1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Bình Định:

Nhiều lao động nữ tăng thu nhập từ nghề đan bàn ghế nhựa giả mây

Doãn Công

(Dân trí) - Vài năm gần đây, nghề đan gia công sản phẩm bàn ghế nhựa giả mây đang tạo thêm nguồn thu cho nhiều phụ nữ nông thôn ở Bình Định. Thậm chí, những cụ già cũng có thể làm để giúp đỡ con cháu.

Hơn 3 năm qua, sau khi phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, bà Trần Thị Nguyên (64 tuổi, ở thôn An Hòa 2, xã Phước An, huyện Tuy Phước) không thể làm công việc nặng.

Nhiều lao động nữ tăng thu nhập từ nghề đan bàn ghế nhựa giả mây  - 1
Nghề đan dây nhựa giả mây đang tạo công ăn việc làm, kiếm thêm thu nhập cho lao động nữ nông thôn, người già ở Bình Định.

Gần đây, chồng bà lại bị bệnh nặng nên ruộng vườn cũng bỏ luôn, từ đó cuộc sống gia đình cũng vất vả hơn. Song, nhờ vào công việc đan gia công bàn ghế nhựa giả mây mà vợ chồng bà có đồng ra đồng vào, lo trang trải cuộc sống.

Theo bà Nguyên, nghề đan gia công bàn ghế nhựa giả mây chẳng phải học, người tinh ý nhìn qua có thể đan được. Khó nhất là công đoạn bắn ghim dây nhựa vào các khung sắt, công việc này thường là chị em trẻ tuổi nhanh tay nhanh mắt. Còn đan thì rất đơn giản, cứ nan trên nan dưới, đan đến khi hết dây đã bắn ghim vào khung sắt là xong.

Nhiều lao động nữ tăng thu nhập từ nghề đan bàn ghế nhựa giả mây  - 2
Cụ Nguyễn Thị Chín (90 tuổi, ở thôn An Hòa 2, xã Phước An) hằng ngày vẫn ngồi đan vừa rèn luyện tinh thần minh mẫn, vừa kiếm tiền không phụ thuộc vào con cháu.

"Tuy đã mổ nhưng công việc nặng thì tôi chịu. Đến nay, bệnh vẫn chưa bình phục hẳn, cuộc sống gia đình càng thêm khó khăn. Nhờ trong thôn có người nhận hàng gia công về chia sẻ cho làm nên vợ chồng cố gắng làm kiếm tiền chợ búa hàng ngày, bớt nhờ vả con cái", bà Nguyên chia sẻ.

Được bà Nguyên chia sẻ cho làm cùng, cụ Lê Thị Cúc (82 tuổi) cũng nhờ vào công việc này đã giúp bà không chỉ có thêm tiền ăn sáng mà quan trọng hơn là tinh thần tuổi già vui vẻ, không quá lệ thuộc vào con cháu.

Nhiều lao động nữ tăng thu nhập từ nghề đan bàn ghế nhựa giả mây  - 3
Công việc đan dây nhựa khá đơn giản nên hằng ngày cụ Lê Thị Cúc (82 tuổi) đến nhà hàng xóm xin làm để giúp đỡ con cháu. 

"Tôi có 8 người con đã lập gia đình hết, các con đều làm nông nên cuộc sống còn nhiều vất vả. Tôi nghĩ mình còn sức khỏe thì còn làm để con cháu bớt lo. Hơn nữa, tuổi già ngồi ở nhà mãi cũng buồn, làm việc tôi thấy tinh thần mình thoải mái, vui hơn", cụ Cúc bộc bạch.

Kinh nghiệm 2 năm trong nghề, chị Nguyễn Thị Sen (43 tuổi) chia sẻ: "Sống ở thôn quê nếu chỉ nhìn vào vài sào ruộng thì sao đủ ăn, đủ lo cho con cái ăn học nên có việc gì làm ra tiền thì làm. Làm ăn theo sản phẩm, thường đan 1 tấn từ 1.500 - 2.000 đồng, tùy từng khung lớn nhỏ; còn người bắn ghim thì đơn giá cao gấp đôi. Nếu có hàng đều, chuyên tâm làm thì tháng cũng kiếm trên 5-6 triệu đồng".

Nhiều lao động nữ tăng thu nhập từ nghề đan bàn ghế nhựa giả mây  - 4

Kỹ thuật đan không cầu kỳ

Tại huyện Tây Sơn, địa phương có nhiều người làm đầu mối phân phối nguyên vật liệu cho lao động gia công tại cơ sở hoặc nhận hàng về nhà làm.

Từng theo học nghề đan dây nhựa giả mây, bà Nguyễn Thị Trúc (ở thôn Phú Hưng, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn) nhận thấy nghề này đang thịnh và cho thu nhập ổn định. Do vậy, bà Trúc mạnh dạn liên kết với các công ty rồi làm đầu mối phân phối hàng gia công cho nhiều cơ sở trên địa bàn huyện.

Nhiều lao động nữ tăng thu nhập từ nghề đan bàn ghế nhựa giả mây  - 5
Khó nhất là công đoạn bắn ghim dây nhựa vào khung sắt nên đơn giá cao hơn người đan.

"Trung bình mỗi tuần, tôi nhập khoảng 3.000 khung ghế về phân phối cho thợ gia công. Những người làm thường xuyên có thu nhập bình quân khoảng 4 triệu đồng/tháng. Người trẻ làm giỏi có thể kiếm 5 - 6 triệu đồng/tháng", bà Trúc cho biết.

Nắm bắt được xu thế phát triển của ngành nghề, đồng thời để đáp ứng nguyện vọng học nghề của lao động nông thôn, năm 2020, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tây Sơn (Bình Định) phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH, Phòng NN&PTNT và các hội đoàn thể, chính quyền địa phương mở các lớp dạy nghề đan dây nhựa giả mây.

Nghề tạo nhiều việc làm sau đào tạo

Theo bà Trần Thị Mỹ Lệ, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Tây Sơn (Bình Định), so với nhiều ngành nghề khác ở nông thôn, nghề đan dây nhựa giả mây giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo rõ nhất.

Trong thời gian đào tạo, học viên vừa học vừa có thu nhập từ sản phẩm gia công. Sau khi kết thúc lớp học, các học viên này thường trở thành "đầu mối" trực tiếp nhận nguyên vật liệu từ công ty, phân phối đến lao động gia công. Nhờ vậy mà nghề được nhân rộng, thu hút nhiều lao động.