Bình Định:
Nhiều hộ dân thoát nghèo từ nguồn vốn vay chính sách
(Dân trí) - Nhờ linh hoạt trong triển khai, kịp thời giải ngân nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH tỉnh Bình Định đã phát huy hiệu quả. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo, cận nghèo… từng bước vượt khó khăn, ổn định cuộc sống.
Ưu điểm của dòng vốn chính sách là sự linh hoạt trong triển khai, giải ngân kịp thời, góp phần tạo điều kiện cho nhiều hộ thuộc nhóm đối tượng của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) vượt qua giai đoạn khó khăn, vươn lên phát triển và ổn định cuộc sống.
Chính vì vậy, NHCSXH đã trở thành điểm tựa cho nhiều hộ còn khó khăn; học sinh, sinh viên được vay tiền học…
Nhờ dễ dàng tiếp cận được gói vay hộ nghèo từ vốn ủy thác ngân sách địa phương, gia đình ông Huỳnh Văn Sáu (63 tuổi, ở khu phố An Đông 1, thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ, Bình Định) từ hộ thuộc diện khó khăn ở địa phương thì nay gia đình ông đã dần ổn định.
Theo ông Sáu, đầu năm 2020, gia đình ông vay 100 triệu đồng từ NHCSXH huyện Phù Mỹ để phát triển chăn nuôi bò sinh sản. Với gói vay này, hàng tháng gia đình ông chỉ nộp gần 700.000 đồng tiền lãi nên cũng dễ dàng xoay xở, đặc biệt thủ tục thuận lợi nên ông cũng yên tâm.
“Tôi mua 4 con bò mẹ sinh sản hết 90 triệu đồng, còn 10 triệu mua thức ăn. Hiện, có 3 bò mẹ đang chửa, ra đầu năm là tôi có trong tay thêm 3 con nghé con. Nếu đẻ ra được nghé đực, nuôi thêm khoảng 4 tháng, với giá hiện tại một con nghé đực 4-5 tháng bán giá 25 triệu đồng. Với đà này thì chỉ 2 năm là tôi trả đứt khoản vay 100 triệu đồng của ngân hàng”, ông Sáu nói.
Theo ông Trương Minh Thảo, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phù Mỹ (Bình Định) đến nay, tổng dư nợ từ vốn ủy thác ngân sách địa phương trên địa bàn huyện hơn 14 tỷ đồng, với khoảng 332 hộ vay chủ yếu là vay hộ nghèo, vay tạo việc làm và xuất khẩu lao động.
“Nhờ quản lý nguồn vốn chặt chẽ, cho vay đúng đối tượng, nhờ đó mà hộ nghèo, cận nghèo… dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Qua kiểm tra, giám sát, hầu hết các hộ gia đình và người lao động đều sử dụng vốn đúng mục đích, phấn khởi khi được tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi, kịp thời mua con giống, vật tư để mở rộng sản xuất, kinh doanh… đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương”, ông Thảo cho hay.
Đến nay, rất nhiều những hộ dân ở Bình Định đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH. Cũng từ vay vốn NHCSXH huyện Hoài Ân, gia đình ông Lê Phước Giản (ở thôn Phú Thuận, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân) từ hộ nghèo dần vươn lên thoát nghèo, có thêm nguồn vốn để mở rộng đầu tư.
“Nhờ được vay vốn chính sách, đến nay gia đình tôi đã gầy đàn được 8 con bò thịt chất lượng cao, nhiều con đủ tuổi xuất bán. Chắc chắn gia đình tôi có thêm thu nhập, vừa trả nợ đúng hạn, vừa có vốn đầu tư vào mô hình trồng cây ăn trái”, ông Giản phấn khởi.
Theo ông Nguyễn Minh Hiếu, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hoài Ân, ngoài việc duy trì tốt các chương trình tín dụng chính sách, phòng giao dịch cũng tăng cường tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng vốn ủy thác từ ngân sách địa phương để nhiều hộ dân được tiếp cận vốn vay ưu đãi.
Riêng năm 2020, từ vốn ủy thác ngân sách huyện, ngân hàng đã giải ngân cho 10 hộ chăn nuôi gà thả đồi theo chương trình vay vốn tạo việc làm từ ngân sách địa phương.
Bà Nguyễn Thị Thảo Vy, Phó Giám đốc NHCSXH Bình Định, cho biết đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng ủy thác từ ngân sách địa phương hơn 240 tỷ đồng, với hơn 6.000 khách hàng còn dư nợ. Các chương trình tín dụng chính sách phát huy hiệu quả, xóa đói, giảm nghèo, tiến tới ổn định cuộc sống, góp phần an sinh xã hội.