của mẹ đẻ. Bà mẹ chị vốn là công nhân nhà máy dệt Nam định những năm 80-90 của thế kỷ trước. Tới năm 1991, bà chủ động xin nhận chế độ một lần để có một khoản tiền cho gia đình.

"Rút BHXH một lần, không đóng nối được, mẹ ạ…"

Khi đó với khoản tiền nhỏ, mẹ của chị dùng để buôn bán nhỏ lẻ nhưng kết quả không như mong muốn. Nay đã 65 tuổi, mẹ chị giờ không có lương hưu và hàng năm vẫn phải mua bảo hiểm y tế hộ gia đình. Cũng có khoản tiết kiệm nhỏ xíu phòng lúc hậu sự, nhưng bà cụ vẫn thở dài mỗi khi thấy các bà hàng xóm rủ nhau đi đổi thẻ BHYT và lĩnh lương hưu. 

"Còn người là còn phải ăn uống và chi tiêu. Lương hưu của các bà hàng xóm từ 3-4 triệu đồng/tháng. Không nhiều nhưng đều đặn và rất quý vì tuổi già không có thu nhập gì thêm", mẹ chị Lê Phương Hoa nói.

Con gái rớt nước mắt vì mẹ đã rút BHXH một lần, không đóng lại được - 1

Lương hưu là "của để dành" giúp người cao tuổi bớt hạn chế những sức ép từ chi tiêu trong cuộc sống (Ảnh minh họa).

Chị Lê Phương Hoa giờ đã lên Hà Nội làm việc và sinh sống. Mỗi khi về quê thăm và chị đều biếu bố mẹ chút tiền ăn sáng. Khi đó, mẹ già đều rơm rớm nói với cô con gái: "Con giờ đã có gia đình riêng. Bố mẹ lại không có lương hưu nên phải nhờ nhiều vào các con. Biết thế lúc trước, mẹ không nhận lương hưu một lần thì nay đã đỡ đần các con đôi chút". 

Thương mẹ, chị chỉ cười và động viên bà. Nhưng trong lòng, chị Lê Phương Hoa thực sự rối bời với trăn trở: "Tại sao chính sách không thể quy định cho phép những người đã rút BHXH một lần có thể tham gia đóng tiếp. Dù có thể chấp nhận thiệt thòi đôi chút nhưng về lâu dài vẫn đảm bảo an sinh xã hội cho cá nhân họ và cả cộng đồng?". 

Tương tự vào hoàn cảnh trên, chị Hoàng Thu Hoài (55 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng trót nhận lương hưu một lần khi đã có 13 năm tham gia bảo hiểm xã hội. 

Cách đây 7 năm, nghe con trai có ý định đầu tư kinh doanh quán ăn ở TPHCM, chị nghĩ: "Trường hợp mình chả biết bao giờ mới đủ tuổi hưu và còn phải đóng thêm tiền để có khoảng hơn 2 triệu tiền đồng lương hưu. Mà mức lương đó thì không hấp dẫn lắm". 

Với tâm lý "cá chuối đắm đuối vì con…", chị Hoàng Thu Hoài âm thầm đi rút BHXH một lần và cũng không tham khảo ý kiến của người khác. 

Chỉ khi nhận trên tay mấy chục triệu đồng, chị Hoàng Thu Hoài mới chợt tỉnh vì những phân tích rạch ròi của người thân. Nhưng giờ thì đã muộn: Pháp luật bảo hiểm xã hội hiện chưa có quy định hình thức cho người lao động đã rút BHXH một lần được đóng nối tiếp chế độ BHXH để hưởng cộng dồn.

Con gái rớt nước mắt vì mẹ đã rút BHXH một lần, không đóng lại được - 2

Khi cao tuổi, người lao động không có nhiều nguồn thu ổn định ngoài lương hưu (Ảnh: Hoàng Mạnh).

Với khoản tiền vài chục triệu đồng "của để dành" của mẹ, anh con trai đã cho "bốc khói" rất nhanh chỉ vì những tính toán non nớt về kinh doanh.

Giờ đã 55 tuổi, chị Hoàng Thu Hoài ân hận vì những bồng bột trong việc rút BHXH một lần. "Biết thế, tôi cứ bảo lưu thời gian đóng BHXH và tìm thêm một công việc mới. Giờ thì quy định đóng BHXH cũng dễ hơn trước…", chị tâm sự.

Với chị Trương Lan Anh (quận 7, TPHCM), việc rút BHXH một lần đang là điều được cân nhắc. Tham gia BHXH ở một công ty của nhà nước được 10 năm, chị Trương Lan Anh nghỉ việc và ra ngoài kinh doanh riêng.

"Tôi đang cần vốn để đầu tư thêm cho việc kinh doanh nhỏ. Bí vốn quá, có người gợi ý hay tôi rút khoản BHXH một lần để có thêm mấy chục triệu đồng. Họ khuyên tiền của tôi đóng góp thì tôi có quyền quyết định. Nghe cũng bùi tai, tôi suy tính thêm một chút trước khi quyết định…". 

Dùng trước "của để dành", thiệt đủ đường

Trao đổi với PV Dân trí về câu chuyện rút BHXH một lần, bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (BHXH Hà Nội), cho biết: "Theo quy định trước đây, do đặc điểm tình hình của nước ta, có những trường hợp do yêu cầu tổ chức, công nhân, viên chức được cơ quan, xí nghiệp cho thôi việc để giảm nhẹ biên chế, kiện toàn tổ chức".

Trường hợp những đối tượng trên được tuyển dụng trở lại làm việc ở cơ quan hay xí nghiệp, bà Dương Thị Minh Châu giải thích: "Nếu trong thời gian nghỉ việc vẫn nghiêm chỉnh chấp hành mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, họ sẽ được cộng thời gian đã công tác trước khi nghỉ việc với thời gian trở lại công tác sau này để tính là thời gian công tác liên tục, trừ thời gian nghỉ việc không tính".

Con gái rớt nước mắt vì mẹ đã rút BHXH một lần, không đóng lại được - 3

Từ 1/1/2022, lương hưu và trợ cấp BHXH tăng thêm 7,4% so với mức của tháng 12/2021 (Ảnh: Hoàng Mạnh).

Chính vì vậy, trường hợp người lao động tự rút BHXH một lần thực sự là việc cần cân nhắc kỹ, trừ trường hợp đó là phải đi ra nước ngoài hay mắc bệnh hiểm nghèo. 

Cũng theo bà Dương Thị Minh Châu, khi nhận chế độ BHXH một lần, người lao động sẽ mất đi nhiều cơ hội hưởng các chế độ khác của chính sách BHXH như hưu trí, tử tuất. Không có gì đảm bảo cho cuộc sống lúc tuổi già ảnh hưởng đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho bền vững cho xã hội. 

Trường hợp bảo lưu thời gian tham gia BHXH, khi có điều kiện tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ một phần từ kinh phí Nhà nước, hoặc đến thời điểm người lao động đủ tuổi đời nghỉ hưu và có trên 10 năm đóng BHXH bắt buộc thì người lao động được đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiều và hưởng hưu ngay sau tháng đóng đủ.

"Trường hợp người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH có từ đủ 12 tháng đóng BHXH bắt buộc, hoặc 60 tháng đóng BHXH tự nguyện, nếu chẳng may bị mất đi, gia đình còn được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở, và trợ cấp tuất một lần thì mức trợ cấp được tính như BHXH một lần", bà Dương Thị Minh Châu nói.

Nhận BHXH một lần thiệt hơn nhận lương hưu

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Dũng Hà - Phó Giám đốc BHXH TPHCM, chia sẻ một ví dụ so sánh mức hưởng BHXH một lần và lương hưu.

Theo đó, trường hợp 2 người cùng tham gia BHXH trong thời gian 20 năm với cùng mức lương đóng BHXH là 10 triệu đồng/tháng. Đến năm 2021, 2 trường hợp trên đều đủ điều kiện nhận lương hưu.

Căn cứ vào quy định hiện hành, người nhận BHXH một lần sẽ được 640.855.000 đồng (nam hoặc nữ). Còn trong trường hợp nhận lương hưu: Người lao động nam sẽ nhận lương hưu mức khoảng 8,9 triệu đồng/tháng và lao động nữ sẽ nhận khoảng 10,5 triệu đồng/tháng. Cũng với cách tính này, sau 72 tháng, người hưu trí nam sẽ nhận được tổng số tiền tương đương với số tiền BHXH một lần nêu trên (640.855.000 đồng), với lao động nữ sẽ cần 60,9 tháng (tương đương 5 năm và 1 tháng) sẽ nhận bằng 640.855.000 đồng.

Ông Trần Dũng Hà cho biết thêm: "Tuy nhiên, do mức lương hưu được điều chỉnh hàng năm theo hướng tăng lên, nên thực tế số tháng theo tính toán nói trên sẽ được rút ngắn hơn".

Ngoài ra, người có lương hưu còn nhận thêm chế độ BHYT miễn phí trọn đời, còn người nhận BHXH một lần thì phải tự chi tiền tham gia BHYT theo diện hộ gia đình.